Nhiều năm trước, bóng đá Việt Nam bị mặc định là không thể chơi thiên về thể hình, thể lực và sức mạnh. Nhiều người thường nhận định, cầu thủ Việt Nam chỉ có điểm mạnh là kĩ thuật nên cũng chỉ phù hợp với lối chơi tấn công, ban chuyền ngắn. Và người ta cũng mặc định chấp nhận một điều, là các cầu thủ Việt Nam không thể chơi bao sân được, đi bộ rất nhiều rồi thở dốc từ khoảng phút… 60 hoặc 70.
Chính HLV Park Hang-seo cũng từng lầm tưởng như vậy khi tìm hiểu về bóng đá Việt Nam thông qua giấy tờ. Nhưng khi tiếp xúc, ông đã phải thay đổi cách nhìn:
"Tôi không hiểu tại sao những thế hệ trước lại mang định kiến cầu thủ Việt Nam có thể lực yếu, thua kém so với cầu thủ ở nơi khác. Tôi muốn thay đổi định kiến đó, khai phá những khả năng mới của họ".
HLV Park Hang-seo đặt nặng vấn đề tập thể lực, thể hình với tất cả các cầu thủ Việt Nam ông dẫn dắt.
"Tôi cũng không thể hiểu vì sao mọi người lại đánh đồng rằng thể hình nhỏ thì thể lực kém. Trong bóng đá, những cầu thủ nhỏ sẽ rất nhanh. Hơn nữa, cầu thủ Việt Nam rất thông minh. Họ hiểu chiến thuật của tôi rất tốt.
Ngoài ra, sau khi tiến hành đo đạc các chỉ số cơ thể, chúng tôi cũng phát hiện ra, là phần thân trên của cầu thủ Việt Nam khá yếu. Vì thế, tôi yêu cầu các cầu thủ đến phòng gym của Liên đoàn tập khoảng một tháng trước khi vào giải U23 châu Á…
Tôi nói thật, chúng tôi không có nhiều phương pháp nào đặc biệt về thể lực. Tôi xin nhấn mạnh, cầu thủ Việt Nam không yếu về thể lực" – vẫn lời thầy Park từng chia sẻ vào đầu năm 2018, sau khi cùng U23 Việt Nam lên ngôi Á quân châu lục.
Để nâng cao thể lực, sức mạnh cho cầu thủ Việt Nam, HLV Park Hang-seo đã thay đổi chế độ dinh dưỡng của đội tốt hơn, đã cho cầu thủ rèn luyện thể chất nhiều hơn. Điều này vẫn được duy trì đều đặn trong suốt khoảng 5 năm thầy Park nắm quyền ở bóng đá Việt Nam.
Cuối năm 2020, ông Park vẫn thường chê các học trò yếu về thể lực, sức mạnh để thúc đẩy họ rèn luyện nhiều hơn, dù lúc này thì thể lực và sức mạnh của các cầu thủ làm việc với thầy Park đã nâng lên đáng kể.
Thời điểm đó, Phan Văn Đức – một cầu thủ đúng nghĩa là nhỏ con và "mỏng cơm" chia sẻ:
"Triết lý của thầy Park là thể lực và chiến thuật phải đi đôi. Thầy Park nói cầu thủ Việt Nam thể lực, sức mạnh hơi yếu. Vậy nên lần này thầy cho tập gym nhiều. Giờ thể lực cả đội đang lên rồi nhưng thầy Park cũng vẫn bắt chúng tôi tập thêm nhiều vào buổi tối. Theo đó, tôi thấy mình cũng đang tốt dần lên".
Sở hữu vóc dáng nhỏ bé, mỏng cơm nhưng dưới sự trui rèn của HLV Park Hang-seo, Phan Văn Đức ngoài sức nhanh, khả năng kĩ thuật tốt cũng rất bền bỉ và không hề e ngại các hậu vệ to khỏe của đối thủ.
Cầu thủ Việt Nam dưới thời thầy Park, dù có nhỏ bé như Phan Văn Đức, cũng không hề ngán các đối thủ cao lớn hơn.
Hình ảnh Phan Văn Đức chỉ là một trong rất nhiều hình ảnh học trò khác dưới thời HLV Park Hang-seo. Họ không còn giống như nhiều thế hệ tiền bối trước đây, bị mặc định là yếu ớt về sức mạnh, thể lực.
Nhờ nền tảng cơ bản ấy kết hợp với tinh thần luôn hừng hực quyết tâm, bóng đá Việt Nam trong 5 năm thời thầy Park đã tạo nên nhiều chiến công ở cả các cấp trẻ U22/U23 lẫn ĐTQG. Chúng ta cũng đã thay đổi phong cách thi đấu sở trường sang phòng ngự - phản công, lối chơi vốn yêu cầu rất cao về thể lực.
