Làng Đa Sĩ, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội vốn nổi tiếng là đất học xưa kia với 11 vị tiến sĩ, 1 lưỡng quốc trạng nguyên và một vị thầy thuốc quân y đầu tiên của Việt Nam... Nhiều người cho rằng, sở dĩ làng có nhiều nhân tài đến vậy là nhờ nằm ở thế đất tứ linh, là cái nôi hội tụ và sản sinh nhân tài...
Thế đất sinh nhân tài
Khi đến làng Đa Sĩ hỏi về lịch sử ngôi làng có nhiều tiến sĩ vào loại bậc nhất Việt Nam, ông Hoàng Thế Xương người đã có rất nhiều năm nghiên cứu về lịch sử của vùng đất Đa Sĩ dẫn chúng tôi đến di chỉ Đống Dấm, nơi lưu giữ những vết tích về thời kỳ vàng son của làng. Đây là một trong những nơi còn ghi lại truyền thống hiếu học của dòng họ Hoàng ở làng Đa Sĩ cách đây hàng trăm năm.
Ông Xương cho biết, Làng Đa Sĩ xưa kia thuộc tổng Thanh Oai Thượng, phủ Ứng Thiên, trấn Nam Sơn Thượng. Ngôi làng này có thế “phượng chùy” nghĩa là mỏ chim phượng. Ông tổ làng tên Hoàng Phúc Nguyên là người rất am hiểu về địa lý, biết thế đất nằm trong tứ linh liền quyết định chọn nơi này xây dương trạch, mở trường dạy học và đặt mộ phần tổ tiên ở trung tâm của làng có tên là Đống Dấm. Dựng xong dương trạch, vợ ông sinh được cậu con trai có khuôn mặt khôi ngô, ánh mắt sáng ngời vì thế đặt tên con là Hoàng Trình Thanh. Người con sáng dạ, học rất giỏi, sau này thi đỗ tiến sĩ và giữ những chức quan lớn trong triều. Từ đó, con cháu dòng họ Hoàng thành đạt rất nhiều”, ông Xương nói.
Ngoài ra, theo sử cũ của làng Đa Sĩ thì ông Hoàng Phúc Nguyên sau khi khai hoang, lập ấp, xây dương trạch đã đem mộ phần tổ tiên về đây chôn cất, sau đó mở lớp dạy học cho con cháu. Kể từ đây, dòng họ Hoàng phát tích về khoa danh. Kể từ đó, gia phả của các chi thuộc dòng họ Hoàng đều nói rằng, con cháu đỗ đạt, vẻ vang được như thế là do thế đất phượng hoàng trợ yểm. Nơi đây có dòng tứ thủy hội tụ, quanh năm khí trời mát mẻ, ôn hòa cho nên sinh ra nhân tài. Nhiều người coi đây là cái nôi sản sinh ra hiền tài quốc gia. Chính vì thế mà con cháu trong làng đời này qua đời khác luôn nỗ lực học tập phát huy truyền thống cha anh.
Đống Dấm – nơi chôn cất mộ phần dòng họ Hoàng. |
Dòng họ làm thay đổi tên làng
Theo người dân địa phương thì họ Hoàng là dòng họ khoa bảng lừng danh, con cháu muôn đời tôn khoa cử làm nghiệp, thi lễ truyền gia. Việc này hiện còn lưu giữ trong các sách như “Hoàng Việt Thi Lục”, “Lịch triều đăng khoa lục”... trong đó có nhắc đến lưỡng quốc trạng nguyên Hoàng Nghĩa Phú, 7 người cháu đỗ tiến sĩ và 17 người cháu khác đỗ các kỳ thi khoa bảng ra làm quan, phục vụ đất nước.
Khi nói về truyền thống học ở làng Đa Sĩ, nhiều bậc lão niên trong làng kể rằng: Truyền thống học tập, thi cử ở đây hiếm nơi nào sánh được. Thời kỳ khai hoang lập ấp, ông Hoàng Trình Thanh đã cho mở vườn học để dạy thêm cho con cháu trong làng đi thi khoa cử. Chính sách này của cụ đã tạo nên sức hút mạnh mẽ, lôi kéo con em trong làng theo nghiệp khoa cử. Điều đáng nói là những người đỗ đạt ở đây đều đi lên bằng việc học hành chính đáng chứ không dựa bóng “con ông, cháu cha” để tiến thân.
