Mong thầy giải thích cho con rõ. Con kính cám ơn thầy.
Hai chữ “Suối vàng” người ta dịch từ chữ huỳnh tuyền. Huỳnh là màu vàng còn tuyền là suối. Nghĩa là suối nước màu vàng. Theo truyền thuyết của người Trung Hoa, thì người ta tin rằng, ở dưới Âm phủ có chín cái suối nước vàng. Chín suối do dịch từ chữ cửu tuyền của chữ Hán. Suối vàng hay chín suối là chỉ cho chỗ ở của người chết. Sở dĩ có truyền thuyết này, theo sử liệu ghi lại là người ta y cứ vào câu chuyện xảy ra ở đời Xuân Thu Chiến Quốc. Câu chuyện nói về bà Khương Thị vợ của vua Trịnh Vũ Công.
Ảnh minh họa. |
Truyện tích kể rất dài dòng, nhưng ở đây, tôi chỉ xin kể ngắn gọn tóm lược mà thôi. Ðây là câu chuyện nói về chúa nước Trịnh là Trịnh Trang Công tên là Ngộ Sinh. Ông nầy rất có hiếu với mẹ. Mẹ của ông là bà Khương Thị. Bà này là vợ của vua Trịnh Vũ Công. Bà có hai người con. Người lớn là Thái tử Ngộ Sinh, sau lên ngôi là vua Trang Công. Còn người con kế tên là Ðoạn. Tuy cả hai đều là con của bà, nhưng bà lại thương không đồng. Bà có ác ý hay ghét Ngộ Sinh, vì khi sinh Ngộ Sinh ra một cách thình lình làm bà chịu nhiều đau đớn khổ sở. Và kể từ đó, bà cho Ngộ Sinh là đứa con oan gia bất hiếu, vì hành hạ bà đau đớn ngay từ lúc đầu. Do đó, mà bà sanh tâm ác cảm với Ngộ Sinh. Ngược lại, bà rất thương yêu nuông chiều người con kế tên là Ðoạn.
Vì có ý muốn cho Ðoạn lên làm vua, nên bà tìm đủ mọi phương cách thủ đoạn dèm pha hãm hại Trang Công. Việc hãm hại của bà kể từ khi Trang Công còn làm Thái tử, cũng như sau khi ông này lên làm vua. Về sau, việc âm mưu hãm hại của bà bị bại lộ. Trang Công biết được em mình là Ðoạn nổi loạn phản nghịch, nên cử binh đánh dẹp và cuối cùng Ðoạn phải tự tử. Từ đó, vua Trang Công mới an trí mẹ mình nơi vắng vẻ và thốt lên lời thề nặng là: “Chẳng phải chốn suối vàng thì chẳng nhìn mặt nhau”. (Bất cập huỳnh tuyền vô tương kiến dã).
Trang Công vốn là người con có hiếu nên sau đó nhà vua nghĩ lại, cảm thấy rất hối hận về việc xử tệ bạc với mẹ mình, nhưng đã lỡ thề nặng nên nhà vua không biết phải làm sao để gặp lại mẹ mình. Bấy giờ, có ông quan cận thần tên là Ðình Khảo Thúc biết ý Trang Công, nên ông ta tìm cách giải lời thề bằng cách là cho người đào đất đến tận mạch nước, rồi cho xây cất một cái nhà nhỏ bên cạnh suối nước. Xong, liền cho người dẫn bà Khương Thị xuống đó ở. Mục đích là để cho Trang Công xuống đó gặp lại mẹ. Quả thật khi gặp lại, hai mẹ con ôm chằm lấy nhau khóc than một cách thảm thiết! Vì lẽ đó, nên mới có câu chuyện là gặp nhau ở suối vàng.
Trong truyện Kiều có câu:
“Ðã không kẻ đoái, người hoài
Sẵn đây ta thắp một vài nén hương
Gọi là gặp gỡ giữa đường
Họa là người dưới suối vàng biết cho”
Tóm lại, nói suối vàng hay chín suối ý nghĩa không khác nhau, cả hai đều là chỉ cho chỗ ở của người chết vậy.
Thích Phước Thái
Chú thích: Bài đã được đăng trên một số trang cá nhân trên mạng Internet, đăng trên phatgiao.org.vn với sự cho phép của tác giả.