Riêng trong quý 4/2019, doanh thu thuần của Nam Kim giảm 6% về mức hơn 3.190 tỷ đồng. Tuy vậy giá vốn hàng bán giảm đến 10%, chiếm hơn 3.058 tỷ đồng nên lãi gộp của Nam Kim đạt hơn 132 tỷ đồng, gấp 4,4 lần cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp trong quý được cải thiện lên 4% từ mức 1% của quý 4/2018.
Trong kỳ, tổng các chi phí tài chính, bán hàng, quản lý doanh nghiệp giảm đáng kể góp phần làm cho lãi ròng của Công ty ghi nhận hơn 13 tỷ đồng, khả quan nhiều so với con số lỗ gần 160 tỷ đồng của cùng kỳ.
Kết quả này giúp cho Công ty thu về lãi ròng gần 92 tỷ đồng trong cả năm 2019, tăng đến 88% so cùng kỳ tuy doanh thu thuần giảm 16%, còn 12.177 tỷ đồng. Với kết quả này, Nam Kim cũng mới thực hiện được 79% kế hoạch doanh thu thuần và 47% kế hoạch lợi nhuận.
Nguồn: NKG |
Trên thị trường, cổ phiếu NKG đang rớt mạnh, lực bán ra lớn. Kết phiên sáng 20/1, thị giá của cổ phiếu NKG nằm sàn, giao dịch tại mức giá 9.210 đồng/cp.
Năm 2020, Nam Kim sẽ được hưởng lợi?
Theo SSI Research, sản lượng tiêu thụ thép khó có thể phục hồi mạnh mẽ trong năm 2020. Tăng trưởng sản lượng tiêu thụ của ngành ước tính tiếp tục duy trì ở mức từ 5- 7%, do thị trường bất động sản trì trệ đi kèm với việc chậm trễ trong tiến độ đầu tư công. Tuy nhiên, việc gia tăng giải ngân nguồn vốn FDI có thể là yếu tố hỗ trợ cho nhu cầu thép.
Trong năm 2020, tổng công suất thép xây dựng ước tính tăng 15%, chủ yếu đến từ khu liên hợp thép Dung Quất và nhà máy VAS Nghi Sơn với công suất mỗi năm lần lượt là 2 triệu tấn và 500.000 tấn. Tuy nhiên, một phần của việc gia tăng công suất sẽ bù đắp cho hoạt động đóng cửa một số dây chuyền sản xuất, ví dụ như từ Posco SS ở miền Nam với công suất 500.000 tấn/năm.
Theo SSI Research, công suất tăng đáng kể trong khi nhu cầu tăng trưởng chậm lại, đặc biệt là thép xây dựng, có thể gia tăng sức ép cạnh tranh cho thị trường trong nước, và làm giá thép trong nước biến động mạnh hơn.
Trong bối cảnh áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng, xu hướng chiếm lĩnh thị phần trong mảng thép xây dựng có thể tăng tốc theo hướng có lợi cho các công ty lớn với lợi thế đáng kể về chi phí sản xuất, vận chuyển, và hệ thống phân phối.
Tuy nhiên, do tỷ suất EBITDA của nhiều nhà sản xuất gần bằng 0, SSI Research cho rằng áp lực giảm giá thép không quá lớn, do các công ty nhỏ hơn và không hiệu quả có thể chọn cắt giảm sản lượng sản xuất khi doanh thu không thể bù đắp được chi phí.