Giả mạo quyết định, chữ ký của Chủ tịch tỉnh để…“làm màu”
Liên quan vụ giả mạo quyết định của UBND tỉnh Gia Lai về việc giao 392ha đất trồng rừng, mới đây, bà Đào Thị Thúy Nga, Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp Thiên Phú Gia Lai đã có tâm thư xin lỗi gửi UBND tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long; các sở, ban, ngành.
Trong tâm thư, bà Nga cho biết, em trai bà là Nguyễn Thành D. (SN 2001) được bà giao lại công ty để quản lý, điều hành trong thời gian bà bận việc gia đình và điều trị bệnh.
“Vì làm màu với bạn bè, nên Nguyễn Thành D đã làm và scan con dấu của một văn bản khác vào văn bản mình soạn thảo, với mục đích khoe có quan hệ rộng, nên mới có sự việc đáng tiếc xảy ra”, bà Nga trình bày trong tâm thư và gửi lời xin lỗi đến lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cùng các sở, ban, ngành, các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương.
|
Quyết định giả mạo của UBND tỉnh Gia Lai về giao đất trồng rừng |
Trước đó, mạng xã hội đăng tải một quyết định của UBND tỉnh Gia Lai về việc giao 392 ha đất trồng rừng cho một doanh nghiệp. Theo đó, Quyết định này có số 1372/QĐ-UB ngày 29/6/2023 của UBND tỉnh về việc giao 392 ha đất trống đồi trọc tại tiểu khu 1393 và 1394, thuộc Lâm trường Nam Sông Ba (huyện Krông Pa) cho Công ty TNHH Nông nghiệp Thiên Phú Gia Lai để sử dụng vào mục đích trồng, bảo vệ và phát triển rừng.
Ngay sau khi phát hiện văn bản giả mạo trên, lãnh đạo Sở NN&PTNT Gia Lai đã ký ban hành công văn số 154 báo cáo về việc có dấu hiệu giả mạo Quyết định số 1372/QĐ-UB của UBND tỉnh và Quyết định số 2314/QĐ-SNNPTNN của Sở NN&PTNT Gia Lai về việc giao đất trồng rừng.
Đại diện Sở NN&PTNT Gia Lai cho biết, tại quyết định 1372/QĐ-UB ban hành ngày 29/6/2023 (giả mạo) có nêu xét đề nghị của Giám đốc Sở NN&PTNT Gia Lai tại Công văn số 1746/CV-NNPTNT ngày 15/6/2021. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng toàn bộ văn bản ban hành đi của Sở NN&PTNT trong năm 2021 thì Giám đốc Sở không ký ban hành Công văn số 1746. Do đó, Sở NN&PTNT Gia Lai xác định đối tượng đã giả mạo Quyết định số 1372/QĐ-UB ban hành ngày 29/6/2023 của UBND tỉnh.
Ngoài ra, có xuất hiện giả mạo thêm Quyết định số 2314/QĐ-SNNPTNN ngày 3/10/2023 của Sở NN&PTNT Gia Lai về việc giao đất trồng rừng. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, rà soát toàn bộ văn bản ban hành trong năm 2023 của Sở thì Giám đốc Sở không ký ban hành Quyết định số 2314 này. Do đó, Sở NN&PTNT xác định đối tượng đã giả mạo Quyết định số 2314/QĐ-SNNPTNN ngày 3/10/2023 của Sở về việc giao đất trồng rừng.
Ngày 16/1, UBND tỉnh Gia Lai khẳng định, Quyết định số 1372/QĐ-UB ban hành ngày 29/6/2023 của UBND tỉnh về việc giao đất trồng rừng không do UBND tỉnh ban hành. Đây là quyết định giả mạo văn bản, chữ ký của cơ quan Nhà nước và cá nhân có thẩm quyền.
UBND tỉnh Gia Lai giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan kiểm tra làm rõ nội dung, xác minh thông tin báo phản ánh, căn cứ kết quả và thẩm quyền, chức năng của đơn vị thống nhất hướng xử lý.
|
Tâm thư được cho là của bà Đào Thị Thúy Nga người đại diện Ban Giám đốc công ty TNHH Nông nghiệp Thiên Phú Gia Lai |
Xử lý thế nào?
