Giám đốc Formosa ''chọn nhà máy hoặc cá tôm'' dậy sóng dư luận
(Kiến Thức) - Phần trả lời phỏng vấn "chỉ có một sự lựa chọn, hoặc là nhà máy thép, hoặc là cá tôm" của Giám đốc đối ngoại Formosa khiến dư luận bất bình.
Ngày 25/4, trả lời trên Kênh VTC14 về thắc mắc của ngư dân tại sao trước khi Công ty Formosa xây dựng hệ thống xử lý nước xả thải thì họ đánh bắt được rất nhiều loại thủy, hải sản, tôm cá. Tuy nhiên, sau khi công ty xả thải ra biển thì xung quanh không hề có sinh vật biển nào còn sống sót? Ông Chu Xuân Phàm - Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã có câu trả lời khiến dư luận bất bình.
Theo đó, Giám đốc đối ngoại Formosa nói: “Nhiều khi ấy, được cái nọ thì phải mất cái kia. Anh nói thật lòng. Tôi không thể nào xây một nhà máy thép ở đây mà biển ở xung quanh lại có nhiều cá, nhiều tôm được. Đương nhiên, mình cốt cán công tác làm theo quy định hiện hành, đạt được tiêu chuẩn, quy định của Nhà nước. Nhưng có khi mình phải lấy cái gì để đổi lấy dự án này. Anh nói thật lòng là thế.
Tại sao em không hỏi, ngày xưa ở đây có thể sản xuất lúa mà giờ đây lại không được một vụ nào nữa. Đúng không? Đã xây nhà máy rồi mà. Nhiều khi, mình không thể được cả hai thì mình phải lựa chọn. Tôi muốn bắt cá bắt tôm hay là tôi muốn xây dựng được một cái nhà máy hiện đại?”
|
Giám đốc đối ngoại Formosa nói cho rằng chỉ có một sự lựa chọn, hoặc là nhà máy thép, hoặc là cá tôm. |
Trả lời của Giám đốc đối ngoại nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh đã khiến dư luận dậy sóng; đa phần ý kiến dư luận cho rằng, câu trả lời của vị giám đốc này là thiếu trách nhiệm.
Anh Nguyễn Xuân Vinh (Hương Khê, Hà Tĩnh) bức xúc: “Tôi không đồng tình với nhận định, lời nói thiếu trách nhiệm của Ông Chu Xuân Phàm - Giám đốc đối ngoại Công ty Formosa Hà Tĩnh.”
“Một vùng kinh tế phát triển thì cũng quan trọng, nhưng dù thế nào nó cũng không bằng môi trường sống của người dân. Nếu không có nhà máy mà người dân được sống bình yên không bệnh tật thì có lẽ tốt hơn. Một nhà máy phát triển mà phá hủy cả một vùng, đấy là chưa nói đến việc về lâu về dài sẽ ảnh hưởng đến các vùng khác như vậy thì phát triển để làm gì? Đừng vì lợi ích của doanh nghiệp mà phá hủy môi trường của cả một khu vực. Một đất nước phát triển phải đồng nghĩa với đời sống của người dân cũng được nâng lên, chứ không phải tỷ lệ bệnh tật ngày càng tăng” – bạn Lan Vy chia sẻ.
Anh Nguyễn Vinh Hải - một người con miền Trung bày tỏ quan ngại: “Nước bị nhiễm độc, cá bị nhiễm độc rồi có thể người dân xung quanh nhiễm độc... Con em đời sau nhiễm độc, thiệt hại là vô kể. Người dân các tỉnh ven biển miền trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế sống chủ yếu bằng nhiều nghề trong đó nghề đánh bắt hải sản, vậy khi cá tôm bị nhiễm độc thử hỏi còn ai dám ăn? Tâm lý đó sẽ lan rộng ra các tỉnh khác và rồi sẽ tới nước ngoài, liệu họ có dám nhập khẩu thuỷ, hải sản của khu vực bị nhiễm độc hay không? Người dân sống bằng nghề thuỷ, hải sản sẽ sống ra sao? Tương lai con em họ sẽ ra sao?… Đó là chưa nói thiệt hại về du lịch, ai dám đến cái nơi đang bị ô nhiễm nguồn nước?”
“Phá hủy môi trường thì không những cá chết mà người dân xung quanh cũng không sống nổi. Vậy lợi ích kinh tế cho dân hay cho nhà đầu tư vậy? Cuộc sống của những người dân miền Trung sẽ ra sao? Họ lấy gì để mưu sinh? Liệu nhà máy có nuôi và lo cho tất cả hộ gia đình ngư dân hay không? Tại sao chúng ta không chọn cả hai thay vì cứ phải chọn một thứ? Chẳng phải nếu như nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh xử lý tốt nguồn nước xả thải, hạn chế ảnh hưởng đến nguồn nước thì các sinh vật vẫn có thể tồn tại, người dân nơi đây vẫn có nguồn sống hay sao?” - độc giả Hà Anh (Hà Nội) đặt câu hỏi, gửi đến Báo Kiến Thức.
Nêu quan điểm về vụ việc này, anh Tuấn (Hà Tĩnh) tỏ ra vô cùng lo lắng: “Không phải chỉ tôm cá, chỉ ngư dân mà còn cả ngành du lịch biển cũng sẽ ảnh hưởng. Bây giờ xả một thời gian ngắn đã mấy tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng nghiêm trọng rồi, vậy sau này các dòng hải lưu đẩy trôi theo dọc bờ biển cả nước thì không còn sinh vật nào mất. Người dân ven biển cả nước phải làm thế nào?.
Bên cạnh những ý kiến phản đối một vài cư dân mạng khác lại đồng tình với quan điểm của vị giám đốc này về vấn đề ảnh hưởng là việc đương nhiên. Thế nhưng quan trọng là ảnh hưởng ở mức độ nào? Nếu như nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh làm đúng thì chắc chắn sinh vật biển vẫn có cơ tồn tại vì ít nhất, nếu đạt tiêu chuẩn môi trường, nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh phải đảm bảo được yếu tố này.
>>> Xem thêm video vụ cá chết hàng loạt: “Ống xả thải khổng lồ dưới biển Vũng Áng”? - ANTV