Từ thành công của vườn học, sau này, ông đã đưa vào một trong bảy điều nói thật với vua Lê Thánh Tông. Đó là phải coi trọng hiền tài thì nền chính học mới thịnh vượng. Phải thuận âm – dương, trong – ngoài thì cả nước mới hòa khí. Phải chăm sóc thế hệ đời sau. Phải tiết kiệm của cải, tiền bạc thì mới mở mang được kinh tế. Phải thận trọng tuyển chọn quan chức mới chăn dắt được chúng dân. Phải thường xuyên huấn luyện quân sự, thì nền võ bị mới mạnh. Những góp ý đó đã được chấp nhận và đưa vào luật Hồng Đức.
Ông Xương – Người có nhiều năm nghiên cứu về làng Đa Sĩ bên mộ tiến sĩ Hoàng Trình Thanh. |
Bên cạnh đó, làng Đa Sĩ còn sinh ra vị thầy thuốc quân y đầu tiên của Việt Nam - Danh y Hoàng Đôn Hòa (1498 – 1583). Hoàng Đôn Hòa là một trong những sĩ tử nghèo ở quê có thể thi đậu Giám sinh và tốt nghiệp trường Quốc Tử Giám. Ông học nhiều, biết rộng, am hiểu âm – dương, biết cách hóa giải tai ương và ngăn ngừa hoạn nạn. Vị danh y này đã chữa khỏi bệnh cho công chúa Phương Dung và cưới nàng làm vợ.
Với những bài thuốc của mình, Hoàng Đôn Hòa đã giúp triều Lê giữ vững quân số, chăm sóc sức khoẻ cho binh lính. Sau khi phục vụ thành công trong chiến sự đánh đuổi nhà Mạc, Hoàng Đôn Hòa đã được thăng chức “Thị nội Thái y viện Thủ phiên” (đứng đầu trông coi việc chữa bệnh trong cung của Viện Thái y) và được phong tước “Lương Dược hầu”.
Danh y này còn là ông tổ của biệt dược “cao đan hoàn tán”. Ông đã thừa kế có sáng tạo một số bài thuốc của cụ Tuệ Tĩnh trong cuốn “Nam dược thần hiệu” và phát hiện thêm nhiều cây thuốc có tác dụng chữa bệnh. Di sản ông để lại là thiên sách quý “Hoạt tuyết toát yếu” gồm 201 phương thuốc có giá trị, chữa các bệnh từ đơn giản, ngoại khoa đến bệnh phụ khoa, thương khoa, nhi khoa và các bệnh cho thú y. Những bài thuốc quý của ông đã được Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác ghi lại trong tập “Bách gia trân tàng” và lưu truyền cho hậu thế. Tất cả những bài thuốc của danh y Hoàng Đôn Hòa vẫn được hậu thế nghiên cứu và ứng dụng.
Hiện nay, người dân làng Đa Sĩ vẫn luôn đề cao tinh thần hiếu học. Trong các văn bản của làng luôn nhắc nhở con cháu phải lập lăng thờ, lập bia theo thứ tự khoa danh, đồng thời, con cháu phải kính tôn tiên hiền và có trách nhiệm giáo dục hậu thế. Chính vì thế, con cháu trong làng có rất nhiều người giỏi giang, thi cử đỗ đạt và đang đảm nhiệm nhiều trọng trách lớn.
Giáo sư Sử học Lê Văn Lan cho biết: Dòng họ Hoàng ở làng Đa Sĩ đã có công lớn trong việc lưu truyền các giá trị truyền thống hiếu học của làng. Truyền thống này được “tiếp lửa” ngay trong dòng họ làm hạt nhân để cả làng noi theo. Sự “tiếp lửa” đó được nói đến thông qua các câu đối có ý rằng: Một người đỗ đạt, vẻ vang thì vầng hào quang đó sẽ vang động đất trời, khiến người xung quanh và con cháu đời sau phải nhớ đến mà noi theo.
Trong số 11 vị tiến sĩ ở làng Đa Sĩ, hiện có 4 người được dân sáu ấp tôn làm thành hoàng làng và lập đền thờ nhắc nhở con cháu muôn đời thờ phụng, tưởng nhớ công lao gồm Hoàng Trình Thanh, Hoàng Khắc Minh, Hoàng Nghĩa Phú, Hoàng Tế Mỹ.