Người ta lên án bác sĩ đã có hành động vô nhân tính, than trời vì đạo đức xã hội xuống cấp... điều đó đúng cả thôi. Nhưng đau đớn hơn đó dường như là sự trả giá. Trả giá cho việc chúng ta đã buông lỏng quản lý?
Bởi vì đã chấp nhận bước chân vào kinh tế thị trường thì phải biết lợi nhuận là tối thượng. Vì lợi nhuận, người ta có thể làm tất cả, bất chấp tất cả. Vì vậy không thể kêu gọi suông đạo đức hay lương tâm mà phải có luật pháp và có sự quản lý để người ta biết sợ, đừng làm những việc đi quá giới hạn. Đằng sau mỗi tội lỗi là sự liên quan của rất nhiều người. Không chỉ là của những người được giao trách nhiệm quản lý mà cả những người đã thờ ơ...
Thực sự tôi thấy tiếc cho ông bác sĩ kia vì nghe nhiều người nói ông là bác sĩ giỏi. Giá như được quản lý tốt để cơ sở của ông chỉ làm đúng chức năng được cấp phép thì đâu đến nỗi. Đằng này vì chẳng ai quản lý, muốn làm gì thì làm cho nên ông mới làm liều như thế.
Hơn một tuần đã trôi qua vẫn chưa có cơ quan nào chịu nhận trách nhiệm về vụ việc này. Điều đó cũng không có gì lạ, vì lần nào cũng vậy, cứ có vụ chết người xảy ra là cứ nơi này đổ lỗi cho nơi khác, và cuối cùng thì chẳng ai chịu trách nhiệm.
Thực ra vụ này gây chết người nghiêm trọng quá nên mới nháo nhào cả lên chứ thực ra biết bao hành động giết người thầm lặng đang xảy ra mà không có ai quản lý. Đó là những cơ sở sản xuất thực phẩm sử dụng hóa chất vô tội vạ, nông dân thì tưới đẫm thuốc bảo vệ thực vật vào rau quả, nhà hàng thì làm ăn gian dối, biến những thực phẩm ôi thiu thành đồ ăn, những cơ sở xả chất độc hại ra môi trường... Những việc làm bất nhân đó vì sao vẫn tồn tại? Phải chăng vì chúng ta không quản lý được hay quản lý theo kiểu lấy lệ, phạt cho tồn tại hay tồi tệ hơn là kiểu phong bì đi trước để tránh phạt?
Chúng ta cứ nói nhiều tới lương tâm, đạo đức, nhưng lương tâm, đạo đức không phải là thứ bất biến, mà nó được xây dựng, vun đắp, giữ gìn của cả xã hội.