Bắt đầu từ năm 2018, Bộ GD-ĐT sẽ bỏ mức điểm sàn đại học (ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào thấp nhất) mà thí sinh cần đạt được nếu muốn đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ).
Việc có nên giữ mức điểm sàn hay không luôn gây ra sự tranh luận đa chiều, chưa có hồi kết của các trường vào mỗi mùa tuyển sinh. Hầu như năm nào, các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đều đề nghị Bộ GD-ĐT bỏ mức giới hạn điểm sàn vì sẽ gây khó khăn đối với nguồn tuyển cho những trường này.
Những trường ĐH tốp trên tuyển chọn thí sinh luôn vượt quá mức điểm sàn nhưng đối với những trường tốp giữa hoặc thấp hơn thì việc Bộ GD-ĐT “áp” điểm sàn hay không lại rất quan trọng trong công tác tuyển sinh. Một trong những nguyên nhân là vì có những thí sinh đạt điểm rất cao ở 1 môn nào đó nhưng tổng cộng cả 3 môn thi không đủ điểm sàn nên không đạt tiêu chuẩn để xét tuyển theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Bác bỏ sự mong đợi đó, Bộ GD-ĐT vẫn kiên quyết từ chối vì cho rằng, mức giới hạn điểm sàn đưa ra là nhằm giữ được chất lượng “đầu vào” tuyển sinh ĐH, CĐ.
Thế nhưng, cho đến năm nay, khi Bộ GD-ĐT công bố bỏ mức điểm sàn xét tuyển vào ĐH chính thức được thực hiện từ năm 2018 thì dư luận lại lo ngại về cách thức để đảm bảo chất lượng “đầu vào” của các trường.
Khi bỏ điểm sàn ĐH, dư luận lo ngại là khó kiểm soát được chất lượng đào tạo của các trường ĐH, CĐ (ảnh minh họa) |
Các trường ĐH phải xác định tiêu chí xét tuyển
PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa Hà Nội cho rằng, nếu vài năm trước đây, học sinh có điểm trung bình có thể đỗ ĐH một cách dễ dàng thì trong vòng 3 năm trở lại đây, số lượng thí sinh học ĐH đã giảm đi.
Thực tế đã chứng minh khi năm 2016, nhiều trường ĐH thừa rất nhiều chỉ tiêu nhưng vẫn không tuyển đủ thí sinh.
Nguyên nhân là do học sinh đã bắt đầu nghĩ tới việc chọn lựa trường học, ngành nghề nào để khi tốt nghiệp phải xin được việc làm chứ không phải vào được ĐH bằng mọi giá như trước.
Đồng tình với việc Bộ GD-ĐT quyết định bỏ mức điểm sàn xét tuyển ĐH nhưng PGS.TS Trần Văn Tớp nêu quan điểm, nếu Bộ GD-ĐT cho phép các trường ĐH được tuyển sinh bằng học bạ thì cũng cần có sự kiểm tra sát việc đảm bảo chất lượng nguồn tuyển sinh “đầu vào” của các trường ĐH, tránh trường hợp có trường tuyển thí sinh chỉ có 7 điểm cho 3 môn thi.
Vì uy tín, thương hiệu đào tạo, các trường phải có trách nhiệm đảm bảo ngưỡng chất lượng đào tạo. Ví dụ như ngưỡng đảm bảo của từng ngành nghề khi chọn lựa thí sinh vào trường phải đạt là bao nhiêu điểm.
Nên thắt chặt nguồn tuyển sinh “đầu ra”
Là hiệu trưởng ở một trường ngoài công lập, ông Phan Huy Phú, Hiệu trưởng ĐH Thăng Long nêu quan điểm, Bộ GD-ĐT chỉ nên quy định mức điểm sàn đối với những trường tốp trên. Ví dụ như ĐH Quốc gia Hà Nội không thể lấy thí sinh dưới 20 điểm.
Việc Bộ GD-ĐT bỏ điểm sàn có thể giúp các trường ĐH ngoài công lập tuyển sinh dễ dàng hơn, người dân có cơ hội học tập. Tuy nhiên, lâu nay, chúng ta vẫn chỉ kiểm soát nguồn tuyển sinh “đầu vào” mà không chú trọng đến thắt chặt “đầu ra”. Hầu như sinh viên nào đã vào được ĐH thì đều được tốt nghiệp.
Theo ông Phan Huy Phú, đã đến lúc các trường phải thắt chặt hơn việc cho sinh viên tốt nghiệp. Không phải sinh viên nào đã vào được trường học là đều đỗ tốt nghiệp cùng năm, cùng tháng. Nếu sinh viên nào không học tập tốt thì có thể phải học lại và thời gian tốt nghiệp có thể lâu dài hơn với những em học tập thực chất, đạt hiệu quả cao.
Còn về chất lượng đào tạo của các trường nên để cho xã hội, các đơn vị tuyển dụng lao động đánh giá.
Tuy nhiên, đây lại là việc làm rất khó vì không phải đơn vị tuyển dụng lao động nào cũng ý thức được việc đánh giá đúng năng lực của lao động vì có những nơi tuyển dụng người thân quen vào làm việc.
Do đó, việc ý thức cho tất cả các đơn vị tuyển dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao rất quan trọng. Điều này là cơ sở để học sinh, phụ huynh chọn lựa trường nào để cho con theo học ĐH. Nếu thực hiện ở Việt Nam thì chắc phải có thời gian để xã hội, các đơn vị tuyển dụng ý thức rõ hơn được vấn đề này.