Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, cho thấy, tổng mức đầu tư khái toán cho toàn bộ 3 giai đoạn dự án sân bay Long Thành khoảng 336.600 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD).
Thảo luận tại Quốc hội ngày 12/11, so sánh tổng mức đầu tư 2 công trình sân bay hiện đại nhất thế giới mới vận hành 2019 là sân bay Đại Hưng (Bắc Kinh, Trung Quốc) và sân bay Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), tiến sĩ Nguyễn Lâm Thành (ĐBQH đoàn Lạng Sơn) đã chỉ ra điểm chênh lệch lớn về vốn với dự án sân bay Long Thành.
Cụ thể, sân bay Đại Hưng với 4.700 ha, 7 đường băng, công suất thiết kế 100 triệu hành khách, 4 triệu tấn hàng hóa nhưng vốn đầu tư chỉ 11,5 tỷ USD. Sân bay Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) có công suất 4 đường băng, công suất thiết kế 90 triệu khách, vốn đầu tư 12 tỷ USD. Trong khi đó, dự án sân bay Long Thành có 2 đường băng, công suất thiết kế 100 triệu hành khách, 5 triệu tấn hàng hóa, nhưng vốn đầu tư dự kiến 16 tỷ USD.
Phối cảnh sân bay Long Thành. |
Nói về hiệu quả tài chính, ông Thành cho rằng, báo cáo xác định tỷ suất nội hoàn tài chính của dự án là 11,2%, tỷ suất lợi nhuận là 1,11%, thời gian là 12 năm 11 tháng và đây là con số khả quan cho 1 dự án đầu tư lớn. Tuy nhiên, liệu các con số trên được tính toán đã dựa trên chi phí đầy đủ chưa, nhất là khi so sánh với tổng mức đầu tư của 2 sân bay quốc tế kể trên?
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cũng cho rằng mức đầu tư tại sân bay Long Thành đang rất cao. Ông lấy ví dụ để tham khảo như sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok (Thái Lan) có tổng đầu tư 5 tỷ USD vào năm 2006 cho 100 triệu hành khách/năm (bình quân là 50 triệu USD cho 1 triệu hành khách). Sân bay Sydney ở Australia có công suất 82 triệu hành khách được đầu tư là 3,8 tỷ USD cho 10 năm tới.
Dư luận đặt ra câu hỏi, sân bay Long Thành vì lý do gì mà tổng số vốn khái toán lên đến 16 tỷ USD, đắt hơn và tốn nhiều diện tích hơn so với các sân bay hiện đại trên thế giới?
Theo Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành gồm 3 giai đoạn, mục tiêu khi hoàn thành sẽ đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Giai đoạn 1, đầu tư xây dựng 01 đường cất hạ cánh và 01 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác.
Giai đoạn 2, tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 01 đường cất hạ cánh cấu hình mở và 01 nhà ga hành khách để đạt công suất 50 triệu hành khách/năm và 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Giai đoạn 3, hoàn thành các hạng mục của Dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Chính phủ chỉ đạo lập báo cáo nghiên cứu khả thi đối với từng giai đoạn của Dự án và báo cáo Quốc hội thông qua trước khi quyết định đầu tư.
Cảng hàng không quốc tế Long Thành sau khi hoàn thành sẽ đạt cấp 4F theo phân cấp của ICAO, giữ vai trò là Cảng Hàng không quốc tế cửa ngõ lớn và quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực ở giai đoạn 2, giai đoạn 3.
Mới đây, theo báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 của dự án, quy mô đầu tư giai đoạn 1 sẽ đầu tư xây dựng 1 đường băng cất hạ cánh, 1 nhà ga với công suất đón 25 triệu hành khách mỗi năm với tổng diện tích 373.000 m2, nhà ga hàng hóa tiếp nhận 1,2 triệu tấn hàng mỗi năm và các hạng mục phụ trợ.
Mức đầu tư dự kiến cho giai đoạn 1 (bao gồm chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác, dự phòng khối lượng, dự phòng trượt giá và lãi vay…) là 111.689 tỷ đồng (một trăm mười một nghìn, sáu trăm tám mươi chín tỉ đồng), tương đương khoảng 4,779 tỷ USD, giảm khoảng 2.760 tỷ đồng so với phương án được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 94.
Do báo cáo nghiên cứu tiền khả thi chưa đề cập cụ thể và ước tính chi phí đầu tư cho các tuyến giao thông kết nối Cảng với hệ thống giao thông khu vực xung quanh nên trong quá trình nghiên cứu lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, Tư vấn đã đề xuất các tuyến giao thông kết nối với hệ thống giao thông khu vực xung quanh.
Cụ thể, trước mắt giai đoạn 1 sẽ đầu tư 2 tuyến gồm Tuyến số 1 (dài 3,8 km) kết nối trục chính Cảng (đầu phía Tây) với Quốc lộ 51. Giai đoạn 1 đầu tư với quy mô 6 làn xe. Thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh là 10 làn xe chạy chính và 6 làn đô thị song hành, bề rộng mặt cắt ngang thay đổi từ 85-120 m. Tuyến số 2 (dài 3,5 km) kết nối tuyến số 1 với đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Quy mô mặt cắt ngang gồm 4 làn xe theo 2 nhánh chạy độc lập, song hành với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Tổng chi phí dự kiến khoảng 4.802 tỷ đồng (trong đó, chi phí đầu tư xây dựng là 3.233 tỷ đồng và chi phí giải phóng mặt bằng là 1.569 tỷ đồng) và diện tích cần GPMB khoảng 136 ha.
Tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nói về tổng mức đầu tư của dự án cho biết, Bộ sẽ rà soát để bảo đảm tổng mức đầu tư sát với tình hình thực tế, không gây lãng phí, trượt giá như dự án khác. Người đứng đầu ngành Giao thông Vận tải cũng thông tin mức đầu tư như trong báo cáo nghiên cứu khả thi do 3 đơn vị tư vấn của Nhật Bản, một đơn vị của Hàn Quốc, một đơn vị của Pháp và 3 đơn vị của Việt Nam đưa ra. Hiện nay, Hội đồng nghiệm thu nhà nước đang thuê một tư vấn độc lập nước ngoài để thẩm tra độc lập. Đồng thời cho rằng, sân bay Long Thành sẽ được áp dụng những công nghệ hiện đại nhất hiện nay.
Khẳng định "Không có một sân bay nào hiệu quả tốt như sân bay Long Thành", Bộ trưởng Thể cho biết, khi sân bay này vừa hoàn thành có thể đạt ngay 20 – 25 triệu khách/năm. Những sân bay khác như Cần Thơ, xây xong 10 năm mới có 1 triệu khách/năm. Riêng sân bay Long Thành vừa xây xong sẽ đảm bảo lượng khách tới 25 triệu khách/năm. Đến 2030, con số này sẽ là 85 triệu khách/năm.
>>> Mời độc giả xem clip Xây sân bay quốc tế Long Thành: Tiền ở đâu?
Nguồn VTC1