SCMP dẫn lời nguồn tin quân sự giấu tên cho biết vụ rơi máy bay quân sự Trung Quốc ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần của các binh sĩ nước này.
Không quân Giải phóng Nhân Trung Quốc (PLAAF) xác nhận một máy bay quân sự rơi ở tỉnh Quý Châu trong cuộc tập trận vào ngày 29/1. Tuy nhiên, PLAAF không cung cấp chi tiết về thương vong hoặc chủng loại máy bay.
Một nguồn tin thân cận với PLAAF nói rằng ít nhất 12 người đã thiệt mạng. Phi cơ gặp nạn là một phiên bản của máy bay vận tải Y-8 được sửa đổi cho nhiệm vụ tiếp nhiên liệu trên không.
“Khoảng hơn một chục người trên máy bay bao gồm cả đàn ông và phụ nữ và không ai sống sót khi nó lao xuống đất”, nguồn tin giấu tên nói.
Một phiên bản của máy bay vận tải quân sự Y-8. Ảnh: SCMP. |
Trên máy bay không được trang bị ghế phóng, vì vậy phi công và phi hành đoàn chỉ có thể dựa vào những chiếc dù. Tuy nhiên, họ không có đủ thời gian để nhảy ra ngoài vì máy bay rơi quá nhanh, nguồn tin cho biết thêm. Vụ rơi máy bay Y-8 xảy ra chỉ vài tuần sau khi một tiêm kích J-15 đâm xuống đất.
Một nguồn tin quân sự thứ 2 nói rằng không thể xác nhận thương vong trong vụ tai nạn của J-15 vào tháng trước. Sự cố mới nhất dẫn đến những quan ngại trong không quân rằng tai nạn có thể xảy ra nhiều hơn khi tần suất các cuộc tập trận được gia tăng. Bộ Quốc phòng Trung Quốc từ chối bình luận về vụ việc.
Thà chết chứ không bỏ máy bay
Không quân Trung Quốc bắt đầu gia tăng tần suất các cuộc tập trận từ đầu năm 2017. Các máy bay chiến đấu, vận tải, tuần tra và ném bom luân phiên thực hiện các cuộc diễn tập trên eo biển Đài Loan. Các cuộc tập trận còn mở rộng đến Tây Thái Bình Dương, một động thái cho thấy Bắc Kinh đủ năng lực quân sự để phá vỡ “chuỗi đảo thứ nhất”.
Nguồn tin quân sự thứ 2 cho biết hai vụ tai nạn liên tiếp cho thấy máy bay quân sự Trung Quốc chưa thực sự hoàn hảo để làm nhiệm vụ.
“Chúng ta phải thừa nhận rằng, ở Trung Quốc có một khoảng cách nhất định giữa huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và sự phát triển không hoàn hảo của các máy bay”, nguồn tin nói.
Y-8 và J-15 đều gặp vấn đề về động cơ và thiết kế. Đặc biệt là Y-8 được phát triển với rất nhiều phiên bản, trong khi thiết kế của nó chưa thực sự phù hợp. Tuy nhiên, thay vì cần thực hiện thêm nhiều chuyến bay thử nghiệm để đánh giá, các phi công bị đẩy trực tiếp lên máy bay cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu.
Hiện trường vụ tai nạn máy bay Y-8 tại Quý Châu. Ảnh: SCMP. |
Phần lớn các máy bay chế tạo tại Trung Quốc bị ép đẩy nhanh tiến độ đưa vào sử dụng để đáp ứng “mục tiêu chính trị về khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Trung Quốc”. Nguồn tin thứ nhất cho biết các phi công Trung Quốc được dạy rằng “đảm bảo an toàn cho máy bay là ưu tiên hàng đầu, không phải là an toàn cá nhân”.
Kiểu huấn luyện này giúp các nhà sản xuất đẩy nhanh tốc độ chế tạo máy bay và xem nhẹ các yêu cầu về an toàn cho con người, nguồn tin thứ nhất cho biết. Các vụ tai nạn máy bay có thể xảy ra nhiều hơn trong thời gian tới, vì quân đội đang chịu áp lực rất lớn từ Quân Ủy Trung ương phải đẩy mạnh các cuộc tập trận bắn đạn thật.
Tháng 11/2017, truyền thông Trung Quốc xác nhận phi công Huang Peng, 29 tuổi đã chết trong một vụ tai nạn máy bay. Những người trong nội bộ không quân nói rằng ông Huang tử vong vì cố gắng cứu tiêm kích J-11B và không kéo ghế phóng ở thời điểm thích hợp.
Một tháng trước đó, đài truyền hình CCTV phát sóng chương trình ca ngợi phi công Cao Xianjian và Zhang Chao đã cố gắng cứu thoát chiếc J-15 khi nó gặp sự cố vào năm 2015. Vài tháng sau đó, phi công Zhang, 29 tuổi tử vong khi cố gắng hạ cánh một máy bay chiến đấu gặp tai nạn. Phi công Cao bị thương nặng trong sự cố tương tự và phải mất hơn một năm để hồi phục.
“Khi chúng tôi bước lên máy bay, mối quan tâm hàng đầu của chúng tôi là làm thế nào để có thể đưa máy bay trở lại căn cứ an toàn. Phi công không nên từ bỏ máy bay của họ vì chúng tôi là những đối tác gần gũi”, phi công Cao nói với CCTV.