Cụ thể, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 104/2016/NĐ-CP quy định Nhà nước có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại khi sử dụng vacxin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng chống dịch. Mức bồi thường tai biến tiêm chủng được xác định tùy thuộc vào mức di chứng để lại.
Theo đó, sẽ bồi thường 30 tháng lương cơ sở và các chi phí do phải khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế; thiệt hại do thu nhập bị mất hoặc bị giảm sút với những người bị di chứng dẫn đến khuyết tật. Với những trường hợp tử vong sẽ được hỗ trợ các chi phí do phải khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trước khi tử vong, bên cạnh việc bù đắp 100 triệu đồng do tổn thất về tinh thần cho thân nhân của người bị thiệt hại và các chi phí do thu nhập bị mất hoặc giảm sút theo quy định, kết hợp với chi phí mai táng phí bằng 10 tháng lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Người bị tai biến tiêm chủng nặng sẽ được bồi thường |
Ngoài ra, khi gặp sự cố tiêm chủng dẫn đến thiệt hại do thu nhập mất, giảm sút cũng sẽ được Nhà nước hỗ trợ thiệt hại vật chất cho 01 người phải nghỉ việc không hưởng lương để chăm sóc.
Trường hợp người được tiêm chủng được Nhà nước bồi thường là người lao động theo quy định của pháp luật về lao động thì được hỗ trợ thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút trong thời gian cứu chữa.
Để đảm bảo việc bồi thường đúng, Nghị định có quy định rõ ràng về việc chuẩn bị hồ sơ, tài liệu đối với cơ sở y tế nơi xảy ra tai biến nặng cũng như người được tiêm chủng hoặc thân nhân người được tiêm chủng thuộc trường hợp được Nhà nước bồi thường.
Tuy nhiên, Nghị định cũng quy định các cơ sở y tế phải thực hiện đầy đủ các khâu, từ khám sàng lọc, tư vấn đối tượng đến việc thực hành tiêm chủng, theo dõi sau tiêm chủng…để đảm bảo an toàn và giảm nguy cơ tai biến tiêm chủng.
Mời độc giả xem video Lưu ý về phản ứng sau tiêm chủng ở trẻ (Nguồn VTV):