Đấy quả là điều không ai nghĩ tới nổi trước khi HLV Park Hang-seo sang Việt Nam!
Có thể nói, ở phong cách phòng ngự - phản công, HLV Park Hang-seo đã giúp bóng đá Việt Nam phát huy tối đa dựa trên năng lực cầu thủ.
Giờ đây, khi chúng ta có HLV mới là ông Troussier, nhiều người kỳ vọng bóng đá Việt Nam có thể tiến thêm một bước nữa, thay đổi lối chơi trở thành kiểm soát bóng, tấn công dù gặp các đối thủ mạnh hơn.
Thực tế là trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan đã làm được điều ấy. Trong nhiều trận đấu với các đối thủ mạnh, Thái Lan vẫn chơi kiểm soát bóng và tấn công. Nếu thua thì người Thái vẫn có thể khiến đối thủ gặp nguy hiểm. Thậm chí, Thái Lan còn có thể tạo nên bất ngờ, hòa hay thắng bằng lối chơi ấy trước các địch thủ mạnh.
Sự đĩnh đạc của người Thái trước các đối thủ mạnh là điều bóng đá Việt Nam đang muốn hướng tới sau khi đã thành công với phong cách "cửa dưới" thời thầy Park.
Vậy nhưng, ngay khi vừa thử nghiệm lối chơi này trước 2 địch thủ mạnh là U23 Iraq và U23 UAE, U23 Việt Nam đã nhận về liền 2 thất bại 0-3 và 0-4. Dồn sức kiểm soát bóng và tấn công nhiều hơn nhưng chưa có hiệu quả, U23 Việt Nam lại đánh mất điều cơ bản nhất được gây dựng từ thời thầy Park: Sự chắc chắn trong phòng ngự.
Vậy thì hướng đi của HLV Troussier, hướng đi mà nhiều NHM đang kỳ vọng, có hợp lý hay không? Có nên tiếp tục hay không?
Bóng đá Việt Nam cần đặt thêm niềm tin vào HLV Troussier.
Để trả lời điều ấy sẽ cần thời gian. Nhưng có một điều chắc chắn được lúc này là Doha Cup 2023 cũng chỉ mang tính giao hữu mà thôi. Nó chính xác là sân chơi để U23 Việt Nam thử nghiệm, rèn luyện, chứ không phải mang tính hơn thua.
Thật may, nhận rõ bản chất đó, HLV Troussier vẫn đang rất kiên định với hướng đi của mình. Sau trận thua UAE 0-4, ông đã nhắn nhủ với các học trò:
"Ở trận đầu tiên, chúng ta đã chơi tốt trong khoảng 20 phút đầu trước khi bị thiếu người vì thẻ đỏ. Ở trận thứ hai, chúng ta đã chơi rất tốt trong 45 phút của hiệp một. Ở trận thứ ba sắp tới, chúng ta sẽ phải cố gắng để chơi tốt trong ít nhất 60-70 phút. Chúng ta sẽ cải thiện từng bước, từng bước như vậy. Đừng quá lo lắng về kết quả bởi tôi mới là người phải chịu trách nhiệm".
Ngược về trước nữa khi chuẩn bị khởi tranh Doha Cup 2023, HLV Troussier cũng đã nói rõ hướng đi của mình cùng U23 Việt Nam:
"Ở thời điểm hiện tại, nếu thi đấu với Nhật Bản hay Hàn Quốc thì tỷ lệ kiểm soát bóng của chúng ta chỉ ở khoảng 30-40%. Do vậy, nếu muốn chơi bóng ở trình độ cao hơn, chúng ta bắt buộc phải nâng tỷ lệ kiểm soát bóng lên ngang tầm với đối thủ. Đây là điều không hề đơn giản và cũng không phải muốn là có thể thực hiện ngay được. Chúng ta sẽ cố gắng cải thiện từng bước một".
Doha Cup 2023 chỉ là bước khởi đầu. Thậm chí, giải đấu chính thức tới đây như SEA Games cũng vẫn chỉ là bước khởi đầu. Bóng đá Việt Nam muốn thay đổi, sẽ cần kiên định cải thiện từng bước một như lời HLV Troussier nói.
Biết đâu đấy, sau một thời gian nữa, bóng đá Việt Nam có thể thật sự nâng cao khả năng kiểm soát bóng và tấn công, chơi sòng phẳng, bằng vai phải lứa với các ông lớn châu Á?