Ngày 13/12, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Quảng Trị đã tạm giữ hình sự hai nghi can Võ Viết Đạt (SN 1980, quê quán xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, thường trú tại xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong) và Đoàn Thanh Tuấn (SN 1971, trú Đâu Kênh, xã Triệu Long, Triệu Phong) liên quan đến vụ án mạng xảy ra ở huyện Triệu Phong.
Nạn nhân trong vụ án là bà Lê Thị Hà (49 tuổi, trú huyện Triệu Phong). Thi thể bà Hà được người dân phát hiện trôi gần bờ sông Thạch Hãn, đoạn qua xã Triệu Long và tối ngày 11/12.
Do mâu thuẫn cá nhân, Võ Viết Đạt nhờ Đoàn Thanh Tuấn gọi điện hẹn bà Hà đến một địa điểm do Đạt định sẵn, rồi dùng hung khí tấn công khiến bà Hà tử vong. Sau đó, Đạt và Tuấn đã dùng ô tô chở xác bà Hà phi tang tại sông Thạch Hãn, thuộc xã Triệu Long.
Địa điểm nơi nghi can gây ra vụ án mạng. (Ảnh: CAND) |
Hủy bỏ tư cách tu sĩ Phật Giáo với Đại đức Thích Trí Hộ
Võ Viết Đạt - kẻ chủ mưu trong vụ án trên là thầy tu phụ trách Chùa Dương Lệ Đông, khu vực 3, Triệu Thuận từ khoảng 10 năm nay, với pháp danh Thích Trí Hộ.
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam cho biết, quan điểm của Giáo hội, với bất cứ cá nhân nào, nếu vi phạm giới luật và có chứng cứ phạm tội được xác định sẽ tùy theo cấp độ để xử lý theo các pháp yết-ma, cao nhất là tẩn xuất, loại khỏi Tăng đoàn. Trường hợp vi phạm pháp luật, Giáo hội sẽ tôn trọng quyết định của các cơ quan chức năng.
Ngày 13/12, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Trị đã có thông báo do Hòa thượng Thích Thiện Tấn, Trưởng ban Trị sự tỉnh ấn ký với nội dung hủy bỏ tư cách Tu sĩ Phật giáo với Đại đức Thích Trí Hộ (Võ Viết Đạt) do phạm giới pháp và phạm pháp.
Theo đó, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Trị thông báo, căn cứ vào giới điều thứ 3, thiên Ba La Di của Luật Tỷ Kheo, ngay sau khi có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, giới thể Tỷ kheo của Đại đức Thích Trí Hộ tức Võ Viết Đạt đã hoàn toàn bị hủy phạm. Do đó, ông Võ Viết Đạt không còn có tư cách của vi Tỳ Kheo, không được phép sống chung trong Tăng đoàn Phật giáo nên hiện nay, ông Đạt không phải người xuất gia tu sĩ Phật giáo. Từ ngày ra thông báo này, ông Đạt không thuộc quyền quản lý của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Trị. Mọi hành vi vi phạm pháp luật của ông Đạt đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo pháp luật.
Cũng theo thông báo, đại đức Thích Trí Hộ (thế danh Võ Viết Đạt) được Ban Trị sự tỉnh Quảng Trị và chính quyền đồng thuận cho về hoạt động tôn giáo tại Niệm Phật đường Dương Lệ Đông (xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) từ năm 2014. Vị này cũng từng bị cảnh cáo và kỷ luật trước tập thể Tăng.
Trước đó, Ban Trị sự GHPGVN huyện Triệu Phong có thư trình đề nghị xử lý nghiêm đối với Đại đức Thích Trí Hộ do đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Theo Thượng tọa Thích Đạo Không, Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Trị cho biết, trước khi được xác định là nghi phạm của vụ án mạng trên, Đại đức Thích Trí Hộ cũng không phải là trụ trì hay quyền trụ trì Niệm Phật đường Dương Lệ Đông.
Đối mặt tội giết người
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, với kết quả giám định pháp y cho thấy nữ nạn nhân đã bị sát hại trước khi bị đẩy xuống sông, trên người có những thương tích nghiêm trọng, cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự về tội giết người để tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật.
Nói về việc cơ quan điều tra đã giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với 2 nghi phạm, trong đó có một nghi phạm là người tu hành, luật sư Cường cho rằng, đây là điều hết sức hi hữu bởi những người tu hành ít khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là hành vi sát hại người khác.
Để làm rõ vụ án trên, theo luật sư Cường, cơ quan điều tra sẽ làm rõ mối quan hệ giữa hai nghi phạm này đối với nạn nhân, sẽ thu thập các thông tin cho thấy mối liên hệ, mâu thuẫn giữa các nghi phạm đối với nạn nhân.
Trong quá trình chứng minh tội phạm về tội giết người trong tình huống này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ thời điểm nạn nhân tử vong, hiện trường vụ án, đồng thời xác định đối tượng gây án có mặt trên hiện trường tại thời điểm vụ án xảy ra. Cơ quan điều tra cũng sẽ chứng minh hung khí gây án là loại hung khí gì, việc sử dụng hung khí gây án như thế nào khiến nạn nhân thiệt mạng.
Đồng thời, sẽ làm rõ nguyên nhân mâu thuẫn, động cơ mục đích của việc đối tượng đã sát hại nạn nhân. Việc sát hại nạn nhân có đồng phạm hay không, diễn biến cụ thể của hành vi sát hại nạn nhân do các nghi phạm thực hiện như thế nào... Cơ quan điều tra sẽ tiến hành lấy lời khai của các nghi phạm, lấy lời khai của người làm chứng, thu thập các dấu vết để lại trên hiện trường, tìm kiếm hung khí gây án để xác định sự thật, làm căn cứ giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.
Trường hợp có căn cứ cho thấy lời khai nhận tội của các nghi phạm phù hợp với lời khai của người làm chứng, phù hợp với kết luận giám định và các dấu vết để lại trên hiện trường, cơ quan điều tra sẽ khởi tố bị can đối với các bị can này về tội giết người theo điều 123 bộ luật hình sự năm 2015 với khung hình phạt có thể phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
“Cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân, động cơ gây án của các đối tượng, làm rõ diễn biến hành vi và trách nhiệm của từng đối tượng để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật. Rất có thể nguyên nhân vụ việc là do mâu thuẫn từ việc vay nợ, đòi nợ dẫn đến hai bên xô xát hoặc các đối tượng thực hiện hành vi giết người để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ”, luật sư Cường nhận định.
>>> Mời độc giả xem thêm video Phá nhanh vụ án giết người trong đêm ở An Giang:
Nguồn: THĐT