Tàu phóng lôi còn thích hợp với Hải quân Việt Nam? (2)

* Bài viết có sử dụng trích dẫn từ tài liệu Lịch sử Hải quân Nhân dân Việt Nam và Lịch sử Lữ đoàn 172 Hải quân.

Sau chiến thắng trận đầu ngày 2/8/1964, trong hàng ngũ tham mưu hải quân đã có một quan điểm sai lầm cho rằng biên đội tàu phóng lôi có thể đánh chìm tàu khu trục Mĩ.
4h sáng ngày 1/7/1966, phát hiện 4 tàu khu trục của địch đang tiến vào hoạt động ở đông đảo Long Châu 40 hải lý. Theo lệnh của Quân chủng, Sở chỉ huy Trung đoàn lệnh cho Phân đội 3 (gồm 3 tàu 333, 336, 339 đánh trận Maddox) vào tư thế sẵn sàng đợi lệnh chiến đấu.
Đúng 12h ngày 1/7, Phân đội 3 được lệnh xuất kích đánh tàu địch ở phía đông Thượng Hạ Mai. Theo đội hình chiến đấu, Phân đội vận động ra Thượng Hạ Mai. Không phát hiện thấy tàu địch, Phân đội tiến về hướng Nam săn tìm mục tiêu, chạy được 30 phút thì nhiều máy bay địch xuất hiện lao tới công kích. Phân đội vừa đánh trả vừa tiếp tục cơ động đội hình theo hướng Nam.
Tàu phóng lôi Turya của Hải quân Nhân dân Việt Nam.
Tàu phóng lôi Turya của Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Khoảng 30 phút sau, ta phát hiện 4 tàu khu trục của địch. Lập tức toàn Phân đội chuyển sang đội hình tiến công, tăng tốc tiếp cận chiếc tàu gần nhất. Lúc này máy bay địch dồn dập đánh phá vào đội hình của Phân đội và các pháo lớn trên tàu địch cũng phát hỏa bắn mạnh vào các tàu của ta.
Phân đội 3 kiên quyết bám sát mục tiêu giữ vững đội hình truy kích, tàu 339 lao vào phóng khói mù song bị máy bay đánh hỏng máy chính, mất cơ động. Hai tàu 333, 336 tăng tốc, vận động tiếp cận tàu địch để phóng ngư lôi. Hàng chục máy bay địch quây lấy đánh cấp tập, các tàu của ta bị thương, sức cơ động đánh trả yếu dần.
Trong tình thế đánh tàu địch ở khá xa bờ, ta không giành được thế chủ động, không có lực lượng chi viện (pháo bờ biển không thể yểm hộ vì quá tầm đạn), đơn độc, bị hàng chục máy bay, tàu chiến bao vây công kích, các tàu với hoả lực hạn chế, lần lượt bị đánh chìm. 13 cán bộ, chiến sĩ anh dũng hy sinh cùng với con tàu, 19 người bị địch bắt, đưa vào Đà Nẵng (số cán bộ, chiến sĩ bị địch bắt sau này địch trao trả cho ta thông qua trao đối tù binh) .
Nhìn lại hai trận đánh này, chúng ta rút ra được những kinh nghiệm quí giá cho tác chiến của các tàu tấn công nhanh, gồm tàu phóng lôi trước đây và tàu tên lửa cao tốc ngày nay. Đó là bài học về hiệp đồng tác chiến biên đội tàu, bài học về yếu tố bất ngờ trong chiến đấu, về thủ đoạn tiến công đồng loạt để tàu địch không thể đáp trả có hiệu quả…
Tác chiến của tàu phóng lôi và tàu tên lửa cao tốc đặc trưng cho tác chiến phi đối xứng, đòi hỏi vận dụng tối đa lợi thế trên địa bàn phòng thủ để tấn công tàu địch. Chiến thuật tấn công nhanh rất nguy hiểm với tàu lớn của địch, nhưng đòi hỏi những giải pháp hợp lí và thích đáng, không duy ý chí.
Tàu phóng lôi khi xưa phải tác chiến gần bờ, trong tầm hỏa lực của pháo bờ biển, tàu tên lửa cao tốc ngày nay cũng phải tác chiến trong tầm bắn của các tên lửa phòng thủ bờ biển như K-300P Bastion, hay 4K44 Redut.
Rút kinh nghiệm từ tàu phóng lôi khi xưa, tàu tên lửa cao tốc Project 1241.8/1241RE ngày nay tác chiến theo biên đội tàu, có cả yểm trợ của nhiều phương tiện (tên lửa bờ biển, tiêm kích Su-30…) thực hành tiến công bất ngờ, phóng nhiều tên lửa liên tiếp khiến địch không kịp đối phó. Điều đó làm nên sức mạnh cho lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam, sẵn sàng chiến đấu đến cùng để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc…
Thực tế tàu phóng lôi đã không còn phù hợp với tác chiến hải quân ngày nay.
Thực tế tàu phóng lôi đã không còn phù hợp với tác chiến hải quân ngày nay.

Còn về tàu phóng lôi, “tiền bối” của tàu tên lửa cao tốc, nó đã làm xong nhiệm vụ lịch sử của mình.
Tàu phóng lôi là tàu tấn công nhanh, nhưng không thể tấn công nhanh nữa, khi phải ra xa bờ, không có địa hình, địa vật ẩn nấp, phải tiếp cận tàu địch có tên lửa bắn xa hàng trăm km, để phóng lôi ở cự li gần. Tàu phóng lôi chỉ còn có thể tác chiến gần bờ.
Ngư lôi vẫn được nghiên cứu phát triển, nhưng là để trang bị kèm cho các tàu nổi, tàu ngầm, không còn là vũ khí chủ lực diệt tàu. Khi ngư lôi không còn phát huy tác dụng, tàu phóng lôi chỉ còn là một tàu tuần tiễu, tàu pháo, và cũng không thể so sánh với các tàu pháo hiện đại như TT-400TP hay Project 10412 Svetlyak.
Điều đó dẫn đến việc các tàu phóng lôi Shershen của Việt Nam bị cho ngừng hoạt động, hay chuyển giao cho Cảnh sát Biển làm tàu tuần tra. Và có lẽ trong tương lai gần toàn bộ số tàu Turya sẽ loại trang bị hoặc hoán cải thành tàu tuần tra.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Đọc nhiều nhất

Tin mới