Tình trạng sạt lở bờ sông Đồng Nai đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai đang diễn ra ngày một phức tạp. Nhiều diện tích đất đai, hoa màu, tài sản của người dân sinh sống ven sông và các cù lao giữa sông đã bị nước cuốn trôi và tình trạng này vẫn tiếp tục đe dọa cuộc sống của bà con nơi đây.
Mảnh đất của cụ ông Lê Văn Chín đã bị "nuốt" hàng chục mét. |
Mảnh đất của cụ ông Lê Văn Chín đã bị "nuốt" hàng chục mét.
Nếu như trước đây, tình trạng sạt lở nghiêm trọng trên thượng nguồn sông Đồng Nai do khai thác cát ồ ạt đã được phóng viên VOV phản ánh; thì nay, phía hạ nguồn đoạn chảy qua huyện Vĩnh Cửu và TP Biên Hòa, thuộc tỉnh Đồng Nai, tình trạng sạt lở cũng đang diễn biến phức tạp.
Cù lao Phố bị đe dọa
Người dân xã cù lao Hiệp Hòa (tức Cù lao Phố, TP Biên Hòa) than thở, đất đai, tài sản của họ đang bị dòng nước “gặm” từng ngày mà không có cách nào khắc phục.
Cách chân cầu Ghềnh mới không xa là mảnh đất và ngôi nhà của cụ ông Lê Văn Chín, năm nay 84 tuổi, ở ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa. Chỉ cho phóng viên thấy những hàm ếch rộng do dòng nước khoét sâu vào đất, ông Chín cho biết trước đây ranh đất của gia đình ông kéo dài ra phía ngoài sông khoảng 30 mét và trồng nhiều cây trái. Nhưng bây giờ vườn cây ngày trước không còn dấu tích, chỉ còn là dòng nước mênh mông.
Chưa hết, nước sông đang tiếp tục lấn sâu vào. Những khối đất đá đổ xuống, những cọc cừ tràm, kể cả cọc bê tông được gia chủ đóng chặt xuống để giữ đất cũng không ngăn được sạt lở.
Ông Chín lo ngại chẳng bao lâu nữa căn nhà của gia đình ông khó mà giữ nổi: “Cũng làm đại khái, kè bỏ ra cả trăm triệu, năm bảy chục triệu mà đâu có giữ được. Giờ chỉ có Nhà nước làm thôi. Nguyên cái cù lao này lãnh đủ hết, có phải mình tôi đâu. Giờ nó lở riết vô đây thì ở đâu được”.
Nhà cụ ông Lê Văn Chín là một trong số hàng trăm hộ dân sinh sống ở cù lao Hiệp Hòa đang ngày ngày bị dòng nước “ăn dần” đất đai. Ông Trần Thế Hùng cũng ở cù lao Hiệp Hòa nhận xét, dòng sông có bên lở bên bồi, nhưng ngày trước tốc độ sạt lở chậm, vườn nhà ai trồng nhiều cây cối thì vẫn giữ được đất. Nhưng chỉ trong vòng vài năm trở lại đây, tốc độ sạt lở tăng nhanh đột biến, nhà nào có đất ven sông đều phải bỏ hàng trăm triệu đổ đất đá, đóng cọc, làm kè nhưng không xuể, chỉ vài tháng là đất lại mất hút, sụp đổ xuống lòng sông.
Sạt lở nghiêm trọng tại xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu. |
Ông Hùng nói: “Ngày xưa có lở nhưng lở ít thôi, lâu lâu mới thấy lở vô một khúc. Năm rồi tới năm nay đắp bờ kè tới nay là 3, 4 lần rồi đó. Dân ở đây bỏ tiền ra làm, sợ lở thì người ta đóng kè, đổ đất thêm nhưng cũng bị lở nữa. Hai năm nay nó lở dữ lắm”.
Chưa có giải pháp
Xác nhận tình trạng sạt lở diễn ra quanh cù lao, chính quyền xã Hiệp Hòa cho hay nếu so sánh với bản đồ địa chính năm 1993, thì hiện nay nhiều điểm trên cù lao đã bị ăn sâu vào từ 20 đến 30 mét, và hầu hết chu vi cù lao đều bị ảnh hưởng.
Dù sạt lở đang ngày một phức tạp, song đến nay vẫn chưa có một đánh giá đầy đủ hoặc một giải pháp căn cơ nào để ngăn sạt lở, giữ đất cù lao.
Ông Triệu Trung Tính, Bí thư Đảng ủy, Quyền chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa cho hay: “Vừa rồi tôi cũng có ý kiến đề nghị có đánh giá khách quan hơn về tình trạng sạt lở để có cơ sở cho các ngành có thẩm quyền của tỉnh, của thành phố cấp trên cho thực hiện một đề án hoặc một cái nghiên cứu khoa học đánh giá tổng thể về tình trạng sạt lở để đưa ra giải pháp căn cơ lâu dài”.
Từ cù lao Hiệp Hòa đi dọc sông Đồng Nai hướng lên thường nguồn thêm nhiều điểm sạt lở hai bên bờ. Mới có, cũ có, nhưng điểm chung là sạt lở để lại những “bức tường” đất thẳng đứng ven sông chứ không thoai thoải như thông thường.
Cách đây không lâu, bờ kè tiền tỷ phía sau chợ xã Tân Hạnh (TP Biên Hòa) cũng đã trôi xuống sông mà đến nay vẫn chưa được khắc phục.
Mới nhất và có lẽ cũng nghiêm trọng nhất là vụ sạt lở đoạn sông qua xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu). Những vườn chuối đã trôi xuống sông, những ngôi nhà chỉ còn một nửa “dính” vào bờ đất.
Theo thống kê sơ bộ của chính quyển xã Bình Lợi, sạt lở kéo dài hàng trăm mét, sâu hàng chục mét đã “nuốt chửng” khoảng 1.500 m2 đất ven sông. Chính quyền địa phương cho rằng, nạn khai thác cát lậu là nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở nghiêm trọng như hiện nay.
Ông Lê Hoàng Long, Phó chủ tịch UBND xã Bình Lợi đề xuất: “Cũng đề nghị các ngành chức năng thành lập chuyên án, chỉ đạo lực lượng xử lý triệt để, để không còn tình trạng bơm hút cát trái phép trên địa bàn. Từ đó mới ổn định được đời sống của bà con, an tâm sản xuất, phát triển kinh tế gia đình”.
Đáng nói là từ năm ngoái đến nay, sau khi VOV cùng nhiều cơ quan báo chí phản ánh tình trạng khai thác cát quá mức và cả nạn bơm hút cát trái phép thì chính quyền tỉnh Đồng Nai đã dừng toàn bộ các dự án khai thác và nạo vét, kết hợp tận thu cát trên sông Đồng Nai. Và dù lực lượng chức năng thường xuyên tổ chức truy quét cát lậu, nhưng “cát tặc” vẫn lộng hành. Đây được cho là một trong những nguyên nhân chính khiến việc sạt lở bờ sông tiếp tục diễn ra và ngày càng nghiêm trọng.