Đo nhiệt độ học sinh khi đến lớp và về
Phát biểu mở đầu cuộc họp của Thường trực Chính phủ về tình hình dịch bệnh chiều 24/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, vơi tinh thần chủ động, đồng bộ, chúng ta đã ngăn chặn hiệu quả dịch. Đến nay, Việt Nam đã có 16 ca dương tính thì đã chữa trị, ra viện 15 người, còn 1 người có khả năng sẽ sớm lành bệnh. “Chúng ta đã thưc hiện tinh thần chống dịch Covid 19 như chống giặc, những giải pháp cách ly đối với các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm hiệu quả”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng biểu dương Ban Chỉ đạo chống dịch cũng như các cơ quan chức năng, bộ ngành. Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý dịch đang diễn biến phức tạp ở các nước có quan hệ sâu với Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc. Cho nên tinh thần là không để lây lan dịch bệnh ở Việt Nam.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, nếu để học sinh đi học trở lại, thì Hà Nội đã có chỉ đạo các trường, lớp phải đo nhiệt kế cho các cháu trước khi đến lớp và khi ra về. Đồng thời rửa tay, sát khuẩn trước khi đến lớp và ra về.
Bên cạnh đó các trường lớp cũng tăng cường vệ sinh, khử khuẩn… Các trường cũng không tổ chức chào cở đầu tuần ở sân mà tổ chức ở trong lớp; bố trí giờ giải lao giữa các lớp lệch nhau. Không bắt buộc đeo khẩu trang khi đến lớp học.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý đến giờ chưa thể chốt việc học mà phải đến thứ 5, thứ 6 cuối tuần mới chốt được vì còn diễn biến theo tình hình của dịch bệnh để bảo đảm an toàn.
Tiểu học, mầm non có thể nghỉ thêm 2 tuần nữa
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng lưu ý, việc cho học sinh, sinh viên đi học trở lại cần căn cứ vào các lý do sau đây:
Thứ nhất: Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, trong 11 ngày qua không có ca nhiễm mới và 15/16 trường hợp nhiễm bệnh Covid 19 đã khỏi. Theo quy định, tỉnh Thanh Hóa đã công bố hết dịch và tỉnh Khánh Hòa chuẩn bị công bố hết dịch.
Thứ hai: Việc tiếp tục cho học sinh nghỉ học sẽ làm phát sinh những ảnh hưởng đến gia đình, nhà trường, xã hội. Ngoài ra, đối với học sinh từ cấp II trở lên có thể không được kiểm soát và ra ngoài tiếp xúc với nguồn dịch bệnh.
Thứ ba: Theo kinh nghiệm nước ngoài, các nước có dịch vẫn cho học sinh đi học như Nhật Bản, Malaysia, Singapore.
Thứ tư, việc tiếp tục cho học sinh cả nước nghỉ học sẽ gây nghi ngờ về tuyên bố của Việt Nam đã kiểm soát dịch bệnh, ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế, xã hội của nước ta, nhất là đối với dịch vụ du lịch.
Thứ năm: việc cho học sinh, sinh viên đi học trở lại cần căn cứ theo lứa tuổi và bậc học. Cụ thể, đối với học sinh từ bậc trung học phổ thông trở lên có thể đi học từ ngày 2/3 vì độ tuổi này có sức đề kháng tốt và ý thức tự bảo vệ bản thân tốt hơn. Như thế cũng bảo đảm thời gian thi chuyển cấp, tuyển sinh và đại học và đi du học nước ngoài.
Đối với học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở do chưa có ý thức tự bảo vệ bản thân sĩ số lớp học đông có thể chưa phải đi học ngay mà có thể nghỉ thêm một, hai tuần tùy theo diễn biến của dịch Sars-Cov-2.
Về thẩm quyền quyết định, VPCP nêu rõ, việc cho nghỉ học đồng loạt trên cả nước thuộc thẩm quyền của Bộ GD&ĐT. Vì thế, VPCP kiến nghị, Bộ GD&ĐT theo thẩm quyền quyết định cho học sinh, sinh viên đi học trở lại trong toàn quốc từ 2/3.
Đối với học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, Bộ GD&ĐT có thể xem xét quyết định cho nghỉ thêm hai tuần, sau đó bộ quyết định cụ thể thời điểm đi học tùy theo diễn biến của dịch.
Bộ LĐ, TB&XH theo thẩm quyền quyết dịnh cho học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đi học trở lại trong toàn quốc từ 2/3.