Ngày 14-11, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cùng Trưởng Ban Tiếp công dân trung ương Nguyễn Hồng Điệp đã làm việc với 50 hộ dân ở các phường An Khánh, Thủ Thiêm, An Lợi Đông bị ảnh hưởng bởi dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐTMTT, quận 2). Đây là lần thứ 3 người đứng đầu chính quyền TP gặp gỡ người dân Thủ Thiêm, sau khi Thanh tra Chính phủ (TTCP) có Thông báo 1483 liên quan các khiếu kiện tại dự án KĐTMTT hồi đầu tháng 9 và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện theo kết luận này.
"Một kết luận dũng cảm"
Mở đầu phần nêu ý kiến của các hộ dân tham dự buổi làm việc trên, tuy không phản bác Thông báo 1483 của TTCP nhưng ông Hoàng Thăng Long (phường An Khánh) cho rằng các nội dung thông báo chưa thể hiện hết vấn đề mà người dân Thủ Thiêm khiếu nại. Do đó, ông Long kiến nghị Thủ tướng lập đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra toàn diện các nội dung người dân phản ánh liên quan đến dự án KĐTMTT. "Nhất là vấn đề 5 khu phố ở 3 phường đều nằm ngoài ranh quy hoạch chứ không phải chỉ có 4,3 ha ở khu phố 1, phường Bình An" - ông Long nói.
Tiếp lời ông Long, bà Trần Thị Mỹ (phường An Khánh) bày tỏ: "Thông báo 1483 đã chỉ ra một số vi phạm tại dự án này. Đối với người dân, đây là sự dũng cảm khi lần đầu tiên vạch ra sai phạm và chính quyền TP đã xin lỗi dân. Nhưng cái người dân mong đợi là kết luận thanh tra toàn diện dự án KĐTMTT chứ không chỉ dừng lại ở Thông báo 1483".
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong (ảnh trên) và Trưởng Ban Tiếp công dân trung ương Nguyễn Hồng Điệp trao đổi với người dân Thủ Thiêm sau buổi làm việc ngày 14-11 Ảnh: HOÀNG TRIỀU |
Đề cập đến khu tái định cư 160 ha, bà Mỹ cho rằng dự án KĐTMTT có 3 ranh. Đó là ranh quy hoạch khu trung tâm 640 ha, ranh quy hoạch tái định cư 160 ha và ranh tổng thể khu quy hoạch KĐTMTT. Do đó theo bà Mỹ, nếu nói ranh là phải nói rõ ranh nào thì mới biết ai ở trong ranh, ai ở ngoài ranh. Cũng theo bà Mỹ, đất tái định cư của người dân đã bị chính quyền giao cho doanh nghiệp nên lãnh đạo TP thời điểm đó đã chỉ đạo "tìm kiếm" 160 ha đất ở nhiều nơi để đưa vào đất tái định cư. Bà Mỹ mong muốn các khiếu nại ở Thủ Thiêm sớm được giải quyết dứt điểm.
Cũng về việc tái định cư, ông Nguyễn Bảo Sơn (phường An Khánh) nhắc lại Quyết định 367/1996 của Thủ tướng về quy hoạch KĐTMTT. Ông nói Thủ tướng đã nghĩ đến dân khi trong quy hoạch có chỉ rõ khu 160 ha để cho dân tái định cư. "Thủ tướng đã cho người dân Thủ Thiêm một ước mơ được an cư lạc nghiệp trên chính mảnh đất Thủ Thiêm" - ông bày tỏ nhưng cũng tiếc nuối khi hơn 20 năm rồi, việc đó chưa được thực hiện. Ông mong chính quyền hãy giải quyết việc tái định cư cho người dân Thủ Thiêm. "Tôi tin chính quyền sẽ làm được. Chỉ cần minh bạch, công bằng là làm được hết. Người dân Thủ Thiêm sẵn sàng cùng chính quyền TP và Chính phủ giải quyết các vấn đề liên quan đến Thủ Thiêm; cùng nhau làm xong KĐTMTT để tương lai sẽ trở thành khu đô thị văn minh, hiện đại" - ông Sơn khẳng định.
"Lắng nghe bà con, vì bà con"
Sau khi nghe ý kiến của các hộ dân, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong khẳng định sẽ tiếp thu trên tinh thần cầu thị, lắng nghe. "Tuy một số ý kiến có hơi gay gắt nhưng tôi hiểu bởi vấn đề Thủ Thiêm đã kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng rất nhiều hộ dân" - ông Nguyễn Thành Phong chia sẻ và mong muốn bà con cùng hợp tác với TP giải quyết dứt điểm vì lợi ích chính đáng của bà con cũng như sự phát triển của TP.
Chủ tịch UBND TP khẳng định ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, TP đã có Kế hoạch 821 triển khai thực hiện ngay. Trong đó có việc lắng nghe ý kiến người dân để hoàn thiện chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư. "Vừa qua TP đã thành lập tổ công tác với các ban, ngành liên quan. Mặc dù đã đề ra 10 chính sách nhưng nếu người dân chưa đồng ý thì cần lấy ý kiến để chính sách phù hợp hơn. Như Thông báo 1483 đã nêu, trong những sai sót có việc 4,3 ha đất nằm ngoài ranh. Để sửa sai, TP đã tiếp xúc các hộ dân và đề ra chính sách" - ông Nguyễn Thành Phong nói.
