VNDirect vừa có báo cáo phân tích Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, CTG) với nhận định giai đoạn 2023-2024 tăng trưởng lợi nhuận sẽ giảm tốc do NIM thu hẹp và tăng trưởng thu nhập ngoài lãi sẽ chậm lại từ mức nền cao.
NIM cải thiện và thu từ nợ xấu đã xử lý rủi ro tăng mạnh quý 3/2022
Nhìn lại trong quý 3/2022, VietinBank ghi nhận NIM cải thiện và thu từ nợ xấu đã xử lý rủi ro tăng mạnh.
Cụ thể, lãi ròng ròng quý 3/2022 của VietinBank tăng 35,7% so cùng kỳ, lên 3,3 nghìn tỷ đồng, với động lực chính đến từ việc NIM được cải thiện và thu từ nợ xấu đã xử lý rủi ro tăng mạnh.
Trong 9 tháng 2022, dư nợ cho vay của VietnBank tăng 10,1% so đầu năm (+14,8% so cùng kỳ) với cho vay Bán lẻ và Khách hàng DN vừa và nhỏ (SME) tăng mạnh.
NIM quý 3/2022 được cải thiện lên 3,10% (+15 điểm cơ bản so với quý trước và +31 điểm cơ bản so cùng kỳ), nâng NIM 9 tháng 2022 lên 2,92% (-17 điểm cơ bản so cùng kỳ).
Đáng chú ý, thu từ nợ xấu đã xử lý rủi ro trong 9 tháng 2022 tăng 123% so cùng kỳ lên 4,3 nghìn tỷ và đóng góp lớn đến tăng trưởng lợi nhuận.
Về chi phí, VietinBank đã trích lập dự phòng 8,3 nghìn tỷ trong quý 3/2022 (+50% so cùng kỳ), nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) lên 222% vào cuối quý 3/2022.
Lãi ròng 9 tháng 2022 tăng 13,7% lên 12,6 nghìn tỷ, hoàn thành 77% dự phóng.
Trong bối cảnh thanh khoản hệ thống đang gặp căng thẳng, VietinBank đã tăng được CASA thêm 1,4% so với quý trước, qua đó đẩy tỷ lệ CASA tăng 55 điểm cơ bản lên 20,5%. Đây là một kết quả tích cực khi hầu hết các ngân hàng khác đã ghi nhận tỷ lệ CASA sụt giảm trong quý vừa rồi. Tính đến quý 3/2022, khách hàng doanh nghiệp chiếm 50% tỷ trọng CASA của Vietinbank, theo sau là khách hàng Bán lẻ (34,5%) và định chế tài chính (15,5%).
Ước tính lãi ròng của VietinBank sẽ tăng trưởng 10,2%/18,0% năm 2023 và 2024 |
Ước tính lãi ròng của VietinBank sẽ tăng trưởng 10,2%/18,0% năm 2023 và 2024
VNDirect kỳ vọng trong giai đoạn 2023-2024, VietinBank sẽ đạt được mức tăng trưởng tín dụng tốt ở mức khoảng 10%, thấp hơn 1-2% so với kỳ vọng cho toàn hệ thống.
VNDirect cũng lưu ý rằng việc hệ số LDR ở mức cao (82,3% tính đến quý 3/2022) và hệ số CAR ở mức tương đối thấp (8,96% tính đến quý 2/2022) sẽ tạo nên những hạn chế nhất định lên khả năng tăng trưởng tín dụng của VietinBank.
VNDirect ước tính NIM của VietinBank sẽ giảm từ 2,95% trong năm 2022 xuống 2,80% trong giai đoạn 2023-2024 do cho rằng ngân hàng không có quá nhiều dư địa để có thể bù đắp tác động đến từ lãi suất huy động và chi phí vốn tăng tăng mặc dù tỷ lệ CASA và tỷ trọng bán lẻ/SME vẫn đang dịch chuyển theo chiều hướng tốt.
VNDirect dự báo thu nhập ngoài lãi của VietinBank sẽ tăng 3,9%/9,4% so cùng kỳ trong giai đoạn 2023-2024, giảm từ mức 34,9% trong năm 2022 chủ yếu do VNDirect kỳ vọng tăng trưởng thu nợ xấu đã xử lý rủi ro và tăng trưởng lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối sẽ giảm từ mức nền cao cùng với việc năm 2023 sẽ không phải năm đầu tiên VietinBank ghi nhận một phần khoản phí trả trước từ thương vụ banca với Manulife.
VNDirect kỳ vọng CIR sẽ được cải thiện về mức 31,5%/31,0% trong 2023-2024 so với 32,0% của năm 2022 khi VietinBank tiếp tục cân bằng giữa việc đầu đầu tư vào chuyển đổi số/marketing và việc cải thiện đòn bẩy hoạt động.
Về trích lập dự phòng, VNDirect cho rằng VietinBank sẽ tiếp tục thận trọng tại thời điểm này. Trong giai đoạn 2023-2024, VNDirect kỳ vọng VietinBank sẽ vẫn duy trì trích lập dự phòng trên cho vay ở ở mức cao là 1,65%/1,45% trong 2023-2024 so với 1,85% trong năm 2022. Với giả định này, chi phí dự phòng sẽ giảm 1,9%/3,5% so cùng kỳ, xuống còn khoảng 21,6 nghìn tỷ/20,8 nghìn tỷ trong 2023-2024 từ mức 22,0 nghìn tỷ trong năm 2022.
Nhìn chung, VNDirect ước tính lợi nhuận ròng của VietinBank sẽ tăng trưởng 10,2%/18,0% so cùng kỳ với ROE là 15,5%/16,0% trong giai đoạn 2023-2024.