Đây là năm thứ 3, chị Huệ (Hoàng Mai, Hà Nội) kinh doanh mứt handmade và bán trên mạng xã hội. Tất cả các khâu từ bổ dừa, xử lý cùi đến sên mứt, đóng gói đều do chính tay chị làm. Nhiều khách quen hỏi mua sớm, khách mới thì mua ăn thử, chọn loại ngon để Tết đặt, nên năm nay, chị làm hàng sớm.
Chị Huệ cho biết, giá mứt hiện tại cao hơn nhiều so với thời điểm cận tết năm ngoái, do đã qua mùa hè, các mối làm chè dừa ít, nên cùi non không khan hiếm. Trung bình, mỗi mẻ chị sên được 5-7kg mứt, hết lại làm tiếp. Cụ thể, giá bán lẻ bán 280.000 – 380.000 đồng/kg mới có lãi.
Mứt dừa có giá bán lên tới 380.000 đồng/kg |
Để lấy cùi làm mứt, mỗi ngày, chị Huệ bổ 300-500 quả, phải thuê thêm người làm cùng. Ngoài khách mua mứt, nhiều người còn lấy cùi về tự làm, càng sát Tết, cùi dừa càng chạy, khan hàng.
Người mua mứt handmade của chị Huệ chủ yếu là qua giới thiệu, khách quen, năm nào cũng đặt. “Khách ăn thử nhà mình, hầu hết sẽ đặt mua, gửi cho cả người thân ở nước ngoài. Giá không quá đắt, ăn lại ngon thì người xa quê quý lắm”, chị Huệ nói.
Vào vụ làm mứt, trung bình mỗi ngày bổ đến 500 quả dừa để phục vụ khách tại một cửa hàng bán mứt handmade |
3 năm làm mứt, thành phẩm của chị Huệ đã chu du qua Pháp, Mỹ, Nga, Thái Lan,… “Năm ngoái, qua một người bạn giới thiệu, khách đặt 10kg mứt mang đi châu Phi, nhưng gấp quá nên mình chỉ giao được 7kg”, chị nhớ lại.
Lo ngại chất lượng mứt trôi nổi trên thị trường, đồ nhà làm càng được ưa chuộng, hàng handmade trở thành lựa chọn thay thế của nhiều người. Không chất bảo quản, thủ công 100%, tuỳ điều kiện thời tiết và cách bảo quản, mứt handmade chỉ để được 7 - 10 ngày, cao nhất là 1 tháng nếu để tủ mát.
Một địa chỉ mứt Tết nhà làm khác được quảng cáo có điểm bán tại quận Cầu Giấy bán đến 19 loại mứt cùng với các loại trái cây sấy. Tuy nhiên, giá tất cả các loại bánh mứt bán tại đây cao hơn hẳn các địa chỉ khác cả trăm nghìn mỗi kg. Điển hình như mứt cà rốt, gừng dẻo đến 320.000 đồng/kg, mứt dừa, đu đủ hay mứt bí 290.000 - 380.000 đồng/kg.
Chị Hoa, giáo viên một trường tiểu học học tại quận Nam Từ Liêm, cho biết chị tranh thủ những lúc ở nhà để làm mứt bán cho người quen. Giá các loại mứt chị bán chỉ dao động từ 150.000-180.000 đồng/kg. Thời điểm này khách đặt hàng nhiều nhất là mứt dừa, mứt gừng. “Năm trước tôi chỉ làm ăn trong gia đình nhưng thấy mọi người khen ngon nên làm bán dịp Tết này. Do không dùng chất bảo quản nên tôi chỉ làm theo số lượng đơn đặt hàng, không làm sẵn, nhiều vì sợ không có nơi tiêu thụ mứt sẽ nhanh hư”, chị Hoa cho biết.
Ngoài hình thức bán lẻ từng loại mứt, nhiều trang còn rao bán hộp mứt có trọng lượng 1 kg, bao gồm 8-10 loại khác nhau với giá 200.000 đồng/hộp. Hộp mứt sẽ được gói theo yêu cầu khách hàng.
Dù bán khá chạy qua mạng xã hội, đáng chú ý, phần lớn các địa chỉ bán mứt nhà làm chỉ quảng cáo chung chung là sản phẩm handmade, không có thông tin ngày sản xuất cũng như hạn sử dụng, không hướng dẫn cách bảo quản cụ thể ra sao. Khách hàng chủ yếu dựa vào niềm tin, khẳng định của người bán hàng và quen biết chứ không thắc mắc gì về chất lượng. Giá cả các sản phẩm được quảng cáo nhà làm cũng rất hiếm khách mua hàng quan tâm.
Khảo sát tại các chợ trên địa bàn như: chợ Hôm, Đồng Xuân…thời điểm này tiểu thương đã nhập gần như đầy đủ các loại mứt Tết về bán.
Giá tại các chợ chênh lệch nhau không nhiều, dao động 170.000-180.000 đồng/kg với các loại quen thuộc như dừa, bí, khoai lang... nhưng giá này chỉ bằng một nửa so với giá mứt cùng loại tại một số nơi trên “chợ mạng”. Nhân viên một cửa hàng mứt tại chợ Đồng Xuân cho biết mứt dừa là loại được nhập nhiều nhất, và cũng được mua nhiều nhất qua các năm.
Tại các siêu thị, trên kệ mứt thời điểm này cũng đã có trên 10 loại được bày bán, như mứt me, mứt gừng, mứt dừa,… với giá trung bình khoảng 220.000 đồng/kg.