Tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết hiện nay tuyến đường 71 đi từ xã Phong Xuân lên thủy điện Rào Trăng 3 đã được thông tuyến, thuận tiện cho lực lượng tiếp cận hiện trường tìm kiếm cứu nạn.
Lực lượng tìm kiếm cứu hộ sẽ tranh thủ thời tiết tạnh ráo, nỗ lực triển khai các phương án tìm kiếm, sớm tìm thấy các nạn nhân còn lại, hạ quyết tâm hoàn thành việc đưa tất cả các phương tiện xe múc, xe ủi, xe ben (khoảng 10 chiếc) vào thủy điện Rào Trăng 3 trong sáng 24/10.
Thiếu tướng Hà Thọ Bình, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 4 trực tiếp chỉ huy tìm kiếm tại hiện trường. |
Lương thực đã được đưa thêm lên khu vực tìm kiếm cứu nạn trong ngày 23/10, đảm bảo đủ dùng cho hơn 100 người trong 2 tuần tới. Xăng dầu dùng cho máy móc cũng đã được đưa lên trên khu vực thủy điện Rào Trăng 3.
Tuy đã thông được tuyến đường 71 lên thủy điện Rào Trăng 3 nhưng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xác định vận chuyển cơ động đường thủy vẫn là chủ yếu. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị lực lượng công an có phương án huy động thuyền của dân và canô của công an để đảm bảo việc vận chuyển từ bến Hương Bình lên Rào Trăng 3 và ngược lại.
Hiện nay Viettel đã phủ sóng di động lên khu vực thủy điện Rào Trăng 3 để phục vụ việc tìm kiếm cứu nạn và nhu cầu của công nhân đang ở lại đây. Tuy nhiên đến chiều 23/10, theo báo cáo, mạng di động thi thoảng vẫn gặp sự cố nên UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Viettel Thừa Thiên Huế phải nhanh chóng khắc phục sự cố trong ngày 24/10 để đảm bảo thông tin liên lạc trong suốt quá trình tìm kiếm, cứu nạn.
Thiếu tướng Hà Thọ Bình, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 4 đánh giá cao quyết tâm tìm kiếm các nạn nhân mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3 của tỉnh Thừa Thiên Huế, trước những khó khăn về thời tiết, đường đi khó khăn, sạt lở nhưng các lực lượng đã sớm khắc phục.
“Với khối lượng lớn công việc như vậy nhưng không nghĩ các lực lượng có thể khắc phục được sớm như vậy, qua đây thể hiện các lực lượng đã làm tốt công tác phối hợp, làm việc với trách nhiệm cao nhất", Thiếu tướng Hà Thọ Bình nhấn mạnh.
Tại hiện trường Rào Trăng 3, Thiếu tướng Hà Thọ Bình đã trực tiếp chỉ đạo sử dụng 3 máy xúc kết hợp với lực lượng bộ đội và công nhân đẩy mạnh việc tìm kiếm tại chỗ. Lực lượng tìm kiếm đã đào bới hàng trăm m3 đất đá trong điều kiện thi công hết sức nguy hiểm. Kết quả trong ngày đã tìm kiếm được 2 thi thể và đưa về Bệnh viện Quân y 268 để thực hiện các kỹ thuật y học theo quy trình.
Như vậy đến thời điểm này, đã tìm kiếm được 4/17 thi thể công nhân mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3, trong đó 2 thi thể đã xác định danh tính và bàn giao cho gia đình mai táng.
Danh sách 17 công nhân tử vong và mất tích gồm:
1. Phan Chí Thanh (6/9/1996), quê quán: 11-24 Lương Văn Can, phường An Cựu, TP Huế.
2. Lê Văn Phú (21/3/1995), quê quán: tổ 16, khu vực 4, phường Xuân Phú, TP Huế, TT Huế.
3. Huỳnh Ngọc Quý (20/11/1993), quê quán: xã Dương Hòa, TX Hương Thủy, TT Huế.
4. Nguyễn Vũ Đăng Khoa (10/5/1997), quê quán: 116 Ngự Bình, phường Phước Vĩnh, TP Huế, TT Huế.
5.Nguyễn Bá Tuyến (13/4/1989), quê quán: huyện Phong Xuân, tỉnh TT Huế.
6. Đặng Hữu Phong (20/2/1994), quê quán: Xuân Hòa, Gio An, Gio Linh, Quảng Trị.
7. Đặng Hữu Nam (30/9/1991), quê quán: Xuân Hòa, Gio An, Gio Linh, Quảng Trị.
8. Lê Đình Hà (15/4/1990), quê quán: phường Thiện An, thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk.
9. Trần Văn Lộc (12/7/1995), quê quán: xã Nam Nung, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông. (Đã tìm được thi thể)
10. Bùi Đức Thọ, quê quán: Nhan Biều, Triệu Thượng, Triệu Phong, Quảng Trị.
11. Ngô Viết Huy (12/2/1996), quê quán: tổ 8, phường Thủy Châu, TX Hương Thủy, tỉnh TT. Huế.
12. Lê Văn Sáng (15/2/1985), quê quán: xóm Xuân Tây, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh.
13. Lê Thanh Hải (20/10/1983), quê quán: xóm Xuân Tây, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh.
14. Trương Đình Nội (3/5/1986), quê quán: xóm Xuân Tây, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh.
15. Nguyễn Thái Học (02/3/1981), quê quán: thôn Trạch Thượng 2, huyện Phong Điền, tỉnh TT Huế.
16. Tạ Văn Nghĩa (14/8/1998), quê quán: Nga Phú, Nga Sơn, Thanh Hóa.
17. Lê Văn Thịnh (7/10/1995), quê quán: Nga Thái, Nga Sơn, Thanh Hóa.