Seaprodex bị phong tỏa 206 tỷ liên quan vụ Vũ Nhôm và đất vàng Đồng Khởi

(Vietnamdaily) - Seaprodex bị phong tỏa tài khoản tổng số tiền 206 tỷ đồng để thi hành án liên quan vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm) cùng khu đất vàng 2-4-6 Đồng Khởi.

Ngày 11/5, Tổng Công ty Thuỷ sản Việt Nam (Seaprodex, UPCoM: SEA) nhận được văn bản của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, EIB) về việc phong toả các tài khoản tiền gửi tiết kiệm theo yêu cầu của Tổng cục Thi hành án dân sự - Cục Thi hành án Dân sự TP Hà Nội về việc phong toả tài khoản, tài sản với tổng số tiền hơn 267 tỷ đồng.

Theo đó, các tài khoản của SEA bị ngân hàng phong toả vào ngày 10/5 với tổng số tiền là 206 tỷ đồng (do đã có 3 tài khoản tiền gửi đã tất toán).

Trước đó, tại quyết định thi hành án chủ động của Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội quyết định cho thi hành án đối với ông Phan Văn Anh Vũ, CTCP Xây dựng Bắc Nam, CTCP Đầu tư và Phát triển Chấn Phong, Tổng Công ty Thuỷ sản Việt Nam và Công ty TNHH I.V.C.

Trong đó, các khoản phải thi hành đối với SEA là buộc nộp số tiền 250 tỷ đồng tiền gốc và 18,4 tỷ đồng tiền lãi  vay của CTCP Xây dựng Bắc Nam 79 cho Cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền để đảm bảo cho việc thi hành hành đối với nghĩa vụ của pháp nhân, trách nhiệm dân sự của ông Phan Văn Anh Vũ trong vụ án này và các giao dịch khác có liên quan. 

Seaprodex bi phong toa 206 ty lien quan vu Vu Nhom va dat vang Dong Khoi
 

Tại thời điểm 31/3/2023, tổng tài sản của SEA tăng nhẹ 2% lên 2.740 tỷ đồng. Trong đó tiền mặt chỉ gần 46 tỷ đồng nhưng tiền gửi ngân hàng lên tới 639 tỷ đồng. SEA đang đầu tư 676 tỷ đồng vào liên doanh liên kết, trong đó chiếm lớn nhất là CTCP Việt Pháp Sản xuất thức ăn gia súc Proconco (547 tỷ đồng). 

Trong cơ cấu nợ vay tài chính 359 tỷ đồng, SEA đang vay Xây dựng Bắc Nam 79 số tiền gần 249 tỷ đồng để nộp tiền sử dụng đất của khu đất số 2-4-6 Đồng Khởi, phường Bến Nghé, Quận 1, TPHCM với lãi suất 7%/năm. SEA đã dùng 22 triệu cổ phiếu đang sở hữu tại Proconco để đảm bảo cho khoản vay tại CTCP Xây dựng Bắc Nam 79. 

Liên quan đến khoản vay này, năm 2019, Toà án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã ra quyết định buộc SEA nộp số tiền 250 tỷ đồng gốc và 18,4 tỷ tiền lãi đã vay của Xây dựng Bắc Nam 79 cho cơ quan thi hành án.

Đến tháng 2/2020, Cục thi hành án dân sự TP Hà Nội quyết định khấu từ tiền trong tài khoản của SEA để thi hành án số tiền 3,7 tỷ đồng và 182 USD từ tài khoản Vietcombank. Theo đó, Vietcombank đã trích hơn 1 tỷ cùng 182 USD từ tài khoản của SEA để chuyển vào tài khoản Cục thi hành án.

Sau đó, SEA đã thông báo cho Xây dựng Bắc Nam 79 trừ vào nợ gốc khoản vay theo quyết định nhưng Xây dựng Bắc Nam 79 không đồng ý. Ngày 1/3/2023, Xây dựng Bắc Nam đã gửi đơn kiến nghị khẩn cấp tới các cơ quan chức năng về việc huỷ bỏ quyết định buộc SEA nộp số tiền gốc, lãi đã vay.

Về kế hoạch kinh doanh, năm 2023, SEA đặt mục tiêu tổng doanh thu giảm 23% về còn 167 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế cũng giảm 26% về mức 79 tỷ đồng. 

Doanh thu quý 1 đạt 170 tỷ, giảm 42% so cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm 17% về mức 45 tỷ đồng.  

Seaprodex Sài Gòn lên tiếng về quyết định cho mở thủ tục phá sản

(Vietnamdaily) - CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Sài Gòn (Seaprodex Sài Gòn, SSN) vừa có văn bản giải trình với Uỷ ban Chứng khoán và các nhà đầu tư, cổ đông về quyết định mở thủ tục phá sản.

