Sau kiểm toán, doanh thu thuần năm 2019 của VEAM ghi nhận 4.488 tỷ đồng, lãi ròng ghi nhận tại mức 7.280 tỷ đồng, tương ứng giảm 33 tỷ đồng so với báo cáo tự lập trước đó.
Bên cạnh đó, báo cáo của VEAM còn bị đơn vị kiểm toán đưa ra một loạt ý kiến ngoại trừ.
Cụ thể, cuối năm 2019, VEAM chưa đánh giá được khả năng thu hồi đối với khoản thu về hỗ trợ vốn và phải thu về lãi hỗ trợ vốn tương ương với số tiền lần lượt hơn 94 tỷ đồng và 35 tỷ đồng; thực hiện ghi nhận lãi phát sinh từ hỗ trợ gần 663 tỷ đồng; và trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho của một số hàng tồn kho với số tiền gần 250 tỷ đồng.
Đơn vị kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ về loạt vấn đề trên do không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về khả năng thu hồi nợ, cũng như việc tiếp tục ghi nhận lãi phát sinh hay đánh giá giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho một cách hợp lý và thủ tục thay thế xác định dự phòng giảm giá hàng tồn kho có thích hợp hay không.
Vì vậy, đơn vị kiểm toán không thể xác định được liệu có cần thiết phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi, điều chỉnh dự phòng giảm giá hàng tồn kho hay các khoản mục có liên quan trên Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 hay không.
Thêm vào đó, theo như thuyết minh, kiểm toán viên tiền nhiệm năm 2018 đã đưa ra ý kiến ngoại trừ do không thể thu nhập được đầy đủ các bằng chứng về việc VEAM đã trích lập chi phí dự phòng giảm giá hàng tồn kho với số tiền hơn 207 tỷ đồng.
Do số dư dự phòng giảm giá hàng tồn kho đầu năm ảnh hưởng đến kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất của Công ty nên đơn vị kiểm toán không thể xác định được ảnh hưởng có thể có đến chỉ tiêu lợi nhuận trong năm 2019.
Báo cáo tài chính của VEAM nhận nhiều ý kiến ngoại trừ. |
Trong báo cáo tự lập của Công ty, chi phí trả trước dài hạn của VEAM bao gồm chi phí trả trước dài hạn của CTCP Vật tư và Thiết bị toàn bộ - Công ty con của VEAM với số tiền gần 257 tỷ đồng phản ánh chi phí khấu hao, chi phí lãi vay và một số chi phí khác được vốn hóa của nhà máy sắt xốp phát sinh từ các năm trước.
Đơn vị kiểm toán đưa ra ý kiến ngoài trừ do không thể thu thập được bằng chứng để xác định vốn hóa các khoản chi phí phải trả nói trên.
Ngoài ra, theo như thuyết minh, VEAM ghi nhận doanh thu bán 450 xe Mighty 2017 với số tiền gần 262 tỷ đồng, giá vốn và chi phí bán hàng gần 230 tỷ đồng và 1,6 tỷ đồng trong năm 2018 nhưng toàn bộ xe được bàn giao năm 2019.
Việc ghi nhận doanh thu này là chưa phù hợp với chuẩn mực kế toán và đã được kế toán tiền nhiệm đưa ra ý kiến ngoại trừ trong năm trước. Như vậy, nếu doanh thu trên được ghi nhận đúng kỳ thì lợi nhuận sau thuế của Công ty trong năm 2019 sẽ tăng thêm gần 24 tỷ đồng.
Hơn nữa, đơn vị kiểm toán còn nhấn mạnh về vấn đề tại ngày lập báo cáo tài chính hợp nhất, các cơ quan có thẩm quyền chưa phê duyệt chính thức biên bản quyết toán cổ phần hoá của Công ty mẹ - Tổng Công ty tại thời điểm Công ty mẹ - Tổng Công ty chính thức chuyển thành công ty cổ phần.