Theo tờ Science Alert, giáo sư Chris Impey, nhà nghiên cứu thiên văn nổi tiếng từ ĐH Arizona, Mỹ cho rằng việc tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất sẽ sớm cho kết quả.
Ảnh minh họa. |
Giáo sư Chris Impey cho biết: "Tôi cược rằng 10 - 15 năm nữa, chúng ta sẽ tìm thấy các vi khuẩn ngoài vũ trụ, nhưng chưa chắc sẽ tìm thấy giống loài thông minh nào".
Theo ước tính của các nhà khoa học, ngoài kia có tới hàng ngàn tỉ thiên hà và một lượng các hành tinh còn lớn hơn thế. Từ những nhà khoa học kỳ cựu đến các nhân vật đơn giản chỉ đam mê thiên văn học, tất cả đều đang nỗ lực tìm kiếm dấu vết cho thấy sự sống bên ngoài Trái đất.
Theo giáo sư, có một số địa điểm con người nên tập trung tìm kiếm, thay vì nhìn mãi về nơi xa xăm để xác định người ngoài hành tinh chưa chắc đã có thực. Nơi đầu tiên chính là hệ Mặt trời.
Sao Hỏa là một trong số ứng viên cho thấy khả năng nuôi dưỡng sự sống lớn nhất. Tuy nhiên, giáo sư Impey cho rằng các dạng sống này khó lòng sống sót trên bề mặt khắc nghiệt của hành tinh mà phải ở trong lòng đất vậy nên rất khó xác định.
Ông nói: "Nếu chúng ta thực sự mang được các tảng đá từ sao Hỏa về Trái đất, có thể chúng ta sẽ tìm ra bằng chứng cho thấy sự sống đã từng tồn tại ở đây".
Một ứng viên khác có thể nuôi dưỡng sự sống trong hệ Mặt trời chính là Europa, một trong những Mặt trăng của sao Mộc.
Năm 2016, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA đã xác nhận Europa có nước dạng lỏng, và theo giáo sư Impey, các vệ tinh thế hệ tiếp theo trong tương lai sẽ giúp chúng ta xác định xem đại dương ấy có khả năng nuôi dưỡng sự sống hay không.
Trong vài năm tới, nhân loại tiếp tục đưa ra nhiều công cụ quan sát hiện đại hơn. Ví dụ như Kính tiềm vọng vũ trụ James Webb với khả năng xác định khá chính xác các thành phần trong bầu khí quyển của những hành tinh này.
Giáo sư Impey tin rằng với công nghệ mới chúng ta sẽ sớm tìm ra hành tinh gần và giống Trái đất nhất. Khi Trái đất đang là nơi duy nhất nuôi dưỡng được sự sống, việc tìm ra một hành tinh tương tự rõ ràng là lựa chọn tốt nhất cho chúng ta.