Chiều 30/1, thầy giáo Daniel Hauer cùng vợ đến Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TTTT) để giải trình về việc đăng tải thông tin vi phạm pháp luật trên mạng xã hội Facebook.
Tại buổi làm việc, ông Daniel Hauer thành khẩn xin lỗi vì đã có những câu vui đùa, thiếu hiểu biết, vô tình đụng chạm đến danh nhân của Việt Nam.
Ông Daniel bày tỏ mong muốn thông qua các cơ quan truyền thông gửi lời xin lỗi tới người dân Việt Nam và gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp; đồng thời mong muốn được đến nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp để gửi lời xin lỗi đến gia đình Đại tướng một cách trực tiếp.
Ông Daniel gửi lời xin lỗi đến người dân Việt Nam và gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp. |
Bên cạnh đó, ông mong người dân, cộng đồng mạng Việt Nam cho ông cơ hội tiếp tục được dạy học trên mạng, chia sẻ những kiến thức mà mình biết. Ông Daniel cũng coi đây là bài học cho mình.
Trước lời xin lỗi và hứa sẽ khắc phục bằng cách xóa các bình luận phản cảm trên mạng xã hội của ông Daniel Hauer, bạn đọc có những phản ứng khác nhau.
“Dù sao thì Dan cũng biết lỗi rồi. Daniel là người nước ngoài, có thể anh ta cũng chưa biết hết về Đại tướng. Dân tộc ta có câu “Đánh kẻ chạy đi không đánh người chạy lại”, do đó chúng ta cũng nên cho anh ta cơ hội để chuộc lỗi” – bạn đọc Nguyễn Đình Thanh bình luận.
Đồng quan điểm, một bạn đọc có tên Nguyễn Hồng Khanh chia sẻ: Theo tôi, văn hoá nước ngoài rất khác Việt Nam, vậy nên cũng cần phải cảm thông. Tôi nghĩ người Việt Nam đều có tấm lòng bao dung, chúng ta nên tha thứ cho Daniel”.
“Anh ta cũng xin lỗi rồi thì bỏ qua đi. Người Việt ta vốn bao dung và tình cảm, đây là lúc thể hiện điều ấy” – một bạn đọc khác bày tỏ.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng ông Daniel vẫn không nên làm thầy giáo nữa, cần phải có biện pháp xử lý để làm gương cho người khác.
“Khi nói phải nghĩ, khi không nghĩ được phải chấp nhận hậu quả với những câu nói của mình. Không thể xin lỗi là xong. Luật pháp và con người Việt Nam luôn bao dung và tình người. Nhưng với những hành vi và suy nghĩ như thế này không thể chấp nhận được” - là ý kiến của bạn đọc Nguyễn Trường Sơn.
Về phía cơ quan quản lý, ông Lê Quang Tự Do - Cục phó Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TTTT thông tin – cho rằng, đây là một bài học đối với tất cả người dân và cả những người nước ngoài sống ở Việt Nam, cần thiết phải tìm hiểu văn hoá, phong tục tập quán ở mỗi nơi mình sinh sống, để tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc.