Siêu bão Thần Sấm đang tấn công, Quảng Ninh căng mình ứng phó
(Kiến Thức) - Tại Quảng Ninh, hiện nhiều nơi đo được sức gió mạnh cấp 9, giật cấp 10 như đảo Bạch Long Vĩ, đảo Cô Tô, Móng Cái, Cửa Ông...
Theo thông tin từ Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện bão Thần Sấm đang ảnh hưởng tới tỉnh Quảng Ninh, tại đảo Bạch Long Vĩ đã đo được gió giật cấp 9; đảo Cô Tô và Móng Cái (Quảng Ninh) có gió giật mạnh cấp 10; Quảng Hà, Tiên Yên (Quảng Ninh) có gió giật cấp 8 - 9; Mẫu Sơn (Lạng Sơn) có gió giật cấp 9; TP. Lạng Sơn có gió giật cấp 6, … Khu vực Đông Bắc Bắc Bộ đã có mưa to như Cô Tô: 32mm; Móng Cái: 43mm; Cửa Ông: 20mm;…
Sáng nay (19/7), bão Thần Sấm đã đi vào khu vực biên giới Việt Trung. Hồi 7h, vị trí tâm bão số 2 ở vào khoảng 21,8 độ Vĩ Bắc; 108,2 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (tức là từ 89 đến 117 km một giờ), giật cấp 12-13.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, dọc theo vùng núi Bắc Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực vùng núi phía Bắc. Đến 07 giờ ngày 20/7, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 23,0 độ Vĩ Bắc; 104,0 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ ngày hôm nay có gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9. Biển động mạnh. Ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh sáng nay có gió mạnh cấp 7 - 8, giật cấp 10 – 11. Các nơi khác ở Quảng Ninh và các tỉnh Hải Phòng, Bắc Giang, Lạng Sơn có gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9. Các nơi khác ở đồng bằng và Đông Bắc Bắc Bộ có gió giật cấp 6. Ở các tỉnh Bắc Bộ có mưa to đến rất to. Vùng núi Bắc Bộ có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất trên diện rộng.
|
Đường đi và vị trí cơn bão. |
Quảng Ninh: Công tác ứng phó đã hoàn tất
Ngay trong tối ngày 18/7, mọi công tác ứng phó với cơn bão số 2 đã được tỉnh Quảng Ninh khẩn trương hoàn tất để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, giảm thiểu tối đa thiệt hại do siêu bão có thể gây ra…
|
Nhà dân được gia cố để chống bão. Ảnh: Hải Ninh. |
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Đọc cho biết, để sẵn sàng ứng phó với cơn bão sẽ đổ bộ vào tỉnh Quảng Ninh, tỉnh đã có công điện yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện di dân khẩn cấp ngay trong đêm ngày 18/7. Theo đó, yêu cầu phải di chuyển ngay các hộ gia đình đang sinh sống ở nhà yếu (gồm nhà tạm, nhà cấp 4, nhà tranh tre nứa lá, nhà lợp mái tôn,….) sang các hộ gia đình có nhà ở kiên cố. Tổ chức di dời ngay đến nơi an toàn đối với toàn bộ học sinh, sinh viên, công nhân, người lao động đang ở tại các khu nhà trọ không đảm bảo an toàn. Kiên quyết di dời ngay người dân đang ở trên các chòi canh vùng nuôi trồng thủy sản, nhà bè, nhà hàng trên biển; người dân ở những vùng có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở đất, ngập úng,…đến nơi an toàn.
Đến trước thời điểm bão số 2 vào Quảng Ninh, toàn bộ số tàu thuyền đánh cá, tàu thuyền du lịch, tàu vận tải trên Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long đã về neo đậu tại các điểm tránh trú bão an toàn. Cụ thể: 229 tàu cá tuyến khơi, 8.471 tàu thuyền đáng cá công suất nhỏ, 464 tàu thuyền du lịch, các tàu thuyền vận tải; 7.605 ô lồng bè nuôi trồng thuỷ sản đã được chằng chồng và neo đậu chắc chắn. Đồng thời, tổ chức đưa 1.360 khách du lịch tại huyện Cô Tô và đảo Quan Lạn, đảo Minh Châu huyện Vân Đồn về đất liền an toàn; tổ chức di chuyển toàn bộ người già, phụ nữ và trẻ em (2.230 người) trên hơn 7.605 lồng bè nuôi trồng thủy và các nhà bè dịch vụ trên Vịnh Hạ Long về nơi trú ẩn an toàn. Tại TP Hạ Long đã đưa 355/355 hộ với trên 1.115 người lên khu tái định cư tại phường Hà Phong lên bờ.
Bên cạnh đó, 97 hộ dân với 281 người ở những điểm có nguy cơ sạt lở, lũ quét đến nơi an toàn. Các khu vực vùng trũng, thấp và các hồ đập thuỷ lợi đã được chủ động tháo nước đệm, có kế hoạch khoanh vùng các diện tích bị ngập nặng để hạn chế ảnh hưởng của bão và mưa to gây ra; các khu vực có nguy cơ sạt lở và lũ quét đã được kiểm tra và sẵn sàng phương án sơ tán dân kịp thời khi có sự cố. Các tuyến đê trọng yếu cơ bản được gia cố, không có công trình đê điều nào đang xây dựng ở phía biển. Các đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn thường trực 100% quân số để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.
Ghi nhận của PV Kiến Thức ngày 18/7 tại TP Móng Cái (Quảng Ninh), hơn 100 lồng bè nuôi trồng thủy sản đã được di dời và được chằng chống lại với nhau an toàn. Những tuyến đò hoạt động trên các con sông trên địa bàn đã bị cấm hoạt động. Hơn 1200 tàu thuyền trên biển đã được đưa về neo đậu an toàn. Ngay trong tối ngày 18/7, người dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cũng đã được di dời. Mọi công tác ứng phó với cơn bão số 2 đã cơ bản được hoàn tất để đảm bảo tính mạng an toàn cho người dân, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của người dân ở mức thấp nhất.