Shangri-La 2014 – diễn đàn của những cái đầu “nóng”
Trước khi Shangri-La - diễn đàn uy tín của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, diễn ra, Trung Quốc “khuấy động” Biển Đông bằng một loạt hành động hung hăng. Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng thềm lục địa của Việt Nam vào đầu tháng 5/2014. Sau đó, các tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu cảnh sát biển Việt Nam và đâm chìm tàu cá và thậm chí còn chĩa súng vào tàu Việt Nam tại khu vực này. Mặc dù bị Việt Nam và cộng đồng quốc tế lên án, Bắc Kinh vẫn ngang nhiên đổ lỗi cho Việt Nam về vụ việc.
Trung Quốc cử nhiều tàu ngăn cản tàu chấp pháp của Việt Nam thực thi nhiệm vụ tại khu vực hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981. |
Trong khi đó ngày 24/5 tại vùng biển Hoa Đông, máy bay quân sự Trung Quốc áp sát máy bay trinh thám Nhật Bản ở cái mà Bắc Kinh tự tuyên bố là “vùng phòng không xác định”. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho hay, các máy bay chiến đấu SU-27 của Trung Quốc, được trang bị tên lửa, đã bay tiến sát 2 máy bay quân sự Nhật Bản.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cảnh báo đây là hành động “nguy hiểm” và máy bay Trung Quốc đã “đi quá giới hạn” khi tiếp cận máy bay Nhật Bản ở cự li quá gần.
Đáp lại, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho rằng máy bay Nhật Bản đã xâm phạm “Vùng phòng không xác định” và yêu cầu phía Nhật Bản không cản trở máy bay Trung Quốc đang tham gia tập trận chung với Nga trên biển Hoa Đông.
“Nhật Bản cần tôn trọng những quyền lợi hợp pháp của Hải quân Trung Quốc và Hải quân Nga và dừng các hoạt động do thám và can thiệp. Nếu không, Nhật Bản sẽ gánh chịu bất kỳ và toàn bộ hậu quả của hành động này”, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cảnh báo.
Với một loạt sự kiện nói trên, có vẻ các đoàn đại biểu đã đến tham dự Shangri-La với “những cái đầu nóng”.
Phát biểu tại Shangri-La ngày 30/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định nước này sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc thúc đẩy hòa bình ở châu Á và kêu gọi các quốc gia khu vực ứng xử dựa theo luật pháp và thông lệ quốc tế.
Đề cập tới các cuộc đối đầu trên không giữa Nhật Bản và Trung Quốc tại biển Hoa Đông, ông Abe tuyên bố: “Chúng tôi không hoan nghênh các cuộc đối đầu máy bay chiến đấu và tàu hải quân ở khu vực này”.
Về vấn đề “luật biển”, ông Abe nhắc tới 3 nguyên tắc cơ bản: “Đưa ra tuyên bố chủ quyền dựa theo luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực hay cưỡng chế và giải quyết tất cả tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình.
“Tôi đề nghị tất cả các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương tuân thủ triệt để các nguyên tắc này. Những hành động nhằm thay đổi hiện trạng bằng cách tạo ra sự đã rồi sẽ bị lên án mạnh mẽ vì đó là những hành động đi ngược lại tinh thần của các nguyên tắc trên”, ông Abe phát biểu.
Mặc dù không đề cập cụ thể tới quốc gia nào, có thể thấy rõ rằng ông Abe đang nói tới Trung Quốc, quốc gia đang đưa tàu và máy bay quân sự tới Biển Đông và Hoa Đông “gây sự” với Nhật Bản và Việt Nam.
Ông Abe cũng tuyên bố sẽ giúp đỡ các quốc gia Đông Nam Á “bảo vệ an ninh vùng trời và vùng biển”, qua đó cho thấy Nhật Bản có kế hoạch trở thành đối trọng của Trung Quốc ở châu Á – Thái Bình Dương.
Mỹ, quốc gia đồng minh của Nhật Bản, cử Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tới Shangri-La và tại đây ông Hagel đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc vì “những hành động đơn phương và gây bất ổn” tại các vùng biển trong khu vực.
