Trước đó, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã đề cập nhiều vi phạm của nhà đầu tư dự án là Trung Nam Group. Theo đó, trong công tác lập thẩm định và phê duyệt Tổng mức đầu tư dư án, Trung Nam Group đã tính toán sai khối lượng, sáp dụng sai đơn giá, vận dụng máy thi công và nhân công K3 làm tăng tổng mức đầu tư số tiền hơn 402 tỷ đồng. Đối với công tác lập thẩm định và phê duyệt thiết kế cơ sở, theo KTNN, các bên đã lựa chọn giải pháp thiết kế cơ sở chưa phù hợp, dẫn đến điều chỉnh thay đổi trong quá trình triển khai, thay đổi đổi biện pháp cho hầm vượt sống Sài Gòn, điều chỉnh trụ pin và bản đáy khi thiết kế bản vẽ thi công.
Điều nguy hiểm là Trung Nam Group đã tự ý thay đổi vật liệu từ thép G7 sang thép Trung Quốc. Theo KTNN, nhà đầu tư đã lựa chọn vật tư chế tạo cửa van các gói thầu TB15, TB19, TB22 và TB26, khi thiết kế cơ sở chưa phù hợp, nên khi thiết kế kỹ thuật thi công phải điều chỉnh từ thép không rỉ SUS304, thép S355 sang sử dụng thép S355 hoặc các loại thép tương đương. Điều quan trọng là việc thay đổi vật tư chế tạo của Trung Nam Group theo KTNN “chưa được lập và trình UBND TP.HCM theo quy định tại điều 17 hợp đồng BT”. Tương tự, KTNN kết luận trong công tác lựa chọn nhà đầu tư, tổ chuyên gia tư vấn lựa chọn nhà đầu tư chưa đáp ứng đầy đủ năng lực theo quy định tại khoản 3 Điều 14 - Nghị định 30/2015/ND - CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ.
Nhà tư vấn giám sát hợp đồng dự án đã có văn bản kiến nghị UBND TPHCM cho rằng việc này là trái hợp đồng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng công trình nhưng đến nay UBND. TPHCM vẫn chưa trả lời kiến nghị.
Trong hợp đồng BT, Trung Nam Group và Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 – Công ty con của Trung Nam Group và cũng là nhà thầu của dự án, bị KTNN yêu cầu xử lý tài chính số tiền hơn 691 tỷ đồng. Trong đó, KTNN yêu cầu giảm chi phí đầu tư các gói thầu được kiểm toán số tiền gần 152 tỷ, giảm giá trị hợp đồng còn lại của gói thầu được kiểm toán gần 257 tỷ, hoàn tất các thủ tục xuất hóa đơn giá trị gia tăng đầu ra, kê khai và nộp thuế số tiền gần 283 tỷ đồng…
Phải vào cuộc kiểm tra, bóc trần những vấn đề của dự án
Tướng Lê Văn Cương cho biết: “UBND TP Hồ Chí Minh thời kỳ trước đây đã gây ra bao nhiêu chuyện bê bối rồi, như đại án Thủ Thiêm và hàng loạt các vấn đề khác. Đối với dự án BT chống ngập 10 ngàn tỷ mà tôi đọc trên báo, tôi nghĩ Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và Ủy ban Kiểm tra TW Đảng, dưới sự giám sát của Quốc hội, phải vào cuộc kiểm tra, bóc trần những vấn đề của dự án này.
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Phải vào cuộc kiểm tra, bóc trần những vấn đề của dự án này! |
“Tôi đề nghị công khai các khuất tất của dự án này trước ông luận. Không có gì gọi là “nhạy cảm” hết. Cần phải xử lý nghiêm theo luật”, tướng Cương kiến nghị.
Trong một diễn biến khác, về hành vi “tạm ứng 1.518 tỷ” cho Trung Nam Group trong Hợp đồng BT này, GS.TSKH Đặng Hùng Võ nói: “Cần phải làm rõ nguồn vốn tạm ứng cho nhà đầu tư dự án (Trung Nam Group - PV) lấy ở đâu ra? Nếu nhà đầu tư được ứng tiền từ vốn đầu tư ngoài ngân sách hoặc ngân sách thì đó là một việc làm rất bất thường mà theo tôi là không thể có chuyện đó”.
“Theo quy định của pháp luật, khi triển khai hợp đồng BT thì làm gì được ứng tiền ngân sách? Nếu ứng tiền ngân sách cho nhà đầu tư, tôi nghĩ chắc họ thừa tiền ngân sách. Hiện, không có bất cứ một quy định pháp luật nào cho phép nhà đầu tư theo hình thức BT được ứng tiền ngân sách”, GS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.
Dự án BT biến tướng thành giao dịch ngầm
Trên nghị trường Quốc hội, vấn đề BT được các đại biểu hâm nóng sau một loạt những bất cập. Ông Mai Sỹ Diến - Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hoá bày tỏ lo lắng khi vẫn còn khoảng trống pháp lý trong thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) ở nhiều địa phương.
Dẫn kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, ông Diến cho hay, chỉ một trong 12 dự án giai đoạn 2013 - 2017 đấu thầu, còn lại 11 dự án được phân giao qua chỉ định thầu. Thời điểm giao đất thanh toán, thời điểm giao dự án còn nhiều bất cập.
"Điều này đã làm giảm tính cạnh tranh trong thực hiện dự án. Dự án BT có thể trở nên biến tướng thành giao dịch ngầm giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước", ông Diến cảnh báo.
Trung Nam Group nhận hoàn thuế hơn 326 tỷ đồng!
(Số liệu nhận hoàn thuế VAT của Trung Nam Group từ dự án chống ngập 10 ngàn tỷ mà phóng viên vừa nhận được từ cơ quan chức năng).
Đợt 1: Số chứng từ 08.0009 ngày 23/8/2017 (Hoàn quý 2,3/2017): 6.734.755.025.
Đợt 2: Số CT 10.0010 ngày 19/10/2017 (Hoàn đến tháng 7): 202.912.833.992 ,
Đợt 3: Số CT 11.0006 ngày 15/11/2017( Hoàn đến tháng 7) 58.022.100.822,
Đợt 4: Số CT 01.0001 ngày 8/1/2018( Hoàn đến T11): 28.537.399.943.
Đợt 5: Số CT 02.0003 ngày 8/2/2018( Hoàn đến T12): 30.005.026.528 .
Tổng cộng 5 đợt là: 326.212.116.310 đồng.