SHB là một trong số ít ngân hàng đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán sớm nhất. Cổ phiếu SHB lên sàn chứng khoán vào 20/4/2009 chỉ sau STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).
Ngân hàng SHB đưa cổ phiếu chào sàn HNX cuối tháng 4/2009. Những ngày đầu, giá cổ phiếu này đã có sự tăng trưởng mạnh kéo dài gần 2 tháng, đạt mức cao nhất là 40.500 đồng/cp ngày 15/6/2009, tăng 166,47% so với giá đóng cửa ngày đầu tiên là 15.200 đồng/cp.
Tuy nhiên, diễn biến sau đó là một chuỗi ngày “lao dốc không phanh”. Cổ phiếu SHB liên tục giảm cho tới tận cuối năm 2011. Mức giảm từ đỉnh lên đến hơn 80%, hay nói hình tượng hơn, tài khoản của nhà đầu tư mua từ đỉnh đã bị chia 5.
Thị giá SHB sau đó dù hồi phục nhưng cũng biến động trồi sụt, đa phần dưới giá chào sàn cách đây 10 năm. Phải đến tháng 3/2017, cổ phiếu này mới chứng kiến một đợt bật rất mạnh, tăng gấp 3 lần sau hơn một năm trước khi quay lại xu hướng giảm.
Và để kỷ niệm cho hành trình 10 năm gia nhập chứng khoán, cổ phiếu SHB nhận cú đắng chính là cổ phiếu có giá trị dưới mệnh giá và thấp nhấp trong số 18 cổ phiếu ngân hàng niêm yết trên HoSE, HNX và giao dịch trên UPCoM tính đến cuối năm 2019.
SHB được biết đến là ngân hàng của Chủ tịch Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) khi chính vị này nắm trực tiếp 2,74% vốn. Ngoài ra, 3 đơn vị khác do ông Hiển là Chủ tịch cũng đang sở hữu cổ phiếu SHB là Tập đoàn T&T nắm gần 10%, Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) 1,5% và Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội 0,68%.
Tuy nhiên, tháng 7/2019, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội đã thoái vốn khỏi SHB.
Bên cạnh đó, Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) thông báo đã bán xong 1,2 triệu cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội trong ngày 12/3 năm nay theo đó giảm sở hữu về còn 25,9 triệu đơn vị, tương đương 1,48% vốn.
Cổ phiếu SHB bùng nổ game và tăng nóng trong 2 năm gần đây. |
Trong ngày giao dịch 12/3, giá cổ phiếu này đạt 17.700 đồng/cp, ước tính với mức giá này, SHS đã thu về hơn 21 tỷ đồng sau khi hoàn tất giao dịch.
Câu chuyện cổ phiếu nằm dưới mệnh giá quá lâu cũng khiến không ít cổ đông của SHB bức xúc và chất vấn bầu Hiển tại nhiều kỳ Đại hội cổ đông. Đáp lại, vị Chủ tịch này cho rằng, giá trị cổ phiếu sẽ tăng theo đúng với kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Cổ phiếu nổi sóng nhờ… game
Bước sang cột mốc mới, bắt đầu từ năm 2020 trở đi, cổ phiếu SHB được kích hoạch “game” và tạo ra nhiều con sóng lớn và dấu ấn riêng, để lại nhiều cảm xúc thú vị cho nhà đầu tư.
Dấu ấn ban đầu là thời gian cuối tháng 2 đến đầu tháng 3 năm 2020, khi ấy SHB đang trong giai đoạn phát hành cổ phiếu, gồm cổ phiếu để trả cổ tức và cổ phiếu mới với giá 10.000 đồng/cp.
Chỉ trong 5 phiên giao dịch, giá cổ phiếu SHB tăng từ 7.300 đồng/cp lên 10.500 đồng/cp, tức tăng hơn 40%, trong đó có 4 phiên tăng trần (từ 26/2-2/3/2020). Và cổ phiếu này bắt đầu đạt đỉnh quanh 18.000 đồng/cp chỉ sau khoảng một tháng (tháng 4/2020).
Ở đợt sóng thứ 2, nhờ việc SHB công bố chỉ tiêu lợi nhuận năm 2021 dự kiến tăng trưởng tới 70% so với năm 2020. Thứ hai, dự kiến chi trả cổ tức bằng cổ phiếu cho hai năm 2019 và 2020 với tỷ lệ 20,5%.
Bên cạnh đó là ngày 10/3 năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã có Quyết định sửa đổi nội dung về vốn điều lệ tại Giấy phép thành lập và hoạt động của SHB. Theo đó, Thống đốc đã chính thức chấp thuận sửa đổi với nội dung liên quan, ghi nhận mức vốn điều lệ hơn 17.510 tỷ đồng.
