Mới đây, Sở GDCK TP HCM (HoSE) có quyết định đưa cổ phiếu TDH của CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức vào diện kiểm soát đặc biệt từ ngày 21/10. Nguyên nhân do tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện cảnh báo.
Do đó, cổ phiếu TDH sẽ bị hạn chế về thời gian giao dịch, tức chỉ được giao dịch vào phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh và thoả thuận kể từ ngày 21/10/2021.
Trước đó, ngày 29/9, HoSE vừa có văn bản nhắc nhở công bố thông tin quyết định của HĐQT đối với TDH.
Cụ thể, căn cứ Báo cáo tình hình quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2021 và căn cứ Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2021 của TDH có các quyết định HĐQT sau chưa công bố như biên bản họp HĐQT thông qua chủ trương chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty TNHH Song Hỷ Quốc tế, chủ trương bảo lãnh nghĩa vụ nợ 65 tỷ cho Công ty TNHH Sản xuất Bao bì Thiên Ý, chủ trương cho Thiên Ý mượn tiền.
Trong đó đáng chú ý nhất là việc thoái vốn khỏi Công ty TNHH Song Hỷ Quốc tế.
Theo Báo cáo kiểm toán năm 2020, TDH nắm 99% vốn chủ sở hữu Song Hỷ. Đơn vị này thành lập vào tháng 4/1999, là chủ đầu tư dự án Khu nhà ở tại số 19/2a Quốc lộ 13, phường Lái Thiêu, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương. Dự án này có tên thương mại là Aster Garden Towers, với tổng diện tích đất 18.854,7 m2, tổng vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng.
Trong năm 2020, Song Hỷ tăng vốn điều lệ từ 259 tỷ đồng lên 790 tỷ đồng; tỷ lệ sở hữu của TDH nâng lên mức 99.67% vốn. Đến 29/3/2021, TDH cho biết đã chuyển nhượng toàn bộ lượng vốn này với giá 962.6 tỷ đồng. Như vậy, ước tính thương vụ đem về khoản lãi 224,8 tỷ đồng cho TDH.
Nhiều mã cổ phiếu nằm trong danh sách 'đen' trên HoSE. |
TDH không phải là một trường hợp duy nhất mà trên thị trường có khá nhiều cổ phiếu của các công ty bị điểm mặt gọi tên cảnh báo. Có thể liệt kê đến cổ phiếu TS4 của CTCP Thủy sản số 4 bị HoSE đưa vào diện kiểm soát đặc biệt kể từ ngày 14/5.
Nguyên nhân, công ty tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện cảnh báo do vi phạm công bố thông tin. Theo đó, kể từ ngày 14/5, cổ phiếu TS4 sẽ bị hạn chế về thời gian giao dịch, chỉ được giao dịch vào phiên chiều của ngành giao dịch theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.
Trước đó, cổ phiếu TS4 đã bị đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 7/10/2020 do chậm nộp báo cáo tài chính bán niên được soát xét quá 15 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn công bố thông tin theo quy định.
Theo danh sách của Sở GDCK TPHCM, sàn HoSE hiện có 32 cổ phiếu thuộc diện cảnh báo và 16 cổ phiếu thuộc diện kiểm soát, đa phần do doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ.
Trong đó, các cổ phiếu SJF, UDC, FDG, HVN, VNS, DAH, SMA, SII, DTA, HOT, MHC, DXG, AAM, VIS… bị đưa vào diện cảnh báo do doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ trong năm 2020.
Ngoài ra, nhiều cổ phiếu đã bị đưa vào diện cảnh báo trong nhiều năm liền do chưa khắc phục được nguyên nhân dẫn tới việc bị vào diện cảnh báo, như HAS bị cảnh báo từ năm 2013; JVC bị cảnh báo từ năm 2017; MCG, HID bị cảnh báo từ năm 2018; VIS, PXS, LAF bị cảnh báo từ năm 2019…
Trong khi đó, 16 cổ phiếu nằm trong diện kiểm soát cũng đều do có lỗ lũy kế FTM, DLG, LCM, TTF, VOS, YEG, MCG, OGC, RIC... Trong đó, cổ phiếu HAG đã bị đưa vào diện cảnh báo từ năm 2018 do có ý kiến ngoại trừ của kiểm toán.
Mới đây, HoSE đã quyết định chuyển cổ phiếu HAG từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2020 là âm 1.255 tỷ đòng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại 31/12/2020 là âm 6.301 tỷ đồng.
Đồng thời công ty thực hiện điều chỉnh hồi tố số liệu năm 2018 và năm 2019 dẫn tới lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại 31/12/2019 là âm 4.766 tỷ đồng.
Tương tự, cổ phiếu PXS cũng nằm trong diện cảnh báo từ tháng 4/2019 do có kết quả kinh doanh năm 2018 là số âm và lỗ lũy kế 100 tỷ đồng tại ngày 31/12/2018. Sau đố, cổ phiếu này bị chuyển sang diện kiểm soát từ ngày 20/4/2020 do tiếp tục thua lỗ 268 tỷ đồng trong năm 2019.