Vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã chấp thuận cho 730 triệu cổ phiếu BGE của CTCP BCG Energy được giao dịch trên UPCoM.
Ngày giao dịch đầu tiên của BGE trên sàn UPCoM là 31/7 với giá tham chiếu là 15.600 đồng/cổ phiếu. Số lượng chứng khoán đăng ký giao dịch là 730 triệu cổ phiếu, tương đương vốn hóa đạt 11.388 tỷ đồng.
Ngoài ra, BCG Energy cũng đang có tham vọng đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq.
Mục tiêu của BCG Energy đến năm 2026 đạt tổng công suất 2 GW
BCG Energy được thành lập vào năm 2017, là công ty phụ trách mảng năng lượng của Tập đoàn Bamboo Capital (HoSE: BCG).
Hiện nay, BCG Energy đang có vốn điều lệ là 7.300 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu gần 10.000 tỷ đồng và tổng tài sản gần 20.000 tỷ đồng. Tập đoàn Bamboo Capital là cổ đông lớn nhất của BCG Energy với việc sở hữu 50.66% vốn điều lệ.
BCG Energy đang tập trung vào phát triển, vận hành các dự án cánh đồng năng lượng mặt trời, năng lượng mặt trời áp mái, năng lượng gió và điện rác... trên nhiều tỉnh thành.
BCG Energy đã vận hành thành công 594.4 MWp các dự án nhà máy điện mặt trời và điện mặt trời áp mái, bao gồm: Nhà máy điện mặt trời BCG Băng Dương (40,6 MWp), Nhà máy điện mặt trời GAIA (100,5 MWp), Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ (330 MWp), Nhà máy điện mặt trời VNECO - Vĩnh Long (49,3 MWp) và các dự án điện mặt trời áp mái (74 MWp).
BCG Energy đang triển khai danh mục các dự án với tổng công suất 229 MW và các dự án trong kế hoạch triển khai trong tương lai lên đến 670 MW.
Mục tiêu của BCG Energy đến năm 2026 đạt tổng công suất 2 GW và đa dạng hóa danh mục đầu tư năng lượng tái tạo với chi phí đầu tư thấp và tỷ lệ IRR các dự án cao, trung bình khoảng 10% - 14%.
Về tình hình kinh doanh, năm 2021 công ty đạt doanh thu 760 tỷ đồng, sang năm 2022 doanh thu tăng trưởng mạnh 40% lên 1.064 tỷ đồng. Trong năm 2023, doanh thu thuần BCG Enegy tăng 5,8%, đạt hơn 1.125 tỷ đồng, mức tăng trưởng chủ yếu đến từ việc các nhà máy điện mặt trời và các hệ thống điện mặt trời áp mái đã vận hành đạt hiệu suất hơn 100% so với dự phóng.
Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của BCG Energy liên tục giảm qua các năm, cuối năm 2021 tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của BCG Energy là 2,77 lần, kết thúc năm 2022 tỷ lệ nợ giảm về 1,9 lần và tại cuối năm 2023 chỉ còn 0,96 lần.
Theo Chứng khoán SBS, đây là mức đòn bẩy khá an toàn và thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp cùng ngành, cho thấy BGE đã chủ động cơ cấu lại nợ, giúp giảm chi phí tài chính, giảm rủi ro và tối đa hoá lợi nhuận gộp của doanh nghiệp.
Về tình hình kinh doanh 6 tháng gần đây, BCG Energy ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 698,8 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế hợp nhất đạt 290,7 tỷ đồng, tăng mạnh 33 lần so với nửa đầu năm 2023.
Một dự án của BGE |
Vừa qua, BCG Energy đã bắt tay với Công ty SK Ecoplant để phát triển nhà máy sản xuất điện mặt trời và điện gió ở Việt Nam. BCG Energy và SK Ecoplant cùng phát triển dự án năng lượng tái tạo có công suất 700MW, bao gồm điện gió trên bờ 300MW, điện mặt trời trên mái nhà 300MW và điện mặt trời trên bờ 100MW.
Ngoài ra, BCG Energy đang đầu tư vào lĩnh vực điện rác bằng việc mua cổ phần của CTCP Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa. Giai đoạn 1 của nhà máy được triển khai từ năm 2024 đến năm 2025 có tổng vốn đầu tư 6.400 tỷ đồng, công suất đốt 2.000-2.600 tấn rác/ngày, công suất phát điện 60MW, sản lượng điện phát lên lưới dự kiến lên đến 365 triệu kWh/năm.
Giai đoạn 2 của dự án dự kiến sẽ được triển khai từ năm 2026-2027, công suất đốt rác được nâng lên đến 6.000 tấn/ngày, công suất phát điện lên đến 130MW, trở thành nhà máy điện rác lớn nhất thế giới.
Giai đoạn 3 của nhà máy dự kiến được triển khai từ năm 2027 đến 2029, công suất đốt rác lên tới 8.600 tấn/ngày, công suất phát điện đạt tới 200 MW. Song song với việc xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa tại TP.HCM, BCG Energy sẽ sớm triển khai dự án Nhà máy đốt rác phát điện tại Long An và Kiên Giang.
SBS dự phóng BGE sẽ đạt doanh thu 1.520 tỷ và lợi nhuận sau thuế đạt 513 tỷ năm 2024
SBS đánh giá cao cơ hội tăng trưởng mạnh trong cả trung và dài hạn của BCG Energy trước bối cảnh Việt Nam được xem là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt quy hoạch điện VIII rất chú trọng việc mở rộng mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo.
Nguồn năng lượng này sẽ đạt tỷ trọng khoảng 30,9 – 39,2% vào năm 2030. Mục đích là đạt được tỷ lệ năng lượng tái tạo là 47% phù hợp với cam kết chuyển đổi năng lượng công bằng với Việt Nam (JETP). Đến năm 2050, tỷ trọng năng lượng tái tạo dự báo sẽ đạt 67,5 – 71,5%.
Ngoài ra, Việt Nam đang đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, làm tăng nhu cầu sử dụng điện. Trong khi nguồn thủy điện gần như cạn kiệt không còn dư địa phát triển, việc phát triển nhiệt điện than cũng không nhận được sự chấp thuận của nhà nước và chính quyền địa phương bên cạnh cam kết của Việt Nam về việc loại bỏ dần nhiệt điện than. Chính vì thế đây sẽ là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp có nền tảng tài chính vững mạnh như BCG Energy đón đầu để bứt phá.
Đặc biệt, trong tương lai nếu cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) được thông qua sẽ tạo những đột phá lớn cho doanh nghiệp đang sở hữu các dự án năng lượng tái tạo đồng thời thúc đẩy phát triển thị trường điện cạnh tranh, giúp nhà sản xuất tiết giảm chi phí khi mua điện trực tiếp trên thị trường điện.
SBS đánh giá BCG Energy sẽ tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận ổn định trong các năm tới. Trên cơ sở đó, sử dụng phương pháp định giá P/E và P/B forward, SBS dự phóng BGE sẽ đạt doanh thu 1.520 tỷ và lợi nhuận sau thuế đạt 513 tỷ năm 2024 như kế hoạch công ty đã đề ra.