Thông tin về vụ việc thầy giáo cưới học trò nhỏ hơn 30 tuổi, đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Long cho biết, đã chỉ đạo trường THCS-THPT Hiếu Nhơn (huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long) thực hiện xử lý đối với thầy N.V.T. (53 tuổi, giáo viên dạy Ngữ văn và Giáo dục công dân của trường. Việc xử lý kỷ luật do thầy giáo T. nghỉ quá 7 ngày không có lý do. Mức kỷ luật theo Nghị định đến buộc thôi việc.
Thầy giáo N.V.T. đang khiến dư luận xôn xao khi mạng xã hội xuất hiện nhiều bài viết và hình ảnh thầy giáo này đính hôn với một cô gái mới 21 tuổi (học trò cũ của thầy T.). Đáng chú ý, một hình ảnh Lễ đính hôn đăng lên mạng ghi ngày 1/12/2019, trong khi ông T. mới ly hôn vợ từ ngày 17/4/2020.
Thầy giáo cưới học trò nhỏ hơn 30 tuổi. |
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, dù tình yêu là không có tuổi, pháp luật ghi nhận hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, nam nữ tự do tìm hiểu, kết hôn theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, tìm hiểu, yêu đương là quyền tự do cá nhân nhưng để tiến xa hơn đến mức kết hôn, chung sống trong một gia đình hạnh phúc, một gia đình đúng nghĩa, cần phải có sự hòa hợp trên nhiều phương diện, trong đó vấn đề tuổi tác, sức khỏe, mức độ nhận thức, tâm lý, lối sống, văn hóa là rất cần thiết...
Trong trường hợp chênh lệch nhau về tuổi tác, những yếu tố khác kéo theo như tâm sinh lý, sức khỏe, văn hóa, sở thích, tính cách, quan điểm sống... sẽ có nhiều khác biệt, rất khó để hòa hợp. Bởi vậy, người xưa thường ví những cặp đôi chênh lệnh nhau cả một thế hệ như vậy không khác gì “đôi đũa lệch”, khó mà dung hòa, hạnh phúc.
Đáng chú ý, trong một số bức ảnh được đăng tải lên mạng xã hội liên quan cặp đôi thầy – trò này có bức ảnh thể hiện sự kệch cỡm, khiếm nhã, bất chấp, ví dụ bức ảnh bàn tay người đàn ông lớn tuổi này che lên ngực trần của cô gái được lan truyền trên mạng xã hội. Trước những bức ảnh đó, mỗi người lại có một quan điểm, thái độ, đánh giá khác nhau, có những người ủng hộ, dù người chê bai. Có nhiều ý kiến cho rằng những bức ảnh chênh lệch tuổi như vậy là không phù hợp, bức ảnh khác có phần châm biếm...
Đặc biệt khi biết quan hệ hai người này trước đây là tình thầy trò, biết thầy đã có vợ con nhưng hai người vẫn đến với nhau, lại còn công khai chuyện tình cảm trên mạng xã hội khiến nhiều người có những ý kiến trái chiều, phê phán.
Về góc độ pháp lý, luật sư Cường cho rằng, pháp luật Việt Nam ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ quan hệ hôn nhân một vợ một chồng. Người nào có vợ, có chồng mà không chung thủy, chung sống như vợ chồng với người khác, không những dư luận xã hội lên án, vi phạm đạo đức xã hội mà còn là hành vi vi phạm pháp luật.
Hành vi ngoại tình ở mức độ công khai, chung sống như vợ chồng sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo đó, pháp luật quy định quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm kết hôn cho đến thời điểm 1 trong 2 bên chết hoặc cho đến khi có quyết định, bản án ly hôn có hiệu lực pháp luật của tòa án. Trong thời điểm hôn nhân có hiệu lực mà một người chung sống như vợ chồng với người khác, ăn ở, sinh sống một cách công khai, ngang nhiên, tổ chức lễ cưới, công khai việc sinh hoạt trước cộng đồng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng thì hành vi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm hôn nhân một vợ một chồng.
Nếu hậu quả chưa được xác định là nghiêm trọng, chưa nguy hiểm cho xã hội thì hành vi chung sống như vợ chồng cũng sẽ bị xử phạt hành chính.
Bởi vậy, trong vụ việc này nếu việc ly hôn của người đàn ông này chưa hoàn thành, tòa án chưa có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật để cho phép ly hôn nhưng người đàn ông này đã chung sống như vợ chồng với cô gái trẻ tuổi gây bức xúc trong dư luận hoặc dẫn đến việc ly hôn... thì hành vi này là vi phạm pháp luật. Trong trường hợp này, vợ con của người đàn ông này có quyền yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh làm rõ và xử lý hành vi vi phạm hôn nhân một vợ một chồng của người đàn ông này theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, hành vi ngoại tình, ruồng bỏ vợ con để đến với người tình trẻ vốn mà học trò của mình là hành vi vi phạm đạo đức, lối sống của nhà giáo phải không phù hợp với truyền thống văn hóa của người Việt. Hành vi này sẽ bị xem xét kiểm điểm, kỷ luật theo quy định của đảng, của luật cán bộ, công chức và luật viên chức hiện hành.
