Thông tin mới nhất liên quan công tác tìm kiếm cứu hộ các nạn nhân vụ sạt lở thủy điện Rào Trăng 3 (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), sáng 15/10, lực lượng chức năng tiếp tục huy động tối đa lực lượng để tìm kiếm các nạn nhân mất tích.
Thời tiết thời điểm hiện tại ở Thừa Thiên Huế ít mưa, thuận lợi cho việc triển khai công tác tìm kiếm các nạn nhân mất tích và giải cứu những người đang mắc kẹt. Tính đến sáng 15/10, 29 người hiện mất tích, không liên lạc được, trong đó có 16 người tại nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 và 13 người trong đoàn cứu hộ.
Đại tá Nguyễn Xuân Dũng, đại diện Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, đơn vị đã tham mưu cho Bộ Quốc phòng và Quân khu 4, huy động tối đa lực lượng vào khu vực nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 và tiểu khu 67 (Trạm kiểm lâm Sông Bồ, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) để tìm kiếm, cứu nạn.
Lực lượng quân đội cũng đã huy động hơn 1.000 người cùng hàng trăm phương tiện và trang thiết bị hiện đại để tiếp tục tìm kiếm những người mất tích. |
Lực lượng quân đội cũng đã huy động hơn 1.000 người cùng hàng trăm phương tiện và trang thiết bị hiện đại để tiếp tục tìm kiếm những người mất tích ở trạm kiểm lâm 67 và mở đường vào hiện trường. Cụ thể, Bộ Quốc phòng điều động 666 cán bộ, chiến sỹ và 119 trang bị, phương tiện các loại và 3 chó nghiệp vụ; Bộ Công Thương điều động 5 người và 2 máy phát điện; lực lượng tại địa phương là 312 người và 68 phương tiện các loại. Cùng với đó, lực lượng không quân đã chuẩn bị phương tiện, lực lượng sẵn sàng thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn.
Sáng 15/10, ngoài 3 xe tải cỡ lớn của Lữ đoàn Công binh 414 – Quân khu 4 đưa lực lượng công binh cùng nhiều máy móc trở lại khu vực Rào Trăng 3, Rào Trăng 4 để tiếp tục công tác cứu nạn cứu hộ còn có 3 xe chuyên dụng của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Thừa Thiên Huế. Những xe này chuẩn bị công tác hậu cần, sẵn sàng tiến vào vùng sạt lở. Đi cùng với đoàn là các xe cẩu, chở theo nhiều chiến sĩ và trang thiết bị, máy móc phục vụ cho việc tìm kiếm.
Ngay từ 4h sáng cùng ngày, khoảng 4h sáng 15/10, Quân khu 4 đã tăng cường thêm lực lượng công binh từ Nghệ An vào hiện trường tham gia cứu nạn. Phía bên ngoài, rất đông xe cứu nạn, cấp cứu, bọc thép… vẫn đứng chờ sẵn, chờ nhận lệnh từ chỉ huy để triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn.
Trao đổi với báo chí, ông Phan Ngọc Thọ Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, sáng 15/10, các lực lượng đang tiếp tục khẩn trương triển khai phương án tìm kiếm 13 người mất tích tại vị trí nhà kiểm lâm ở Tiểu khu 67; các hướng khác đang tiến sâu vào hiện trường.
Hướng đường bộ, lực lượng công binh đang tích cực đào bới để tìm kiếm những người bị vùi lấp tại khu nhà kiểm lâm. Chó nghiệp vụ cũng được sử dụng để hỗ trợ lực lượng tìm kiếm. Đến sáng 15/10, các lực lượng vẫn chưa tìm thấy người mất tích tại đây.
Do lượng đất đá sạt lở lớn, dùng thiết bị tầm nhiệt tìm kiếm các nạn nhân. |
Tại hướng đường thủy, lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế tiếp tục triển khai sử dụng xuồng, cano cao tốc để vượt lòng hồ thủy điện Hương Điền đưa lực lượng tiến sâu vào khu vực Thủy điện Rào Trăng 3 với hướng tiếp cận là khu vực thân đập thủy điện.
Theo nhận định, tại khu vực thân đập thủy điện sẽ có khả năng tìm kiếm nhiều công nhân mất tích. Tại các vị trí tìm kiếm, công tác thông tin được đảm bảo thông suốt nhằm phục vụ công tác chỉ huy.
Ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, lực lượng đi hướng đường thủy đang tiếp cận gần thủy điện Rào Trăng 3, tuy nhiên đoàn này không có các phương tiện cơ giới đi kèm. Đoàn đã dùng flycam nhưng không phát hiện ai. Hiện tỉnh đã mời thêm lực lượng chuyên về flycam ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, sẽ dùng công nghệ tầm nhiệt để tìm người.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, phương án máy bay trực thăng hôm nay có thể sẽ không dùng đến. Hiện lương thực từ máy bay đã thả xuống đủ cho người ở Rào Trăng 3, 4.
14 người ở thủy điện A Lin B2 cũng đã được tìm thấy an toàn và cũng được cung cấp lương thực từ máy bay.
"Chúng tôi đang nghiên cứu dùng thêm thiết bị phân tích hình ảnh và thiết bị tầm nhiệt để hỗ trợ tìm kiếm, xem có hiệu quả hơn không, vì khối lượng đất đá sạt lở trên kia (ở cả trạm kiểm lâm 67 và thủy điện Rào Trăng 3) quá lớn nên khả năng tìm kiếm rất khó khăn", ông Định nói và cho biết thêm, tuyến đường bộ 71 hiện đã mở thông đến trạm kiểm lâm 67 và đến gần thủy điện Rào Trăng 4. Hy vọng sẽ sớm thông đường đến Rào Trăng 3 để đưa lực lượng, máy móc vào hiện trường thực hiện công tác cứu hộ.
Trước đó, chiều ngày 14/10, lực lượng cứu hộ theo đường thủy đã tiếp cận được khu vực xảy ra vụ sạt lở ở Thủy điện Rào Trăng 3. Để đến được khu vực hiện trường thủy điện Rào Trăng 3, Đoàn bắt đầu khỏi hành từ lòng hồ Thủy điện Hương Điền đi theo đường thủy đến Thủy điện Rào Trăng 4 và phải mất nhiều giờ đi bộ, vượt rừng, băng thác.
Tại hiện trường vụ sạt lở ở Thủy điện Rào Trăng 3, nhiều khối đất đá sạt lở vùi lấp gần như toàn bộ nhà điều hành và các lán trại kề bên. Tại đây, có một số công nhân sử dụng máy xúc để tìm kiếm những đồng nghiệp đang bị vùi lấp dưới lớp đất đá.
Thượng tá Trần Văn Lâu, Phó trưởng phòng PCCC – CHCN Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tại hiện trường toàn bộ đất đá đã san phẳng, do đó để triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, đòi hỏi phải có trang thiết bị máy móc. Trong đó hiện tại, các tuyến đường dẫn vào hiện vẫn bị cô lập, không thể đưa máy móc chuyên dụng đến để tìm kiếm các nạn nhân.
>>> Mời độc giả xem thêm video Khẩn trương cứu nạn tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3
Nguồn: VTV 1