Vào đêm giao thừa chào đón năm mới 2022, một chương trình nấu ăn trực tuyến mang tên "Chạy đua vì Trái đất" được phát sóng trên các nền tảng mạng xã hội tại Trung Quốc và thu hút đến hơn 800.000 người xem.
Đây là sự kiện quy tụ hơn 50 đầu bếp cùng chuyên gia thực phẩm chay. Họ thay nhau chế biến những món ăn có nguồn gốc thực vật, đồng thời khuyến khích người xem nên từ bỏ chế độ ăn nhiều thịt.
Theo Li Yihong, giám đốc kế hoạch của Good Food Fund (một tổ chức do Quỹ Bảo tồn Đa dạng sinh học Trung Quốc và tổ chức phi lợi nhuận Phát Triển Xanh điều hành), sự kiện nêu trên chínhals Trung Quốc đối với chế độ ăn uống dựa trên thực vật.
"Tuy vậy, vẫn còn một chặng đường dài để có thể giáo dục người tiêu dùng ăn chay một cách phù hợp", ông nói trên Sixth Tone.
Những livestreamer quảng cáo sản phẩm thịt làm từ thực vật của KFC. Hình ảnh được ghi lại tại Thượng Hải ngày 27/4/2020. Ảnh: People Visual. |
Giới trẻ Trung Quốc ăn kiêng với nhiều chế độ linh hoạt, trong đó biện pháp ăn chay và thuần chay đang gia tăng với số lượng kỷ lục.
Tại quốc gia tỷ dân này, các nhà hoạt động và người nổi tiếng ngày càng lên tiếng nhiều hơn về việc tiêu thụ thịt, bày tỏ quan điểm cho rằng ăn nhiều thịt sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và sức khỏe cộng đồng, ngoài ra còn là vấn đề đạo đức khi giết hại động vật.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor International, thị trường thực phẩm thuần chay của Trung Quốc sẽ trị giá gần 12 tỷ USD vào năm 2023, tăng từ mức dưới 10 tỷ USD vào năm 2018.
Trong đó, doanh số bán loại thịt có nguồn gốc thực vật nói riêng đang bùng nổ. Từ vài năm qua, các chuỗi cửa hàng thực phẩm và đồ uống lớn như McDonald’s, KFC và Starbucks đã giới thiệu các sản phẩm thịt chay tại các cửa hàng của mình ở Trung Quốc.
Báo cáo của Bloomberg Businessweek và Starfield cũng dự báo ngành công nghiệp thịt chay của Trung Quốc sẽ tăng trưởng đến 200% trong vòng 5 năm tới.
Báo cáo cho thấy thế hệ Millennials Trung Quốc là động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng này. Khoảng 50% người thuộc thế hệ trẻ cho biết họ tiêu thụ thịt chay vì sức khỏe, trong khi 27% cho biết mối quan tâm về môi trường là yếu tố chính.
Các loại chả chay được sản xuất bởi Jinhua, một công ty thực phẩm của Trung Quốc. Ảnh: People Visual. |
Tuy nhiên, phong trào ăn chay ngày càng tăng của Trung Quốc cũng gây ra phản ứng dữ dội trong những tháng gần đây. Một số chiến dịch bày tỏ quan điểm tiêu cực với thịt động vật đã gây ra sự giận dữ trên mạng xã hội Weibo.
Cụ thể, vào tháng 12, Trương Tịnh Sơ, một diễn viên nổi tiếng của Trung Quốc, đã phải đối mặt với những lời chỉ trích sau khi quảng cáo cho một bộ phim tài liệu ủng hộ việc ăn chay, trong đó cô và những nhân vật của công chúng khác mô tả việc ăn thịt là "tàn nhẫn" và "không cần thiết".
Một số cư dân mạng đồng loạt bình luận: "Ai cho họ quyền chỉ tay vào đĩa của tôi, đánh giá tôi ăn thịt chẳng khác nào phạm tội?"; "Tôi có quyền ăn những gì mình muốn".
Từ những tranh cãi này, các nhà tổ chức chương trình "Chạy đua vì Trái đất" đã cố gắng sửa đổi thông điệp chương trình, từ "khuyến khích mọi người cắt bỏ hoàn toàn thịt trong bữa ăn" thành "ủng hộ chế độ ăn chay".
Jian Yi, người sáng lập Good Food Fund, cho biết: "Việc ăn chay hay ăn thịt động vật không phải là vấn đề trắng đen. Lối sống thuần chay có thể không phù hợp với tất cả".
Theo Jian, việc áp dụng chế độ ăn kiêng từ thực vật với ít nhất 85% món ăn không có các sản phẩm làm từ động vật mang lại nhiều tác động lớn.
Mức tiêu thụ thịt bình quân đầu người của Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi kể từ những năm 1980 khi mức thu nhập của người dân tăng lên.
Zhang Bimin, bác sĩ tâm thần tại Quảng Châu, là một trong số nhiều thanh niên Trung Quốc đã theo đuổi chế độ ăn chay trường gần đây. Người đàn ông 30 tuổi có quyết định nêu trên sau khi xem một bộ phim tài liệu mô tả chi tiết cách các công ty sản xuất thịt đối xử với gia súc. gia cầm.
Zhang nói với Sixth Tone: "Tôi không thể ngừng khóc và thề sẽ không bao giờ làm tổn thương bất kỳ con vật nào nữa vì thói quen ăn uống của mình".