“Chúng tôi không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp chủ quyền. Tuy nhiên, chúng tôi cực lực phản đối bất kỳ quốc gia nào có những hành động có tính chất dọa nạt, cưỡng chế hay đe dọa dùng vũ lực để khẳng định chủ quyền của mình”, ông Hagel phát biểu.
Trong khi đó, phái đoàn Trung Quốc tới Shangri-La bao gồm Phó tổng Tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, Trung tướng Vương Quán Trung và một trong những nhà ngoại giao “mạnh miệng” nhất của nước này, bà Phó Oánh. Theo ông Hồng Lỗi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tham dự diễn đàn lần này, Bắc Kinh muốn “làm rõ lập trường của Trung Quốc về an ninh châu Á”.
Vậy tham vọng về an ninh của Trung Quốc đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương là thế nào?
Dã tâm của Trung Quốc
Hồi đầu tháng này, phát biểu tại Hội thảo về các biện pháp hợp tác và xây dựng niềm tin ở châu Á (CICA), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi hình thành “một cấu trúc hợp tác an ninh mới cho khu vực”.
Ông Tập cũng đề xuất CICA trở thành “một diễn đàn an ninh và hợp tác” cho tất cả các quốc gia châu Á và Trung Quốc sẽ đóng vai trò tiên phong trong việc xây dựng “một bộ qui tắc ứng xử cho chương trình hợp tác an ninh châu Á và khu vực”.
Rõ ràng Trung Quốc và Nhật Bản đang tìm cách lôi kéo các quốc gia láng giềng trong khu vực để khẳng định vị thế trung tâm của mình. Nói cách khác, Nhật Bản và Trung Quốc giống như hai con hổ tranh giành nhau vị thế “chúa sơn lâm” trong “khu rừng” châu Á – Thái Bình Dương.
Trung Quốc tăng cường sức mạnh hải quân để đạt tham vọng bá quyền. |
Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu William Choong của diễn đàn Shangri-La cho rằng, Trung Quốc sẽ không dừng các hoạt động hung hăng để đạt được những tham vọng về chủ quyền của nước này.
“Chúng ta có thể nhận thấy Trung Quốc khăng khăng cho rằng, nước này có chủ quyền hợp pháp đối với Biển Đông và Hoa Đông. Người Trung Quốc không ngừng cho thế giới thấy họ sẽ bảo vệ các quyền lợi đó, mà không cần dựa theo luật pháp quốc tế”, ông Choong nói.
“Việc ông Tập Cận Bình nói về “giấc mơ Trung Hoa” bắt nguồn từ mong muốn khôi phục vị thế và danh dự của Trung Quốc. Chủ tịch Tập cho rằng Trung Quốc sẽ hành động vì hòa bình và hợp tác với các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không lùi bước trước căng thẳng hay xung đột. Thông điệp của Trung Quốc là nước này cần phải được công nhận là một cường quốc và có quyền bảo vệ cái mà nước này coi là chủ quyền lãnh thổ”, chuyên gia Choong bình luận tiếp.
Cuối cùng, các chuyên gia cho rằng Trung Quốc mong muốn sẽ “hất cẳng” Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Theo ông Hugh White, cựu quan chức quốc phòng của Australia, đồng thời là giáo sư về chiến lược, mục tiêu của Trung Quốc là gửi thông điệp tới Washington rằng nếu Mỹ tiếp tục các mối quan hệ đồng minh ở châu Á, xung đột Mỹ - Trung có thể sẽ xảy ra.
Nhận xét về những hành động của Bắc Kinh trên Biển Đông và Hoa Đông gần đây, ông White cho rằng: “Trung Quốc chủ ý hành động như vậy để thể hiện rằng, Mỹ khó có thể duy trì mối quan hệ bền vững với Trung Quốc cũng như quan hệ đồng minh với một số quốc gia trong khu vực. Quan hệ đồng minh là một yếu tố giúp Mỹ duy trì vị thế lãnh đạo ở châu Á”.
Theo chuyên gia này, Trung Quốc tính toán rằng Mỹ đang mệt mỏi vì các cuộc chiến tranh ở nước ngoài và đang tập trung vào các vấn đề đối nội, sẽ rút lui và từ bỏ tầm ảnh hưởng của mình ở châu Á và khi đó vị thế của Trung Quốc ở châu lục này sẽ tăng lên.