Ông Nguyễn Vũ Linh, Giám đốc Vườn Quốc gia Bạch Mã ngày 4/11 thông tin, ban đầu con đường độc đạo dẫn lên đỉnh Bạch Mã - nơi tham quan nổi tiếng - được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Sau này con đường được lát nhựa có điểm đầu từ Quốc lộ 1A, điểm cuối là đỉnh Bạch Mã, xây dựng từ năm 1994-1995 và hoàn thành vào năm 1998 với chiều dài 19 km. Con đường độc đạo có độ rộng 3,5 m, độ dốc toàn tuyến 12%.
Từ đó, Vườn quốc gia Bạch Mã chính thức làm du lịch. Vườn đã phục hồi một số biệt thự Pháp cổ để đón khách, đưa một số tuyến điểm thú vị như Vọng Hải Đài, thác Đỗ Quyên, Ngũ Hồ vào khai thác…
Con đường dẫn lên đỉnh Bạch Mã (Ảnh: Đại Dương) |
Năm 2007, con đường bị sạt lở một số điểm. Một dự án nâng cấp mở rộng đường có chiều dài 20 km, rộng 6 m được tiến hành; độ dốc được hạ xuống còn 10%. Con đường được gia cố bởi nhiều cống cắt ngang để nước mưa cường độ lớn hàng trăm mm từ dãy Bạch Mã được thoát xuống không làm hư hại đường. Việc thi công từ 2009 đến 2013 thì xong.
Cơn bão năm 2017 đã lại một lần nữa làm con đường độc đạo lên Bạch Mã bị sạt lở. Ban Giám đốc Vườn Quốc gia đã lập dự án duy tu. Đến 2020 thi công các kè bị sạt taluy âm, tuy nhiên do mưa lớn, bão nên bị sạt tiếp 3 điểm với chiều dài 50 m.
Ông Linh ngao ngán khi cho biết, với lượng mưa lớn cực đoan đến 977 mm trong 2 ngày từ 15/10 - 17/10 vừa qua đã làm sạt thêm một đoạn đường nằm giữa đỉnh Bạch Mã, gây chia cắt toàn bộ việc giao thông đi lại. Đây có thể coi là sự cố sạt lở lớn nhất trong lịch sử có con đường độc đạo.
"Tuyến đường tuần tra bảo vệ rừng Quốc lộ 1A lên đỉnh Bạch Mã đã bị sạt lở một số điểm, trong đó nghiêm trọng ở vị trí Km 12+900. Tuy chỉ một đoạn dài 55 m nhưng đã làm phá hủy hoàn toàn kết cấu kè ta luy âm, gây sạt hơn một nửa bề mặt đường bê tông, xói sâu hơn 1 m vào phần đường còn lại, dẫn đến chia cắt toàn bộ tuyến đường" - ông Linh chia sẻ.
Hiện tại, chỉ có các xe máy của kiểm lâm viên thuộc trạm kiểm lâm tuần tra bảo vệ đi theo đường này được; các phương án du lịch, tham quan đành phải dừng lại vì rất nguy hiểm. Sớm nhất là có thể ra Tết 2022, khi thời tiết thuận lợi, có thể người dân bản địa chuyên chở xe máy du khách qua điểm bị sạt lở nhưng điều này cũng khá mạo hiểm.
Do đây là sự cố bất khả kháng do thiên tai, nên việc khắc phục sửa chữa sự cố sạt lở nhằm đảm bảo ổn định và an toàn cho tuyến đường là vô cùng khẩn thiết. Vườn đã có báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư công trình xử lý khẩn cấp đường độc đạo lên Bạch Mã gửi Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn; Tổng cục Lâm nghiệp (đơn vị quản lý trực tiếp Vườn) và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.
Như Dân trí thông tin, vì ảnh hưởng của mưa lớn diện rộng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ ngày 15/10 đến 18/10, tại dãy núi Bạch Mã ghi nhận lượng mưa cực kỳ lớn đến 977 mm. Con đường độc đạo dẫn lên đỉnh Bạch Mã bị sạt lở nghiêm trọng taluy âm tại km12+900 (tuyến quốc lộ 1A - đỉnh Bạch Mã, cách văn phòng Vườn Quốc gia Bạch Mã khoảng 10 km, cách đỉnh Bạch Mã 6km) với chiều dài 55 m, sâu hơn 50 m; phá hủy hoàn toàn kết cấu kè, mặt đường.
Được biết, tại các điểm sạt lở taluy âm nói trên đã từng xảy ra do mưa bão cuối năm 2020 chưa được sửa chữa đến nay tiếp tục bị sạt lở.
Khu vực bị sạt lở trên, theo Giám đốc Vườn Quốc gia Bạch Mã, có thể xử lý được, nhưng khá phức tạp và tốn kém. Đáng tiếc nữa là từ đây cho đến cuối năm, thời điểm tỉnh Thừa Thiên Huế đang xúc tiến mở lại hoạt động đón khách tham quan các điểm du lịch. Vườn Quốc gia Bạch Mã là một trong những điểm "check in" hấp dẫn du khách lại chưa thể đón tiếp du khách vì tình trạng đường dẫn đến đây bị sạt lở nghiêm trọng như hiện nay.