Từ đó trở đi, cổ phiếu SHB tạo ra nhiều con sóng lớn khi cổ phiếu được kéo giá tăng mạnh (có thể lên giá trần) vì một lệnh giao dịch khủng chỉ trong vài phút ngắn ngủi.
Có thể liệt kế, vào 14h29 của phiên giao dịch 1/4, khoảng 10 triệu lệnh khủng với mức giá 27.700 đồng và 27.800 đồng được bơm vào cổ phiếu SHB.
Ngay lập tức kéo thị giá cổ phiếu này từ mức 25.000 đồng lên vèo 27.800 đồng, tương ứng với mức tăng đến 7,4% so với mốc tham chiếu.
Về cuối phiên 1/4, cổ phiếu SHB tuy không tăng trần nhưng cũng có mức tăng khá ấn tượng 5,1% lên 27.000 đồng/cp, khối lượng giao dịch gần 30 triệu đơn vị.
Vào phiên 31/3, cổ phiếu SHB cũng gây sự chú ý với các nhà đầu tư với diễn biến tăng giá đột biến. "Hiện tượng" một lệnh lớn cổ phiếu khớp với giá trần vào cuối phiên sáng cũng đã xảy ra trong các ngày 26/3 và 29/3, kéo thị giá cổ phiếu tăng cao.
Còn tính đến thị giá gần nhất kết phiên 10/6, cổ phiếu SHB bị kéo giảm về 29.500 đồng/cp, tương ứng giảm 10% từ vùng giá đỉnh 32.500 đồng/cp được xác lập vào ngày 4/6.
Trước tình trạng tăng nóng của SHB trong 2 năm, nhiều công ty chứng khoán đã khuyến nghị nhà đầu tư hết sức thận trọng khi lựa chọn nhấn nút mua cổ phiếu này.
Bầu Hiển - linh hồn của SHB. |
SSI nhiều lần nhắc nhở nhà đầu tư hết sức thận trọng khi đầu tư vào SHB
Trong báo cáo gần nhất, SSI Research lại điều chỉnh PB mục tiêu lên 1,6x từ mức 1,4x và sử dụng BVPS trung bình 2021 và 2022, giá mục tiêu 1 năm là 25.050 đồng/cp, giảm 19% so với giá hiện tại, do đó hạ khuyến nghị từ TRUNG LẬP còn KÉM KHẢ QUAN đối với SHB.
Yếu tố tác động tăng đến khuyến nghị: Thu nhập bất thường từ thoái vốn SHB Finance, SHB Lào và SHB Campuchia; thời gian phát hành cổ phiếu sớm hơn ước tính. Yếu tố tác động giảm đến khuyến nghị: Nợ xấu và nợ tái cơ cấu cao hơn ước tính, lãi suất huy động tăng sớm hơn ước tính.
Hay trong báo cáo hồi tháng 6/2020, SSI Research nhận định cổ phiếu SHB đã ghi nhận một đợt tăng giá đáng kinh ngạc trong 3 tháng gần đây. Ở mức giá hiện tại, tỷ lệ P/B là 1,12x tính trên BVPS 2020KH (14.135 đồng/cp) và 1,2x tính trên BVPS ước tính tại 31/5/2020 (13.239 đồng/cp) – cao hơn P/B của các NHTM có chất lượng tài sản tốt hơn như MBB, TCB, VIB.
Do đó, SSI ước tính, tổng (nợ xấu nội bảng + trái phiếu VAMC + tài sản có nghi ngờ) của SHB tại cuối 2019 là 17,8 nghìn tỷ đồng, vẫn tăng 7% so với cuối 2018 và chiếm gần 4,9% tổng tài sản.
Lợi nhuận kế hoạch 2020 của SHB phụ thuộc nhiều vào kế hoạch thu hồi nợ xấu vốn dĩ sẽ kém thuận lợi hơn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Mặc dù các giao dịch thoái vốn SHB FC, chuyển sàn có thể tác động tăng giá cổ phiếu nhưng mức giá hiện tại đã vượt quá giá trị thực và SSI khuyến nghị nhà đầu tư cần hết sức thận trọng khi đầu tư vào cổ phiếu SHB.
Vào cuối tháng 5, hứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) có hẳn báo cáo riêng với trọng tâm định giá triển vọng cổ phiếu của 15 ngân hàng thương mại.
Danh sách các mã cổ phiếu ngân hàng mà BSC định giá, duy nhất SHB được dự báo có triển vọng giá mục tiêu khiêm tốn nhất, tầm tăng thêm khoảng 10,5% và đạt 32.500 đồng/cp cho năm nay. BSC nhận định SHB cũng là một trong số các mã ngân hàng có dấu hiệu hụt hơi trong đợt sóng VN-Index vượt mốc 1.300 điểm cho đến nay.
Liệu rằng với những lời cảnh báo từ các công ty chứng khoán, cổ phiếu SHB vẫn sẽ tăng trưởng trong tương lai hay điều chỉnh về một mức giá hợp lý?