Tại sao nhiều loài động vật lại có đuôi? Câu trả lời là "chọn lọc tự nhiên" - nghe có vẻ dễ đoán nhưng lại hoàn toàn chính xác.
Đuôi đã giúp nhiều loại động vật khác nhau - dù là côn trùng, cá, thằn lằn hay động vật có vú, cùng nhiều loài khác tồn tại đủ lâu trong tự nhiên để có thể duy trì nòi giống.
Đuôi phục vụ các mục đích khác nhau cho các nhóm động vật khác nhau. Động vật có đuôi đã tiến hóa cấu trúc và hành vi để tối đa hóa bộ phận này trên cơ thể. Ví dụ, đuôi côn trùng đóng vai trò là ngòi đốt, nơi tích trữ nọc độc, bộ phận trữ trứng, giúp giữ thăng bằng khi bay, cùng nhiều công dụng khác.
Ở động vật có xương sống, đuôi được có công dụng chủ yếu để vận động và giữ thăng bằng. Ví dụ, đuôi của cá và cá sấu quét qua lại đẩy chúng dễ dàng tiến lên trong nước.
Đuôi cũng đóng vai trò là nơi dự trữ năng lượng và là bộ phận "dùng một lần": thằn lằn da và nhiều loài thằn lằn khác có thể tự nguyện cắt rời đuôi ra khi bị kẻ săn mồi cắn phải, sau đó cơ thể chúng sẽ tái tạo một cái đuôi mới.
Những con khủng long sauropod khổng lồ (đi bằng bốn chân) có đuôi dài để cân bằng trọng lượng với chiếc cổ siêu dài của chúng.
Trong khi đó, đuôi của loài chim phối hợp với đôi cánh để giúp chúng không bị rơi từ trên trời xuống. Những chiếc lông đuôi đầy màu sắc của chim thiên đường đực, gà tây, công và một số loài khác giúp chúng thu hút con cái.
Nhiều động vật có vú, chẳng hạn như sóc và một số loài khỉ, sử dụng đuôi của chúng như một chi bám để di chuyển từ cành cây này qua cành cây khác.