Trong năm 2019, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã phát hiện và xử phạt 9 vụ thao túng cổ phiếu với tổng số tiền phạt là 4,5 tỷ đồng, trong đó có trường hợp phải truy tố Hình sự của bà Phạm Thị Hinh.
Trong số 9 trường hợp thao túng giá từ đầu năm đến nay, trường hợp của bà Hoàng Thị Hoài và ông Chu Trường Giang chịu số tiền phạt nặng nhất (600 triệu đồng cho mỗi vi phạm).
Bà Hoàng Thị Hoài - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) CTCP PIV (UPCoM: PIV) đã sử dụng 42 tài khoản để liên tục mua bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu PIV. Được biết, bà Hoàng Thị Hoài bị miễn nhiệm chức danh HĐQT của PIV vào ngày 29/6/2018.
Trước khi cổ phiếu PIV chịu án hủy niêm yết do kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với Báo cáo tài chính năm 2017, bà Hoài với chức danh Chủ tịch HĐQT khi đó đã liên tục gom vào cổ phiếu PIV với khối lượng đăng ký từ 1 - 2 triệu cp bằng cả 2 phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Tuy nhiên, nguyên Chủ tịch PIV chỉ gom được vài trăm cổ phiếu ở mỗi lần giao dịch.
Biến động giá cổ phiếu của PIV trong thời gian bị thao túng giá. Nguồn: VietstockFinance |
Với trường hợp của ông Chu Trường Giang - nguyên nhân viên môi giới tại một Công ty chứng khoán đã sử dụng 43 tài khoản để liên tục mua, bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu của CTCP Viễn thông Vạn Xuân (HNX: VAT).
Ngoài việc bị phạt 600 triệu đồng, ông Giang còn bị UBCKNN thu hồi chứng chỉ hành nghề Môi giới chứng khoán.
Biến động giá cổ phiếu của VAT trong thời gian bị thao túng giá. Nguồn: VietstockFinance |
Song song đó, có 6 trường hợp khác bị phạt tiền 550 triệu đồng cho mỗi vi phạm, cụ thể đối với ông Đinh Xuân Cường, ông Lê Văn Lâm, ông Nguyễn Thanh Lâm, bà Nguyễn Thị Nhung, ông Nguyễn Quang Khải và ông Nguyễn Kim Dĩnh.
Riêng trường hợp của nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP Công nghiệp Khoáng sản Bình Thuận (KSA) - bà Phạm Thị Hinh, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an Thành phố Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ngày 21/03/2019 đã áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ hình sự đối với bà Hinh về tội thao túng thị trường chứng khoán theo quy định tại Điều 211 Bộ Luật hình sự.
Theo cáo trạng, cuối năm 2015, bà Hinh thực hiện việc tăng vốn điều lệ của KSA bằng cách phát hành thêm 56,5 triệu cổ phiếu KSA chào bán ra công chúng.
Sau khi phát hành, giá cổ phiếu KSA giảm mạnh, tính thanh khoản thấp. Lúc này, bà Hinh nảy sinh ý định lập ra một số tài khoản để thực hiện giao dịch chéo, nhằm tăng giá cổ phiếu, tăng tính thanh khoản.
Để thực hiện hành vi, bà Hinh chỉ đạo nhân viên công ty VSM là Trần Hồng Ngọc lập ra 69 tài khoản và thỏa thuận với Tuấn và Hùng (đều nguyên là nhân viên công ty chứng khoán Maritime – MSI) sử dụng 69 tài khoản trên liên tục thực hiện việc mua, bán chứng khoán KSA.
Trong khoảng thời gian từ ngày 11/12/2015 đến 8/7/2016, hành vi của bà Hinh và đồng phạm đã gây thiệt hại cho 1.496 nhà đầu tư tham gia giao dịch cổ phiếu KSA, với tổng số tiền thiệt hại là hơn 8,1 tỷ đồng.
Ngoài ra, 3 công ty chứng khoán gồm: Công ty TNHH chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, công ty CP chứng khoán Phú Hưng, công ty CP chứng khoán Dầu khí cho vay đối với các tài khoản do Hinh, Ngọc, Tuấn sử dụng giao dịch chéo cũng bị thiệt hại hơn 761 triệu đồng.
Ngoài những vụ thao túng giá bị xử phạt hay bị khởi tố đã kể trên, vụ án liên quan đến thao túng giá chứng khoán liên quan đến CTCP Mỏ và xuất khập khẩu khoáng sản miền Trung (MTM) đã được xét xử sơ thẩm với 15 bị cáo đã bị kết án về 4 tội danh, với các mức án tù chung thân đến tù treo, trong đó Chủ tịch Trần Hữu Tiệp lãnh án chung thân.
UBCKNN xử phạt khá nhiều vụ thao túng giá trong năm 2019. |
Cần mạnh tay xử phạt hành vi thao túng giá
Tuy cơ quan quản lý đã áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính cao, nhưng vẫn có không ít nhà đầu tư mắc sai phạm khi sử dụng nhiều tài khoản để thao túng một vài mã chứng khoán.
Thực tế này đặt ra yêu cầu mức xử phạt vi phạm chứng khoán cần mạnh mẽ hơn nữa, bên cạnh việc cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức đầu tư, pháp luật ra thị trường để giúp thị trường lành mạnh hơn, nhà đầu tư chân chính được bảo vệ tốt hơn.
Để tăng tính răn đe với các hành vi vi phạm, trong quá trình sửa Luật Chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã kiến nghị tăng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực chứng khoán, bổ sung vào luật này các hình thức xử phạt mới có tính răn đe cao, với mong muốn giữ gìn kỷ cương thị trường.
Trước tình trạng các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán ngày càng tinh vi, phức tạp, thậm chí có dấu hiệu nội gián, Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã thông qua chế tài mới và có hiệu lực đầu năm 2020.
Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã nâng mức phạt tiền hành chính tối đa, theo đó mức phạt tiền tối đa đối với hành vi thao túng thị trường, giao dịch nội bộ là 10 lần khoản thu trái pháp luật đối với tổ chức và 5 lần khoản thu trái pháp luật đối với cá nhân; đối với các hành vi vi phạm khác, mức phạt tiền tối đa là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.