Bộ Quốc phòng Anh cho biết, họ có kế hoạch điều tàu sân bay mới HMS Queen Elizabeth đến khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, cụ thể là Biển Đông, trong lần triển khai thực hiện chiến dịch đầu tiên của chiến hạm hùng mạnh này. Chiến dịch nói trên dự kiến diễn ra vào năm 2021.
Tàu sân bay mới HMS Queen Elizabeth của Hải quân Hoàng gia Anh. |
Chính phủ Anh đang rất quyết tâm thực hiện chiến dịch khẳng định tự do hàng hải ở các khu vực biển quốc tế. Anh cùng với hai đồng minh Mỹ và Australia thể hiện sự quyết liệt trong việc bảo vệ các quyền tự do hàng hải trước một Trung Quốc đang ngày càng tham vọng và hung hăng.
Kế hoạch triển khai tàu sân bay HMS Queen Elizabeth ở Biển Đông sẽ bao gồm cả hoạt động triển khai những chiếc chiến đấu cơ tàng hình F-35 của Thủy quân Lục chiến Mỹ trên con tàu mới có trọng tải 65.000 tấn của Hải quân Hoàng gia Anh.
Trung Quốc đã phản ứng đầy tức giận trước thông tin trên. Bắc Kinh nhanh chóng cảnh báo Anh rằng, hoạt động triển khai tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến Biển Đông có thể sẽ được coi là “một hành động thù địch”.
Phát biểu ở thủ đô London hồi tuần trước, Thiếu tướng Su Guanghui – Tùy viên quân sự của Trung Quốc tại Anh, cho biết: “Nếu Mỹ và Anh chung tay thách thức hay vi phạm chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc thì đó sẽ là một hành động thù địch”.
Trước đó, hồi năm ngoái, Bắc Kinh từng tức giận gửi văn bản phản đối đến London sau khi một chiến hạm của Hải quân Hoàng gia Anh đi vào sát khu vực gần quần đảo mà Trung Quốc đòi chủ quyền phi lý và trái phép ở Biển Đông. Cụ thể, hôm 31/8/2018, tàu tấn công đổ bộ có trọng tải 22.000 tấn HMS Albion mang theo một đội Thủy quân lục chiến của Hoàng gia Anh đã tiến vào gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ở Biển Đông. Động thái này khiến Trung Quốc nổi giận phản ứng, bởi Bắc Kinh đang tham lam đòi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.
Chính phủ Trung Quốc nhanh chóng lên tiếng phản ứng, miêu tả hành động của Anh là “khiêu khích” và đã gửi văn bản phản đối đến giới chức Anh. Bắc Kinh còn phái một tàu khu trục và hai trực thăng đi đối đầu với Anh. Tuy nhiên, cả hai đã giữ được sự kiềm chế. Anh lập tức có câu trả lời. London khẳng định chiến hạm của họ đang thực thi “quyền tự do hàng hải” khi đi qua quần đảo Hoàng Sa để đến thành phố Hồ Chí Minh trước khi được triển khai đến Nhật Bản.
Trung Quốc đang gây ra một làn sóng phản đối dữ dội và quyết liệt chưa từng có của các nước láng giềng trong khu vực cũng như của cộng đồng thế giới vì việc nước này đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng trái phép và giờ là quân sự hóa ở Biển Đông.
Sự tham gia của Anh vào mặt trận thách thức đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông cho thấy sự lo ngại gia tăng của cộng đồng quốc tế đối với các hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông và các nước bắt đầu lần lượt lên tiếng. Anh mặc dù rất cần hợp tác với Trung Quốc trong các vấn đề kinh tế nhưng nước này cũng không chấp nhận cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông.