Trong Chương trình sữa học đường, điều phụ huynh băn khoăn nhất hiện nay là chất lượng sữa, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, đối với chất lượng sữa, phải có sự giám sát chặt chẽ của tất cả các thành phần trong xã hội, không chỉ mỗi cơ quan quản lý, doanh nghiệp, mà đặc biệt phải có sự tham gia giám sát của phụ huynh, của cộng đồng.
Từ đó, chúng ta phải bảo đảm an toàn từ quá trình chăn nuôi, thu gom, chế biến, bảo quản, phân phối và đưa ra thị trường.
Ảnh minh họa. |
Ngay cả khi tiêu dùng, các bà mẹ cũng cần phải chú ý xem sữa đó còn hạn sử dụng không, đặc biệt là hộp sữa còn kín không, tránh sản phẩm méo mó, hở mà nên chọn các sản phẩm của công ty có lượng đàn bò lớn để sử dụng.
Còn chất lượng sữa khi được đóng gói tức là sữa thành phẩm sẽ có sự kiểm soát chất lượng từ các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Y tế, Bộ Công Thương, riêng sữa tươi nguyên liệu sẽ là trách nhiệm của Bộ NN&PTNT, giám sát theo quy chuẩn.
Về phía địa phương, ông Chinh cho rằng, để thực hiện tốt chương trình này, mỗi địa phương nên thành lập một ban chỉ đạo từ các cấp trên địa bàn, như tỉnh Bắc Ninh đang thực hiện rất tốt. Tỉnh Bắc Ninh là một trong 13 tỉnh thành này đã thí điểm triển khai chương trình từ 2013-2014 và thực hiện đại trà từ 2015-2016 với 211 trường cùng triển khai trong năm học 2018-2019.
Có 50% kinh phí mua sữa cho trẻ là ngân sách tỉnh, 25% do công ty sữa chi trả và bố mẹ đóng góp 25%. Kết quả của chương trình là tăng trưởng hàng năm về cân nặng và chiều cao của trẻ đều tốt hơn so với trước kia, trong đó về chiều cao tăng trưởng từ 2,3 cm/năm.
Khi hình thành một ban chỉ đạo thống nhất như vậy, sẽ có sự giám sát của cộng đồng, đặc biệt là phụ huynh học sinh, doanh nghiệp, cơ quan quản lý và các hiệp hội. Đồng thời phải công khai, minh bạch các thông tin về Chương trình sữa học đường để nâng cao việc giám sát của cộng đồng.