Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã có giấy mời số 04/GM-PTTH&TTĐT để mời ông Daniel Hauer lên làm việc liên quan đến hoạt động đăng tải thông tin vi phạm pháp luật trên mạng xã hội Facebook.
Đoạn bình luận khiếm nhã của Dan khiến dư luận rất bức xúc. Ảnh: VTC |
Theo giấy mời, buổi làm việc với ông Hauer sẽ diễn ra lúc 9 giờ 30 phút ngày 30/1 tại trụ sở của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử địa chỉ thường trú tầng 9, số 115, đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội. Trong trường hợp ông Daniel Hauer không tới làm việc theo giấy mời, cơ quan quản lý nhà nước sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Liên quan vụ việc trên, trao đổi với Kiến Thức, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, Điều 27 Hiếp pháp 2013 quy định “Công dân có quyền tự do ngôn luận,… Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Dù là công dân nước ngoài sinh sống, làm việc trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam đều phải thủ pháp luật Việt Nam, phong tục tập quán, lối sống của cộng đồng xã hội.
“Tự do ngôn luận của mỗi quốc gia trên Thế giới có thể khác nhau nhưng đều phải trên quy định của pháp luật mỗi nước. Ở nước Việt Nam, Nhà nước tôn trọng quyền tự do ngôn luận, biểu đạt các quan điểm các quan điểm cá nhân về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội. Việc bày tỏ các quan điểm cá nhân phải trong khuôn khổ pháp luật, không được làm ảnh hưởng đến lợi ích của cá nhân, tổ chức và xã hội”, Luật sư Thơm nêu ý kiến.
Luật sư Thơm cho rằng, hành vi xúc phạm đội tuyển U23 Việt Nam và đại tướng Võ Nguyên Giáp đã xúc phạm đến những biểu tượng tiêu biểu trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Việt Nam.
“Ông Daniel Hauer là thầy giáo dạy tiếng Anh đáng lẽ ra đối tượng phải truyền tải những văn hóa tốt đẹp của nước ngoài đến cho các người học để góp phần mang lại quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và các nước bạn trên thế giới.
Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) đã gửi giấy mời ông Daniel Hauer đến làm việc. |
Nhưng thật đáng tiếc, đối tượng đã đi ngược lại những ý nghĩa tốt đẹp đó khi mang đang khoác lên người chiếc áo người thầy dạy tiếng Anh mà lại có những lời lẽ xúc phạm đến những hình ảnh tiêu biểu của quốc gia chính nơi đối tượng đã và đang sinh sống, làm việc. Hành vi đó không những đi ngược lại những giá trị cao quý của người thầy giáo mà còn vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam”, Luật sư Thơm đánh giá.
Luật sư Thơm cho rằng, xét hành vi vi phạm của đối tượng thấy đã xúc phạm đến dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc Việt Nam. Tùy theo tính chất mức độ, động cơ vi phạm, sự nhận thức về pháp luật Việt Nam thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 288 Bộ Luật hình sự 2015 hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP.
Điều 64. Vi phạm quy định về trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp
4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
c) Xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Khoản 5, điều 65 Nghị định 174/2013/NĐ-CP:
Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Tuyên truyền kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
c) Xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.