Trong vài năm qua, Gorilla Glass là vật liệu cứng nhất mà một thiết bị di động có thể dùng để bảo vệ màn hình. Kết hợp giữa silicon dioxide, nhôm, natri và magie, sản phẩm của Corning trở thành tiêu chuẩn vàng trong việc chặn đứng màn hình smartphone trước nguy cơ trầy xước hay vỡ. Song, từ khoảng giữa năm 2013, lựa chọn mới xuất hiện, đó chính là sapphire (ngọc bích).
Mẫu Huawei Ascend P7 dùng màn hình sapphire được giới thiệu tại CES 2015. Ảnh: Cnet |
Dù chi phí sản xuất cao hơn Gorilla Glass, sapphire lại mạnh hơn gấp 3 lần và chỉ chịu thua trước kim cương. Apple được đồn thổi sẽ chuyển sang màn hình sapphire trên các thiết bị mới nhất, đặc biệt sau khi hợp tác với GT Advanced Technologies để xây dựng nhà máy sản xuất sapphire tại Arizona, Mỹ.
Tuy nhiên, tin đồn không trở thành sự thực, iPhone 6 và 6 Plus không dùng màn hình sapphire, nhà máy cũng được chuyển đổi mục đích sau khi GT Advanced Technologies nộp đơn xin phá sản. Theo nhà phân tích Calvin Hseih của hãng nghiên cứu DispaySearch, đưa sapphire vào smartphone, tablet là thách thức không nhỏ.
Đầu tiên, đó là vì giá đắt đỏ, tốn vài USD/inch so với chỉ khoảng 5 cent/inch với kính. Nó cũng dễ bị rạn, vỡ nếu rơi trực diện. Tiếp theo, khả năng truyền dẫn quang học của sapphire kém hơn so với kính, dẫn đến điện năng tiêu thụ cao hơn. Trong một bằng sáng chế, Apple đưa ra giải pháp chỉ dùng một lớp sapphire mỏng tráng trên bề mặt kính để tận dụng lợi thế cứng cáp mà không làm ảnh hưởng đến pin hay chi phí nhưng thiết kế này chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng của Apple.
Dù vậy, ngay cả khi màn hình sapphire không có mặt trong iPhone, nó lại xuất hiện trong nhiều sản phẩm di động khác. Huawei giới thiệu phiên bản smartphone P7 đặc biệt dùng vật liệu này tại CES 2015và đang bán tại Trung Quốc. Xiaomi Mi5 sắp ra mắt cũng có thể dùng sapphire trên bề mặt màn hình. Có tin đồn LG và Samsung đang phát triển smartphone sapphire nhằm qua mặt Apple.
Dù thích hay không, Apple vẫn là người tạo ra xu hướng trên thị trường smartphone. Theo sau Touch ID trên iPhone 5s, một loạt điện thoại khác, bao gồm các mẫu từ Samsung, HTC và Huawei cũng tích hợp máy quét sinh trắc học tương tự. Sau khi iPhone có phiên bản màu vàng, các đối thủ cũng nhanh chóng trình làng sản phẩm mang màu này. Vì vậy, trường hợp của sapphire cũng không là ngoại lệ. Do Apple chưa công bố iPhone nào sử dụng màn hình sapphire, các hãng không muốn đi sau “táo khuyết” trong trận chiến mới.
Ngoài smartphone, sapphire còn tìm đường đến các thiết bị dạng đeo như Apple Watch. Đây là vật liệu được dùng trên đồng hồ cao cấp từ nhiều năm nay và là chuẩn mực trong ngành công nghiệp đồng hồ. Nhờ sự tham gia của Apple thúc đẩy thị trường đồng hồ thông minh bùng nổ và thực tế sapphire là vật liệu quen thuộc trên đồng hồ, nó là lựa chọn hợp lý cho thiết bị dạng đeo đắt tiền, tập trung vào độ bền.
Mẫu đồng hồ Fenix 3 GPS “nồi đồng cối đá” mới của Garmin và thiết bị theo dõi việc tập luyện Wellograph dành cho vận động viên nằm trong số các sản phẩm mới nhất dùng mặt kính sapphire. Trong trường hợp của Garmin, mẫu dùng mặt sapphire đắt hơn 100 USD so với mẫu thường.