Cuối tháng 9/2018, trong dịp khai trương giai đoạn 1 Công viên sinh thái tre luồng Thanh Tam do Công ty CP mía đường Lam Sơn tổ chức, nhiều người trầm trồ khi thấy tại đây xuất hiện một công trình kiến trúc mỹ thuật tâm linh bề thế. Đó chính là Tượng đài Anh hùng dân tộc Lê Lợi được làm bằng đá đang được hoàn thiện. Tượng đài được xây trên đồi Yên Ngựa, Thôn 1, xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân.
Mặc dù bị đề nghị tạm dừng thi công từ tháng 10/2018 nhưng đến cuối tháng 12/2018, Chủ đầu tư vẫn không chấp hành. |
Trước đó, khi đi kiểm tra quá trình chuẩn bị tổ chức Lễ hội Lam Kinh (trên địa bàn huyện Thọ Xuân), ông Phạm Duy Phương, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã bất ngờ phát hiện ra công trình tượng đài Anh hùng dân tộc Lê Lợi đang được xây dựng mà Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch không hay biết. Ngay sau đó, ông Phương đã cho cán bộ chuyên môn kiểm tra thủ tục xin cấp phép xây dựng tượng đài đối với chủ đầu tư là Công ty CP mía đường Lam Sơn.
“Xây dựng tượng đài phải tuân thủ Nghị định 113/2013 của Chính phủ quy định về hoạt động mỹ thuật. Trong đó, việc xây dựng tượng đài phải tuân thủ các quy định về mỹ thuật, kiến trúc, văn hóa. Theo đó, để hoàn thành được thủ tục cấp phép xây dựng tượng đài, cần phải thành lập hội đồng nghệ thuật, lấy ý kiến của các nhà chuyên môn. Việc Công ty CP mía đường Lam Sơn xây dựng tượng đài Anh hùng Dân tộc Lê Lợi khi chưa tiến hành các thủ tục là vi phạm quy định của pháp luật.” – Ông Phạm Duy Phương, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cho biết.
Không chỉ coi thường thủ tục trong lĩnh vực mỹ thuật, văn hóa theo Nghị định 113, Công ty CP mía đường Lam Sơn còn phớt lờ các thủ tục về đầu tư xây dựng, đất đai… Nguồn tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa cho biết: Ngoài quyết định chấp thuận chủ trương, địa điểm đầu tư và quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 Công viên sinh thái tre luồng Thanh Tam, Chủ đầu tư chưa hoàn thành thủ tục về đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường, sử dụng đất theo quy định. Việc Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn tiến hành xây dựng Tượng đài vua Lê Thái Tổ, khi chưa được UBND tỉnh giao đất là vi phạm pháp luật đất đai, cụ thể: Là hành vi chiếm đất, quy định tại Điều 10, Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch báo cáo UBND tỉnh, giao UBND huyện Thọ Xuân xác định vi phạm và tiến hành xử lý vi phạm đối với Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn theo quy định của pháp luật.
Ngày 17/10/2018, UBND huyện Thọ Xuân đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư ngừng thi công. Tuy nhiên, Công ty CP mía đường Lam Sơn vẫn không chấp hành. Cuối tháng 12/2018, theo quan sát của phóng viên, các tổ thợ vẫn tiến hành thi công hoàn thiện tượng như chưa có chuyện gì xảy ra.
Thông tin từ Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cho biết thêm: Công ty CP mía đường Lam Sơn thậm chí còn xây tượng đài Anh hùng dân tộc Lê Lợi cao hơn 4m so với Tượng đài Anh hùng dân tộc tại trung tâm thành phố Thanh Hóa. Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch cho rằng như thế là bất hợp lý và đề nghị chủ đầu tư xây không cao hơn công trình tại TP Thanh Hóa.
Ông Lê Văn Tam, AHLĐ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP mía đường Lam Sơn gõ chuông dưới chân tượng đài Anh hùng dân tộc Lê Lợi (Ảnh: holevietnam.vn) |
Khai trương Công viên sinh thái tre luồng Thanh Tam (Ảnh: holevietnam.vn) |
Dù đã tổ chức khánh thành giai đoạn 1 rất rầm rộ vào ngày 29/9/2018 nhưng đến thời điểm cuối tháng 1/2019, “đại dự án” này vẫn chưa được giao đất, vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai. Hiện tại, Công viên sinh thái tre luồng Thanh Tam đang được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội. Theo đó, trong thời gian từ 08 – 10/02 năm 2019 (mùng 4-6 tháng Giêng năm Kỷ Hợi) tại đây sẽ diễn ra Lễ hội mùa xuân Lam Sơn – Hành trình về đất thiêng với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc như: chợ tết xưa, trò chơi dân gian, thư pháp truyền thống, diễn xướng hầu đồng…
Lễ hội mùa xuân Lam Sơn vào dịp Tết Kỷ Hợi đang được quảng bá rầm rộ. |
Điều đáng ngạc nhiên là một dự án lớn, xây dựng, hoạt động trái phép, tọa lạc ngay bên cạnh Quốc lộ 47 , tổ chức khai trương, quảng bá rầm rộ nhưng chính quyền vẫn “làm ngơ”. Một công trình văn hóa – tâm linh nhưng chủ đầu tư đã ngang nhiên coi thường pháp luật.
Tại sao Công ty CP mía đường Lam Sơn lại được “ưu ái” đến như vậy? Chính quyền tỉnh Thanh Hóa sẽ làm gì khi doanh nghiệp này tổ chức Lễ hội mùa xuân với nhiều hoạt động văn hóa tại một dự án chiếm đất, xây dựng chui, không tuân thủ các quy định trong lĩnh vực văn hóa?