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, hành vi làm giả quyết định của UBND tỉnh Gia Lai là vi phạm pháp luật, vi phạm về quản lý hành chính nên cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo quy định của pháp luật, mỗi pháp nhân sẽ có con dấu riêng để sử dụng cho hoạt động của mình. Việc khắc con dấu, quản lý, sử dụng con dấu phải tuân thủ quy định của pháp luật, theo chức trách nhiệm vụ quyền hạn được giao, theo trình tự, thủ tục luật định và đúng thẩm quyền. Đặc biệt là các con dấu của cơ quan nhà nước liên quan đến việc sử dụng trong việc quản lý hành chính nhà nước, quản lý đất đai là những văn bản pháp lý quan trọng có liên quan đến công tác quản lý nhà nước, quyền lợi của các tổ chức, cá nhân.
Theo đó, tất cả các văn bản không phải do cơ quan nhà nước ban hành, mạo danh cơ quan nhà nước hoặc sử dụng chữ ký giả, con dấu giả hoặc tẩy sửa nội dung làm sai lệch nội dung văn bản đều được xác định là hành vi làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức. Người thực hiện hành vi làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 341 Bộ luật Hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Để xử lý người đã làm ra văn bản của UBND tỉnh Gia Lai, cơ quan chức năng cần thu giữ được tài liệu giả mạo, xác minh và có thể trưng cầu giám định để xác định tài liệu đó là tài liệu giả, làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.
Người thực hiện hành vi làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức từ 16 tuổi trở lên sẽ bị xử lý hình sự không phụ thuộc vào việc mục đích sử dụng tài liệu con dấu để làm gì. Trường hợp người không làm giả tài liệu con dấu nhưng biết là tài liệu con dấu giả vẫn sử dụng để thực hiện hành vi trái pháp luật cũng bị xử lý hình sự theo điều 341 Bộ luật Hình sự.
Để chứng minh tội phạm, cơ quan tiến hành tố tụng cần thu giữ bản chính giấy tờ giả để tiến hành trưng cầu giám định và xác minh làm rõ hành vi làm giả, làm rõ đối tượng thực hiện hành vi làm giả, đánh giá tác động của hành vi này đối với xã hội để xử lý theo quy định của pháp luật.
|
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường |
Trường hợp đối tượng thực hiện hành vi làm giả file hình ảnh trên không gian mạng nhưng không in ra, không có bản chính có thể chỉ xử phạt hành chính về hành vi đưa thông tin giả mạo trên mạng internet theo quy định tại nghị định số 15/2020/NĐ-CP.
Do đó, cơ quan chức năng sẽ làm rõ giấy tờ tài liệu giả này đã được làm ra hay chưa, sẽ thu giữ chứng cứ vật chất để tiến hành trưng cầu giám định và xác minh theo quy định của pháp luật. Còn trường hợp sự việc vẫn tồn tại ở thông tin giả, bản ảnh được scant ở trên không gian mạng cũng có thể chỉ xử phạt vi phạm hành chính mà không truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ quyết định giả mạo này đã được sử dụng vào mục đích gì. Nếu sử dụng để chiếm đoạt tài sản của người khác, sẽ xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 174 Bộ luật Hình sự. Trong trường hợp xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ không xử lý về tội làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức bởi tài liệu giả chỉ là phương thức thủ đoạn để thực hiện hành vi lừa đảo. Do đó, mục đích sử dụng quyết định giả này vào việc gì và đã gây ra hậu quả như thế nào là vấn đề cũng rất quan trọng để xử lý đối với đối tượng vi phạm trong trường hợp này.
Theo tâm thư của đại diện Công ty TNHH Nông nghiệp Thiên Phú Gia Lai, doanh nghiệp này thừa nhận đã có người làm giả văn bản của UBND tỉnh về việc giao đất với mục đích là để "làm màu", ngoại giao, không có mục đích vi phạm pháp luật nào khác. Cơ quan chức năng sẽ xác minh làm rõ nội dung của văn bản này để xác định tính trung thực cũng như bản chất của sự việc từ đó sẽ có kết luận và quyết định giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Vụ việc này cho thấy có thể là hành vi thiếu hiểu biết pháp luật hoặc ý thức coi thường pháp luật. Tuy nhiên, vì lý do gì chăng nữa, hành vi làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Pháp luật bắt buộc mọi người đều phải nhận thức được rằng văn bản không phải do cơ quan nhà nước phát hành là văn bằng giả, nếu làm giả những văn bản này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác quản lý hành chính nhà nước, có thể xâm phạm đến các quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của tổ chức, của cá nhân, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội. Bởi vậy, người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong tình huống này sẽ bị xử lý bằng chế tài của pháp luật.
Vụ việc sẽ là bài học cảnh tỉnh cho những người háo danh, có ý thức coi thường pháp luật.
>>> Mời độc giả xem thêm video Facebook khoá trang giả mạo VTV