Lô đất đã được chuyển nhượng vẫn kê biên, bán đấu giá
Mới đây, Văn phòng Cơ quan CSĐT (Bộ Công an) có văn bản gửi UBND TP Đà Nẵng đề nghị cung cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (lần đầu và các lần chỉnh lý biến động) và các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với lô đất A2 đường Phạm Văn Đồng (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) giữa các tổ chức, cá nhân liên quan, hiện trạng của lô đất và tình trạng pháp lý của lô đất tại thời điểm hiện tại.
Đề nghị trên từ việc ông Phan Văn Anh Vũ có đơn kiến nghị đề nghị xem xét khẩn cấp về việc lô đất A2 đường Phạm Văn Đồng đã được Phan Văn Anh Vũ chuyển nhượng cho Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân Đội (Viettel) từ năm 2009 nhưng Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an (C01) vẫn ra lệnh kê biên và Cục Thi hành án dân sự TP. Đà Nẵng đã tổ chức bán đấu giá thành công lô đất này cho Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Vạn Thành Phát.
|
Lô đất A2 đường Phạm Văn Đồng (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng). (Ảnh: Tiền Phong) |
Trong văn bản gửi Sở TN&MT Đà Nẵng liên quan việc kê biên, đấu giá quyền sử dụng đất tại lô A2 đường Phạm Văn Đồng, Văn phòng Cơ quan CSĐT (Bộ Công an) đề nghị Sở này báo cáo giải trình, làm rõ trách nhiệm của những cá nhân có liên quan khi tham mưu, duyệt, ký các văn bản cung cấp thông tin không chính xác cho Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an và Cục Thi hành án dân sự Đà Nẵng về nội dung thay đổi và cơ sở pháp lý đối với quyền sử dụng lô đất nói trên.
Theo văn bản này, tháng 3/2007, Công ty TNHH Xây dựng 79 đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Lô A2 cho Phan Văn Anh Vũ. Sau đó, vợ chồng ông Phan Văn Anh Vũ đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Lô A2 nêu trên cho Tổng Công ty Viễn thông Quân đội. Ngày 30/5/2007, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất đã đăng ký biến động Quyền sử dụng đất tại Lô A2 cho Tổng Công ty Viễn thông Quân đội. Từ 2012 đến nay, Tập đoàn Viettel đều nộp đầy đủ nghĩa vụ tài chính đất đai về tiền thuế phi nông nghiệp tại Chi cục Thuế Sơn Trà.
Tuy nhiên, ngày 30/12/2021, Cục Thi hành án dân sự TP Đà Nẵng đã tổ chức đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất lô A2 để đảm bảo thi hành án cho Phan Văn Anh Vũ. Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Vạn Thành Phát đã trúng đấu giá với số tiền 293,5 tỷ đồng. Cục Thi hành án dân sự TP Đà Nẵng đã ký hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá với Công ty Vạn Thành Phát và đã bàn giao đất trên thực địa, chưa đăng ký biến động tại Cơ quan quản lý đất đai TP Đà Nẵng.
Đáng chú ý, trước thời điểm đưa ra đấu giá, ngày 2/6/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng đã có công văn gửi Cục Thi hành án dân sự Đà Nẵng xác nhận: "Không có trở ngại khi cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người mua trúng đấu giá".
Trao đổi với báo chí, đại diện Cục Thi hành án dân sự TP Đà Nẵng khẳng định, việc bán đấu giá lô A2 đường Phạm Văn Đồng, Cục làm theo bản án, đúng trình, tự thủ tục. Vấn đề do Sở TN&MT đã cung cấp sai thông tin. Tại thời điểm Cục Thi hành án bán đấu giá tài sản để đảm bảo việc thi hành án, Sở TN&MT vẫn xác nhận đó là tài sản của Phan Văn Anh Vũ. Sau khi bán đấu giá, Sở TN&MT sẽ có trách nhiệm làm sổ cho đơn vị trúng đấu giá. Lô đất A2 đường Phạm Văn Đồng sau khi đấu giá, tiến hành làm sổ thì phát sinh việc lô đất đã được sang nhượng trước đó.
Đâu là giải pháp đảm bảo được tốt nhất quyền lợi cho tất cả các bên?
Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch - Công ty Luật Anphana, Đoàn Luật sư TP HCM cho rằng, theo quy định tại khoản 1, Điều 128, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, kê biên tài sản chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tiền hoặc có thể bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại, nghĩa là chỉ được phép kê biên tài sản của người phạm tội.
Tuy nhiên, thực tế vẫn xảy ra một số ít trường hợp mặc dù tài sản đã được chuyển nhượng theo đúng quy định pháp luật, người nhận chuyển nhượng đã thực hiện nghĩa vụ tài chính, thuế với Nhà nước, tài sản cũng đã được Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đăng ký biến động sang tên cho người nhận chuyển nhượng, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng vẫn tiến hành kê biên tài sản mà không xem xét đến việc người nhận chuyển nhượng hiện là chủ sở hữu hợp pháp của tài sản đó.
Trong vụ án trên, có thể thấy, chỉ vì cơ quan tiến hành kê biên nhầm tài sản, kê biên không tuân thủ đúng quy định pháp luật, các cơ quan chức năng không có sự phối hợp trong việc cung cấp thông tin tài sản, sự tắc trách của một số cán bộ cơ quan nhà nước đã dẫn đến hệ lụy là quyền lợi của bên thứ ba không được bảo vệ và xâm phạm một cách nghiêm trọng. Những thiệt hại Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội và Công ty CP Đầu tư Bất động sản Vạn Thành Phát đang phải đối diện, các Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ xử lý như thế nào?
Theo luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, việc kê biên không đúng quy định của pháp luật Tố tụng hình sự sẽ dẫn đến việc xâm phạm trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của người, pháp nhân bị kê biên, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ, gây khó khăn cho công tác thi hành án dân sự.
Để hạn chế tình trạng trên, trước khi kê biên tài sản của người, pháp nhân bị kê biên, các cơ quan tiến hành tố tụng phải xác minh, xem xét nguồn gốc, quá trình hình thành tài sản cũng như chủ sở hữu, tình trạng thực tế của tài sản để kê biên đúng, đủ quyền sở hữu, sử dụng của họ, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp của bên thứ ba ngay tình.
Trường hợp phát hiện có việc kê biên không đúng đối tượng kê biên, kê biên chưa đúng quy định pháp luật, các cơ quan thi hành án cần có ý kiến đến người có thẩm quyền để đề nghị kháng nghị Giám đốc thẩm với những bản án đã có hiệu lực pháp luật nhằm tuyên huỷ, sửa một phần bản án kê biên không đúng, kê biên sai, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên có liên quan.
>>> Mời độc giả xem thêm video Tài sản tham nhũng nghìn tỷ đi đâu, về đâu?