Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng cho CTCP Thép Nam Kim (HoSE: NKG) với khối lượng dự kiến 131,6 triệu cổ phiếu và triển khai trong vòng 90 ngày kể từ 2/12/2024.
Được biết, trước đó, Thép Nam Kim thông qua kế hoạch chào bán hơn 131,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Tỷ lệ thực hiện quyền là 2:1 (tức mỗi cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu sẽ được mua 1 cổ phiếu mới), với giá chào bán là 12.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian chào bán dự kiến từ quý 3 – 4/2024, sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Số cổ phiếu phát hành thêm sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng.
Nếu thực hiện thành công, NKG sẽ thu về gần 1.580 tỷ đồng. Số tiền này dự kiến dùng để góp vốn vào Công ty TNHH Tôn Nam Kim Phú Mỹ để đầu tư dự án nhà máy thép tấm lợp Nam Kim Phú Mỹ ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đây là dự án chiến lược của NKG với tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng (giai đoạn 1), bao gồm dây chuyền mạ kẽm 350.000 tấn/năm, 2 dây chuyền mạ hợp kim nhôm kẽm 300.000 tấn/năm và 150.000 tấn/năm, và dây chuyền mạ màu 150.000 tấn/năm.
Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý 3/2024, Thép Nam Kim ghi nhận doanh thu đạt 5.188,27 tỷ đồng, tăng 21,7% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ghi nhận lãi 64,85 tỷ đồng, tăng 174,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ mức 4,8%, lên 8,7%.
Doanh thu hoạt động tài chính mang về cho công ty gần 60 tỷ đồng, giảm 24% so với quý 3 năm trước. Chi phí tài chính tăng 40% lên mức 118 tỷ đồng, gồm 49 tỷ đồng chi phí lãi vay. Chi phí bán hàng cũng tăng mạnh 105% lên mức 283 tỷ đồng. Ngược chiều, chi phí quản lý giảm 13% xuống mức 28 tỷ đồng.
Kết quả, Thép Nam Kim lãi sau thuế 65 tỷ đồng, gấp 2,7 lần cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên so với hai quý liền trước thì mức lợi nhuận này sụt giảm mạnh.
Ảnh minh họa |
Theo giải trình của doanh nghiệp, lợi nhuận quý 3/2024 tăng trưởng so với cùng kỳ nhờ tăng doanh thu khi công ty đẩy mạnh các kênh bán hàng trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, sản lượng tăng giúp cho chi phí sản xuất bình quân giảm, nhờ đó cải thiện biên lợi nhuận.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu của công ty đạt 16.140 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 435 tỷ đồng, gấp 4 lần. Mức tăng trưởng này cũng là nhờ doanh thu tăng và biên lợi nhuận gộp cải thiện (đạt 9,5% so với cùng kỳ chỉ đạt 5,9%).
Năm 2024, Thép Nam Kim đặt kế hoạch tổng doanh thu 21.000 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2023; lợi nhuận trước thuế 420 tỷ đồng, tăng 137%. Như vậy với con số lợi nhuận trước thuế 543 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, công ty đã vượt 29% kế hoạch.
Theo đánh giá của Chứng khoán Agribank (Agriseco - AGR), dù đối mặt với những rủi ro từ các biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng thép, Thép Nam Kim được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định trong các tháng cuối năm.
Động lực chính đến từ sự phục hồi tích cực của hoạt động xây dựng và sản xuất ô tô tại châu Âu và Bắc Mỹ, hai thị trường chiếm đến 70% tỷ trọng doanh thu xuất khẩu của công ty. Bên cạnh đó, tại thị trường nội địa, sự sôi động trong lĩnh vực xây dựng được kỳ vọng sẽ tăng lên khi các bộ luật mới về bất động sản có hiệu lực từ tháng 8/2024, giúp nhu cầu tôn mạ tăng cao.
Ngoài ra, sản lượng tiêu thụ nội địa của Thép Nam Kim có thể tăng đáng kể nếu Bộ Công Thương quyết định áp thuế chống bán phá giá chính thức đối với tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Hiện Bộ Công Thương đang tiến hành điều tra và nếu có đầy đủ bằng chứng về việc bán phá giá, biện pháp chống bán phá giá tạm thời có thể được áp dụng vào cuối năm 2024.
Chứng khoán Maybank cũng nhận định rằng sự chênh lệch giá thép cuộn cán nóng (HRC) giữa thị trường Việt Nam với EU và Hoa Kỳ đang có xu hướng mở rộng. Việc EU áp hạn ngạch 15% đối với HRC nhập khẩu kể từ tháng 7/2024 đối với nhóm “các quốc gia khác,” bao gồm Việt Nam, đang hạn chế nguồn cung HRC giá rẻ tại thị trường này. Điều này đã đẩy giá bán HRC, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tôn mạ, tại khu vực EU tăng lên.
Với diễn biến này, Thép Nam Kim và các doanh nghiệp xuất khẩu tôn mạ của Việt Nam được dự báo sẽ hưởng lợi trực tiếp nhờ giá xuất khẩu và biên lợi nhuận gộp tăng lên, khi các khách hàng tại châu Âu ưu tiên nhập khẩu nguồn hàng giá rẻ từ Việt Nam.