Hàng trăm dự án với tổng vốn hàng chục ngàn tỷ đồng
Tập đoàn FLC đang là chủ đầu tư của hàng chục dự án do Xây dựng FLC Faros (ROS) thi công với tổng mức đầu tư hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn tỷ đồng. Một số dự án quần thể trọng điểm có thể kể đến như FLC Sầm Sơn, FLC Quy Nhơn, FLC Vĩnh Phúc,…
“Hiện tại, Tập đoàn đang nghiên cứu đầu tư và xúc tiến pháp lý cho hơn 230 dự án tại 56 tỉnh thành cả nước, với tư duy phát triển dự án “5 không” (Không xin dự án, không mua lại, không làm lâu, không làm chung, không làm nhỏ) vẫn được kiên trì từ những ngày đầu xây dựng” – Trích Báo cáo thường niên năm 2018.
Nhiều dự án được Tập đoàn FLC đang dần hoàn thiện trong thời gian gần đây như Dự án FLC Green Apartment với tổng mức đầu tư 800 tỷ đồng; Dự án FLC Sea Towers Quy Nhơn với tổng mức đầu tư 2.300 tỷ đồng; Dự án FLC Garden City với tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng; Tổ hợp sân Golf, Resort, Biệt thự nghỉ dưỡng FLC Ha Long Bay với tổng vốn đầu tư 3.400 tỷ đồng.
Song song đó, một số dự án của Tập đoàn đang được thi công như Khu Công nghiệp FLC Hoàng Long với tổng mức đầu tư 2.317,5 tỷ đồng; Quần thể sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí FLC Quảng Bình với tổng mức đầu tư 13.800 tỷ đồng; Dự án FLC Lux City Quy Nhơn tổng mức đầu tư 602 tỷ đồng; Dự án FLC Tropical City Ha Long với tổng mức đầu tư 1.315 tỷ đồng; Dự án Bệnh viện đa khoa quốc tế tỉnh Thái Bình với tổng mức đầu tư 3.722 tỷ đồng.
Tính sơ qua, tổng nguồn vốn đầu tư cho các dự án đang dần hoàn thiện và đang thi công kể trên đã gần 32.000 tỷ đồng.
Đầu tháng 11, FLC Faros tiếp tục trúng thầu cho dự án dự án tổ hợp khách sạn và nhà phố thương mại tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, theo đó Tập đoàn FLC tiếp tục là chủ đầu tư cho dự án này.
Được biết, dự án nằm trên đường Nguyễn Văn Cừ, trung tâm thành phố Pleiku. Quy mô dự án ước tính hơn 3 ha, tổng vốn đầu tư hơn 700 tỷ đồng, bao gồm tổ hợp khách sạn cao cấp, nhà ở liền kề và các công trình thương mại dịch vụ, phụ trợ.
FLC Quy Nhơn - Bình Định |
Nhiều dự án, lắm tai tiếng
Vào giữa tháng 7/2017, Thanh tra Bộ Xây dựng đã công bố kết luận đối với 2 đại dự án ngàn tỷ đồng của Tập đoàn FLC mắc nhiều sai phạm.
Cụ thể, 2 đại dự án tại Sầm Sơn (Thanh Hóa) và dự án Nhơn Lý (Quy Nhơn, Bình Định) của FLC trong việc thực hiện công tác xây dựng theo quy hoạch, quản lý chất lượng công trình xây dựng và hoạt động kinh doanh bất động sản có nhiều sai phạm.
Đối với dự án của FLC tại Thanh Hóa, có 2 công trình thuộc dự án FLC Sầm Sơn và 2 công trình thuộc dự án FLC Sầm Sơn Gofl Links đã thi công hoàn thành nhưng thời điểm thanh tra chưa có giấy phép xây dựng.
Đối với dự án quần thể sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp tại Nhơn Lý (Bình Định), cơ quan thanh tra cũng cho biết Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 không phù hợp với đồ án 1/2000.
Hàng trăm hộ dân lo ngại siêu dự án của FLC "nuốt" trọn đất nông nghiệp. Theo đó, kể từ năm 2013 Tập đoàn FLC liên tục xây dựng công trình kiên cố trên diện tích đất có nguồn gốc là đất nông nghiệp và tự ý lấn chiếm mương tưới tiêu phục vụ cho sản xuất khiến người dân bức xúc.
Liên quan đến dự án FLC Hạ Long Bay Golf Club & Luxury Resort (FLC Hạ Long) khi được khởi công, người dân thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh sống gần phải hứng chịu cảnh khổ cực, đặc biệt vào những ngày mưa gió, nước mưa cuốn theo một lượng lớn đất, cát đá từ trên khu dự án sân golf,…
Đáng nói là vụ việc Tập đoàn FLC chây ì nộp đủ số tiền trúng đấu giá. Cụ thể, trong năm 2017, Tập đoàn FLC trúng đấu giá khu đất tại Hà Nội với giá 860 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng sau khi trúng đấu giá, FLC mới nộp được tổng cộng 98 tỷ đồng.
Do đó, FLC vi phạm các quy định về đấu giá của T Hà Nội và bị hủy kết quả trúng giá của FLC đối với lô đất trên vì ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thu hồi ngân sách nhà nước.
Là ‘con nợ’ của nhiều ngân hàng trong và ngoài nước
Bỏ qua những tai tiếng này, hằng năm Tập đoàn FLC vẫn là chủ của nhiều dự án mọc lên. Với hàng chục dự án đang được triển khai, thiếu vốn là điều không thể tránh khỏi.
Ngày 30/9/2019, Tập đoàn FLC có tổng tài sản 29.112 tỷ đồng, nợ phải trả 20.032 tỷ đồng, bằng 69% nguồn vốn. Nợ vay ngắn hạn và dài hạn là 6.062 tỷ đồng, chiếm 30,3% nợ phải trả và bằng 21% tổng tài sản.
Ngoài vay của các ngân hàng trong nước, FLC còn vay của các ngân hàng nước ngoài như Singapore, Trung Quốc cũng như huy động thêm vốn chủ sở hữu từ cổ đông.
Theo báo cáo tài chính quý 3/2019, Tập đoàn hiện đang vay nợ ngắn hạn tại Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC) với khoản nợ tại ngày 30/9 gần 120 tỷ đồng. Trong lịch sử, Tập đoàn FLC mượn tiền từ ICBC đầu tiên vào quý 2/2017.
Ngoài ra, Tập đoàn còn vay tiền từ một ngân hàng ngoại khác là Credit Suisse AG, chi nhánh Singapore, dự nợ tại ngày 30/9 được ghi nhận gần 600 tỷ đồng.
Khoản vay từ Credit Suisse AG được thực hiện ngày 4/6/2018, số tiền vay 30 triệu USD, lãi suất thả nổi với biên lãi suất 5% so với lãi suất Libor. Thời gian vay 27 tháng kể từ ngày giải ngân, kỳ thanh toán lãi đầu tiên sau 3 tháng kể từ ngày giải ngân, kì thanh toán gốc đầu tiên sau 12 tháng kể từ ngày giải ngân.
Khoản vay dùng để tài trợ vốn cho các dự án FLC Hạ Long, FLC Sầm Sơn giai đoạn 2, FLC Quảng Bình, FLC Quy Nhơn, FLC Garden City và FLC Twin Towers.
Với các ngân hàng trong nước, có thể kể một số chủ nợ của Tập đoàn như BIDV, OCB, PVComBank, VietinBank, SHB, NCB, HDBank, TPBank,…