Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tết nửa năm, Tết diệt sâu bọ diễn ra vào ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch hàng năm.
Theo quan niệm cổ truyền, vào dịp này, người dân thường làm mâm cúng Tết Đoan Ngọ dâng lên tổ tiên để thể hiện lòng thành, cầu mong một vụ mùa bội thu, có nhiều sức khỏe và gặp may mắn.
Mâm cúng Tết Đoan Ngọ thường gồm: Vải, mận, rượu nếp, cơm rượu nếp, bánh gio (bánh ú tro, bánh tro)...Ngoài ra, theo phong tục của từng vùng miền, ở một số nơi, mâm cúng còn có thêm các lễ vật khác, đặc trưng, trong đó có món thịt vịt.
Ảnh minh họa. |
Vì sao lại ăn thịt vịt vào Tết Đoan Ngọ?
Về lý do món thịt vịt lại trở thành món ăn truyền thống trong ngày 5/5 Âm lịch tại nhiều nơi ở miền Trung, Báo Tin Tức cho biết, theo các chuyên gia, vịt tên trong sách thuốc cổ là “Gia Áp,” có nơi gọi là Gia Phù, cũng còn gọi là Vụ.
Theo dược lý Đông y, thịt vịt có tính chất mát, ngọt, có tác dụng làm chuyển động phong huyết và làm tăng thêm năng lực, bồi bổ cơ thể cho người lao lực, lao tâm nhiều. Thịt vịt chữa nóng sốt cao đến co giật (gọi là sài kinh), vịt giải độc mụn sưng và hạ nhiệt.
Vịt có sắc vàng trắng thì có tác dụng “bổ trung ích khí”, nghĩa là làm cho những người suy nhược được phục hồi nguyên khí. Người ta nói “ăn thịt vịt hiền và bổ khỏe”.
Thông thường người ta ăn thịt vịt theo cách luộc chấm nước mắm gừng hoặc nấu cháo vịt. Ngoài ra, còn có vịt tiềm với sen, táo, đinh và hồi, thường gọi là vịt tiềm thuốc Bắc...Vì thế, trong ngày Đoan Ngọ, khí trời nóng nực (tiết Đại Thử) nhiệt độ cao, nên người ta dùng thịt vịt có tính mát, bổ, để quân bình nhiệt – hàn giữa trời và người.
>>> Mời độc giả xem thêm video: Món ăn ngon từ... úp nồi
Nguồn video: THĐT