Đặc biệt, theo thông tin từ cơ sở giáo dục, người đàn ông này từ khi chung sống với cô gái trẻ thì có dấu hiệu bỏ bê công việc, không thực hiện nhiệm vụ, tự ý nghỉ việc nhiều ngày. Hành vi này không những ảnh hưởng đến hoạt động chung của nhà trường mà còn ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục nói chung, của các cán bộ giáo viên trường này nói riêng và là một hành vi vi phạm kỷ luật lao động.
Theo khoản 3, Điều 126 Bộ luật lao động năm 2012 quy định: “Người lao động tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong 1 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 1 năm mà không có lý do chính đáng” thì người sử dụng lao động có quyền áp dụng hình thức kỷ luật sa thải đối với người lao động vi phạm kỷ luật.
Theo quy định tại Điều 13, Nghị định số 27/2012/NĐ-CP của Chính phủ về kỷ luật viên chức quy định hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với viên chức nêu rõ: “Tự ý nghỉ việc, tổng số từ 07 ngày làm việc trở lên trong một tháng hoặc từ 20 ngày làm việc trở lên trong một năm mà không có lý do chính đáng được tính trong tháng dương lịch; năm dương lịch”.
Như vậy, theo quy định của Điều 126 Bộ luật lao động và Điều 13 của Nghị định số 27/2012/NĐ-CP về kỷ luật công chức, hành vi tự ý nghỉ việc không có lý do 7 ngày trên một tháng hoặc 20 ngày trên một năm là người lao động sẽ bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc.
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Để áp dụng hình thức kỷ luật này, nhà trường sẽ phải thực hiện các trình tự thủ tục kỷ luật theo quy định của pháp luật trong đó sẽ lập biên bản vi phạm phải sẽ thành lập hội đồng kỷ luật, yêu cầu thầy giáo này viết tường trình, kiểm điểm, tiến hành xác minh và họp xét hình thức kỷ luật.
Trong trường hợp có đủ căn cứ để áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc thì nhà trường sẽ ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc và báo cáo với các cơ quan chức năng để thực hiện các thủ tục bàn giao công việc cũng như giải quyết quyền lợi chế độ của thầy giáo này theo quy định pháp luật.
Đối với cô gái trẻ, đây là tình cảm không đáng có và là hành động dại dột, nhất thời của tuổi trẻ. Nếu tình cảm vụng trộm của cô gái này là nguyên nhân phá vỡ hạnh phúc gia đình người thầy giáo già thì đây là điều rất đáng trách. Sự chênh lệch tuổi tác quá lớn dẫn đến không hòa hợp trong cuộc sống là điều có thể xảy ra nhưng cô gái này đã không lường trước được dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Những hình ảnh, trạng thái, cảm xúc thái quá được công khai trên mạng xã hội khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí có thể có những ý kiến chỉ chích, gây tổn thương đến cô gái này. Cô gái này còn trẻ, tương lai còn dài, sự nghiệp mới đang ở bước đầu mà đã sa vào chuyện yêu đương với chính thầy giáo của mình dẫn đến việc thầy giáo ly hôn, mối quan hệ bị nhiều người phản đối và nếu sự việc cô gái này tự tử đúng như dư luận đang đồn đoán thì đó là một kết thúc rất buồn cho một tình yêu nông nổi.
Đây là một sự việc đáng tiếc xảy ra trong lĩnh vực giáo dục. Hành vi thiếu chuẩn mực, lối sống buông thả, sa ngã của một người đàn ông có thể phá hoại hạnh phúc của cả một gia đình, nếu người đàn ông đó là người thầy, nhà giáo, là người thường xuyên đứng trên bục giảng để giao giảng đạo đức mà lại có lối sống, hành động vi phạm đạo đức xã hội thì không thể chấp nhận được. Nếu hành vi vi phạm chưa đến mức kỷ luật sa thải, buộc thôi việc thì cơ quan chức năng cũng cần có hình thức kỷ luật đích đáng với người đàn ông này.
Nếu hậu quả của hành vi là vi phạm hôn nhân một vợ một chồng hoặc mâu thuẫn giữa người đàn ông này với cô gái trẻ khiến cô gái tự tử thì cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân, hành vi, hậu quả để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật, khi đó người đàn ông này có thể sẽ bị xử phạt hành chính hoặc chế tài nghiêm khắc hơn thế.
>>> Mời độc giả xem thêm video xâm hại học sinh, thầy giáo lãnh án chung thân
Nguồn: VTC 9.