Trao đổi với báo chí bên hàng lang Quốc hội ngày 6/6 về vụ nâng điểm thi THPT 2018 xảy ra tại Hà Giang, đặc biệt có thí sinh được nâng tới 29,95 điểm cho 4 môn thi trắc nghiệm, ông Triệu Tài Vinh – Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang chỉ nói: “Tôi không biết trường hợp đó, còn việc nâng nhiều thì biết rồi”.
Vẫn giữ sự kiệm lời, trả lời báo chí về việc cơ quan an ninh điều tra kết luận PGĐ Sở GD&ĐT Phạm Văn Khuông nhờ cấp dưới nâng 13,3 điểm cho con trai, ông Triệu Tài Vinh nói rằng: "mời phóng viên lên Hà Giang" vì “ở đây chưa quyết định được”.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang nói thêm, không có vùng cấm khi xử lý cán bộ tỉnh có con em được nâng điểm thi và cảm ơn báo chí vì đã phản ánh, theo sát sự việc xảy ra.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang - Triệu Tài Vinh. |
Trước đó, Kiến Thức đã đưa tin, Cơ quan An ninh điều tra – Công an tỉnh Hà Giang đã kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang đề nghị truy tố 5 bị can.
Các bị can gồm: Vũ Trọng Lương (41 tuổi, trú tại phường Nguyễn Trãi, TP Hà Giang) –Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang; Nguyễn Thanh Hoài (50 tuổi, trú tại phường Minh Khai, TP Hà Giang) – Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang; Bị can Triệu Thị Chính (51 tuổi) và bị can Phạm Văn Khuông - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang và Lê Thị Dung(50 tuổi) - Phó Đội trưởng thuộc Phòng An ninh Chính trị nội bộ - Công an tỉnh Hà Giang).
Cả 5 bị can được cho đã lợi dụng sơ hở, thiếu sót trong phần mềm xử lý bài thi trắc nghiệm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, thực hiện hành vi sửa đáp án để nâng điểm cho 107 thí sinh.
Đáng chú ý, bị can Vũ Trọng Lương và Nguyễn Thanh Hoài phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” được quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự.
Bị can Triệu Thị Chính phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, quy định tại Điều 358 Bộ luật Hình sự.
Hai bị can Phạm Văn Khuông và Lê Thị Dung phạm tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi” được quy định tại Điều 366 Bộ luật Hình sự.
Đáng chú ý, theo kết luận điều tra, bị can Vũ Trọng Lương đã thực hiện hành vi nâng điểm cho các thí sinh. Đáng chú ý, Lương đã thao tác trên máy tính, can thiệp sửa kết quả 309 bài thi các môn của 107 thí sinh để nâng điểm.
Bị can Nguyễn Thanh Hoài mặc dù không trực tiếp thực hiện hành vi can thiệp sửa kết quả bài làm của các thí sinh để nâng điểm, nhưng đã bàn bạc, thống nhất với Vũ Trọng Lương thực hiện việc nâng điểm cho các thí sinh, thể hiện vai trò chỉ đạo (chủ mưu). Bản thân bị can Nguyễn Thanh Hoài đã đưa danh sách các thí sinh cần được nâng điểm cho Lương để bị can Lương thực hiện thao tác trên máy tính, sửa kết quả bài làm của các thi sinh trong quá trình xử lý bài thi trắc nghiệm để nâng điểm của thí sinh.
Bị can Triệu Thị Chính, khi bị khởi tố là Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang – Phó Chủ tịch Hội đồng thi, Trưởng ban chấm thi đã đưa cho bị can Nguyễn Thanh Hoài danh sách 13 thí sinh và bảo Hoài nâng điểm môn Ngữ văn cho thí sinh. Giữa 2 bị can đã thống nhất số điểm cần nâng nhưng vì lý do khách quan, Hoài chưa thể can thiệp vào bài thi để nâng điểm.
Bị can Phạm Văn Khuông là Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang không tham gia vào Hội đồng thi THPT Quốc gia năm 2018 tại Hà Giang nhưng đã nhờ Nguyễn Thanh Hoài nâng điểm cho con trai mình.
Bị can Lê Thị Dung - Phó đội trưởng Đội giáo dục đào tạo, y tế, lao động xã hội thuộc Phòng An ninh Chính trị Nội bộ - Công an tỉnh Hà Giang dù không được phân công thực hiện nhiệm vụ liên quan trong kỳ thi, nhưng qua quan hệ công tác, bị can Dung đã nhờ Nguyễn Thanh Hoài nâng điểm cho 20 thí sinh tham dự kỳ thi này là con cháu bạn bè quen biết.
Đáng chú ý, kết luận điều tra cũng đề cập trường hợp một thí sinh được nâng điểm nhiều nhất (29,95 điểm) mang số báo danh 05000592.
Liên quan vụ việc trên, Công an tỉnh Hà Giang đã có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền có hình thức xử lý phù hợp tùy theo tính chất, mức độ đối với những phụ huynh có con được nâng điểm tại Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.
Có đến 210 bố, mẹ của 107 thí sinh (có 2 thí sinh sinh đôi, 2 thí sinh có bố đã mất) hiện đang sinh sống, làm việc trong các cơ quan, sở, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang của tỉnh Hà Giang và làm nghề nông nghiệp, kinh doanh, lao động tự do... tại tỉnh Hà Giang và một số tỉnh khác.
Hiện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đã có văn bản yêu cầu kiểm tra, xem xét trách nhiệm của những cá nhân có liên quan đến vụ gian lận thi cử tại địa phương. Trong đó, có ông Trần Đức Quý, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang với vai trò là Trưởng ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia 2018 và ông Vũ Văn Sử, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang với vai trò là Chủ tịch Hội đồng thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh này.