CTCP Tập đoàn FLC (HoSE: FLC) được Ủy ban chứng khoán Nhà nước chấp thuận cho gia hạn giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng đến hết ngày 2/12/2019. Trong thời gian gia hạn, FLC phải hoàn thành việc phân phối cổ phiếu.
FLC cho biết lý do thay đổi ngày đăng ký cuối cùng và thời gian phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để phù hợp với tình hình thực tế và hoạt động của Công ty.
Đáng nói, FLC vừa quyết định chốt danh sách cổ đông để phát hành cổ phiếu vào ngày 20/8. Nhưng chỉ sau 1 tháng, công ty này lại thay đổi kế hoạch phát hành, vì sao có sự bất thường này?
FLC gia hạn thời gian phát hành 300 triệu cổ phiếu. |
Theo kế hoạch, FLC sẽ chào bán gần 300 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ chào bán 42,2%, tức mỗi cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu sẽ có quyền mua thêm 422 cổ phiếu phát hành thêm.
Với mức giá chào bán bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, Tập đoàn FLC có thể thu về gần 3.000 tỷ đồng nếu việc phát hành thực hiện thành công.
Thời gian chào bán là 90 ngày kể từ ngày 5/8, tức là chậm nhất vào ngày 5/11. Tổ chức tư vấn phát hành là CTCP Chứng khoán An Phát. Ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền mua là 20/8.
Hiện FLC có vốn điều lệ xấp xỉ 7.100 tỷ đồng, nếu phát hành thành công, FLC sẽ là tập đoàn tư nhân có vốn điều lệ lên đến 10.100 tỷ đồng, tương ứng trên 1 tỷ cổ phần lưu hành.
Những lần tăng vốn của FLC |
Theo FLC, toàn bộ số tiền gần 3.000 tỷ đồng dự kiến thu được từ đợt phát hành thêm sẽ được dùng để bổ sung vốn lưu động của Tập đoàn và thực hiện một số dự án bất động sản, tăng vốn điều lệ cho công ty con là Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) từ 1.300 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng…
Cổ phiếu bằng ly trà đá, ai sẽ chi tiền ra gom bằng mệnh giá?
Cũng cần phải nói thêm, FLC phát hành số cổ phiếu này với giá 10.000 đồng/cổ phiếu nhưng thực tế thị giá trên thị trường hiện nay của cổ phiếu này chỉ quanh mức trà đá 3.650 đồng/cổ phiếu (lúc 9h49’ sáng 19/9).
Trong vòng 3 năm qua, cổ phiếu FLC chưa bao giờ lên nổi mệnh giá mà chỉ loanh quanh dưới mức 7.000 đồng/cổ phiếu (tính theo giá điều chỉnh).
Tức giá phát hành gấp 3 lần thị giá. Ai sẽ chi ra số tiền như thế này để mua cổ phiếu từ đợt phát hành thay vì mua trên thị trường?
Về cơ cấu cổ đông, tại thời điểm cuối năm 2018, cổ đông lớn nhất của FLC chính là Chủ tịch Trịnh Văn Quyết với tỷ lệ sở hữu 21,19% vốn.
Ở một động thái khác, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Xây Dựng Faros (HoSE: ROS), đã đăng ký bán 70 triệu cổ phiếu ROS trong thời gian từ ngày 05/09-04/10 nhằm giảm tỷ lệ sở hữu từ 67,34% xuống còn 55.01%.
Liệu hai động thái tại ROS và FLC này có liên quan đến nhau trong đợt phát hành?
Lợi nhuận 6 tháng giảm mạnh, FLC nhận tới 9 quyết định cưỡng chế thuế
Về tình hình hoạt động, ngày 8/9 vừa qua, Tập đoàn FLC cũng đã có thông báo việc bị Cục Thuế Hà Nội ra 9 quyết định cưỡng chế thuế và đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế theo yêu cầu. Tuy nhiên FLC không thông báo về số tiền bị cưỡng chế.
Thông tin về các quyết định cưỡng chế thuế cũng như gia hạn thời gian phát hành dài hơn diễn ra trong bối cảnh lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp hợp nhất bán niên 2019 của FLC đạt hơn 24 tỷ đồng, giảm 77% so với con số gần 103 tỷ đồng tại báo cáo bán niên đã kiểm toán năm 2018.
Theo lý giải của FLC, do sự "tăng mạnh về giá vốn bán hàng, chi phí quản lý và chi phí bán hàng" so với cùng kỳ năm 2018, đã kéo lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp hợp nhất giảm.
Cụ thể, chi phí bán hàng tăng gần 76,4 tỷ đồng (36%) và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đến 161,7 tỷ đồng (84%).