Theo đó, ngày 27/4/2022 Tòa án nhân dân TP HCM đã quyết định mở thủ tục phá sản đối với Seaprodex Sài Gòn. Nội dung quyết định ghi rõ, căn cứ vào hồ sơ thụ lý vụ án ngày 13/1/2022 về việc "yêu cầu mở thủ tục phá sản" theo đề đơn yêu cầu của Công ty TNHH Thương mại và đầu tư Fortuna đối với Seaprodex.

Quyết định dựa trên bản án sơ thẩm của Toà án nhân dân Quận 1 hồi giữa năm 2021, chấp nhận các yêu cầu của nguyên đơn là Công ty Fortuna (trước là Công ty Thiên Phú), tuyên buộc Seaprodex Sài Gòn phải trả ngay cho Fotuna tổng số tiền là hơn 100,3 tỷ đồng bao gồm 52,9 tỷ đồng gốc và tiền lãi chậm trả khoảng 47,2 tỷ đồng.

Seaprodex Sai Gon len tieng ve quyet dinh cho mo thu tuc pha san
 

Tuy nhiên, Seaprodex Sài Gòn khẳng định không có hợp đồng mua bán nào giữa công ty và Fortuna, và cho biết hợp đồng kinh tế với Fortuna thời điểm năm 2011 để mua bán hơn 1.008 tấn cà phê với giá 52,9 tỷ đồng là hợp đồng giả tạo, được bà Trần Thị Mai H- Giám đốc của Công ty Thiên Phú dàn dựng lập hợp đồng khống với ông D, nguyên Tổng giám đốc của Seaprodex Sài Gòn với hồ sơ giao nhận hàng lập cùng ngày, hoá đơn giá trị gia tăng lập cùng ngày, không có chữ ký bên mua, đóng dấu "bán hàng qua điện thoại) và phiếu nhập hàng có nhiều dấu hiệu giả mạo để công ty Fortuna trình cho toà án. Seaprodex không có bất kỳ tài liệu, hồ sơ nào việc việc mua bán 1.008 tấn cà phê và khoản nợ khách hàng 52,9 tỷ đồng.

"Công ty Seaprodex Sài Gòn xác nhận chúng tôi không bị mất khả năng thanh toán. Chúng tôi không có khoản nợ 52,9 tỷ đồng đối với Thiên Phú. Seaprodex Sài Gòn chỉ đang bị một nhóm cá nhân bất chấp luật pháp để làm tổn hại đến giá trị doanh nghiệp, uy tín của công ty trên thị trường và làm lung lay niềm tin của nhà đầu tư, cổ đông", văn bản nêu rõ.

Về cổ phiếu, sau quyết định cho mở thủ tục phá sản của Toà án nhân dân TP HCM, SSN đã giảm sàn 14,66% xuống 9.900 đồng/cổ phiếu. Trước đó, SSN có chuỗi tăng điểm mạnh lên gấp đôi từ vùng 5.000 đồng lên 16.900 đồng/cổ phiếu kể từ đầu năm 2021.

Seaprodex bị cưỡng chế thuế 400 triệu đồng

(Vietnamdaily) - Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam - CTCP (Seaprodex, SEA) bị Chi Cục Thuế Quận 1 (TP HCM) ra quyết định cưỡng chế hơn 400 triệu đồng tiền nợ thuế.

Chi Cục Thuế Quận 1 TPHCM ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, yêu cầu phong tỏa tài khoản tại tổ chức tín dụng của Tổng CTCP Thủy sản Việt Nam (SEA) do SEA nợ tiền thuế và tiền chậm nộp tiền thuế quá thời hạn quy định.

Theo đó, Chi Cục Thuế Quận 1 yêu cầu phong tỏa tài khoản của SEA tại 2 tổ chức là Ngân hàng TMCP Ngoại Thương (Vietcombank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank).

Seaprodex bi cuong che thue 400 trieu dong
 

Yêu cầu ngân hàng trích số tiền hơn 438 triệu đồng để trả tiền thuế doanh nghiệp đã nợ. Trong đó, có 319 triệu đồng là thuế đất ở đô thị (kỳ thuế 2017-2021), tiền phạt chậm nộp gần 119 triệu đồng. Thời hạn thi hành quyết định từ ngày 7/6-6/7/2022.

Trên thị trường chứng khoán, sau thời gian leo dốc rồi tạo đỉnh 53.000 đồng/cp vào ngày 28/3, giá cổ phiếu SEA đã quay đầu giảm mạnh, hiện dao động quanh vùng đáy 25.000 đồng/cp.

Nói về tình hình kinh doanh, trong quý 1/2022, SEA ghi nhận doanh thu thuần đạt 292 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 52,4 tỷ đồng, tương ứng tăng 71% và tăng 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận ròng đạt 53,8 tỷ đồng.

Tin mới