Theo người đứng đầu chính quyền TP, qua các buổi tiếp xúc, các hộ dân bức xúc rất nhiều về khu tái định cư 160 ha. Về vấn đề này, Chính phủ đã thành lập tổ công tác để làm rõ. TP sẽ thông báo đến người dân Thủ Thiêm ngay khi có kết quả. "Chúng tôi xác định rất rõ trách nhiệm của mình là phải giải quyết vấn đề Thủ Thiêm trên cơ sở lợi ích chính đáng của người dân. Tổ chức, cá nhân nào sai phạm cũng phải bị xử lý một cách nghiêm khắc" - Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Sẽ báo cáo Thủ tướng những vấn đề phát sinh
Về việc một số hộ dân đề nghị thành lập đoàn thanh tra Chính phủ để thanh tra toàn diện lại dự án, ông Nguyễn Thành Phong hứa sẽ báo cáo với Chính phủ, TTCP để cùng nhau xem xét và giải quyết.
Trưởng Ban Tiếp công dân trung ương Nguyễn Hồng Điệp bày tỏ Chính phủ, TTCP rất quan tâm đến các vấn đề ở Thủ Thiêm. Ông Điệp nhấn mạnh TP phải thực hiện theo kết quả kiểm tra của trung ương. Thủ tướng chỉ đạo trong quá trình thực hiện, TP có thể báo cáo với trung ương các nội dung phát sinh. "Sau 3 buổi tiếp xúc, bà con có ý kiến nhiều nhất không chỉ 4,3 ha ở khu phố 1, phường Bình An nằm ngoài ranh mà 4 khu phố khác cũng nằm ngoài ranh. Bà con cũng đề nghị nếu họ ở ngoài ranh quy hoạch thì phải đền bù thỏa đáng; còn trong ranh thì phải chỉ rõ 160 ha ở đây như Quyết định 367" - ông Điệp đúc kết. Tuy nhiên, theo ông Điệp, sự việc đã qua nhiều năm nên khó có thể sửa lại giống như cũ. Ai sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật cho nên rất mong bà con hợp tác. "Khuyết điểm nào của chính quyền mà bà con có thể tha thứ được thì mong bà con bỏ qua. Chỉ khi người dân và chính quyền hợp tác thì mới có thể giải quyết được câu chuyện Thủ Thiêm" - ông Điệp nhắn gửi.
Còn về phía TP, ông Điệp đề nghị chính quyền cố gắng làm sao giải quyết cơ bản quyền lợi cho người dân trước Tết nguyên đán 2019, nhất là ổn định nơi ở, bảo đảm cuộc sống. "Phải hành động cụ thể, đó mới là lời xin lỗi chân thành nhất" - ông Điệp nói. Cuối cùng, ông Điệp cho biết sẽ báo cáo lên Chính phủ, TTCP các ý kiến của bà con và khẳng định TTCP sẽ tiếp tục đồng hành với TP, bà con để cùng nhau giải quyết dứt điểm các khiếu nại ở Thủ Thiêm.
Kế hoạch 821 của UBND TP HCM về việc thực hiện Thông báo 1483 đề ra 6 bước thực hiện. Trong đó có bước tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan thời điểm phát sinh vụ việc theo phân cấp quản lý cán bộ. Thời gian thực hiện trước ngày 30-11.
Hai luồng ý kiến sau 3 lần tiếp xúc
Sau khi TTCP có Thông báo 1483, người đứng đầu chính quyền TP đã có 3 lần tiếp xúc người dân Thủ Thiêm.
Lần gặp đầu tiên là hôm 18-10 với khoảng 30 hộ ở khu phố 1, phường Bình An. Đây là các trường hợp có đất ở khu 4,3 ha - được TTCP xác định nằm ngoài ranh quy hoạch. Lần gặp thứ hai là hôm 7-11 với khoảng 40 hộ phường Bình An và Bình Khánh - được cho là trong ranh quy hoạch. Lần ba là hôm 14-11 với 50 hộ dân ở 3 phường An Khánh, Thủ Thiêm, An Lợi Đông - được cho là trong ranh quy hoạch. Tại 2 lần gặp sau, TP đưa ra 10 nội dung về chính sách bồi thường, hỗ trợ bổ sung để xin ý kiến người dân.
Đối với 10 nội dung TP HCM lấy ý kiến tại các buổi làm việc, một số hộ dân cho rằng vẫn còn một vài điểm chưa thỏa đáng. Đó là, TP mới chỉ đề cập đến đất ở mà bỏ qua đất nông nghiệp, đất xen cài khu dân cư nằm trong địa giới hành chính phường. Còn về mốc thời gian ngày 10-5-2002 mà TP đưa ra, bà Nguyễn Mê Linh (phường An Lợi Đông)cho biết có nhiều nhà làm sau thời điểm này và trước khi Luật Đất đai 2003 có hiệu lực thì nên công nhận là đất ở. Chính sách mới chưa đề cập các trường hợp này, vì vậy cần phải nghiên cứu thêm để hỗ trợ người dân.
Trong 3 lần gặp, nổi lên 2 luồng ý kiến. Một là, các hộ dân cơ bản tán đồng nội dung Thông báo 1483 của TTCP và bày tỏ thiện chí sẵn sàng hợp tác với chính quyền TP để hướng đến giải quyết dứt điểm vấn đề Thủ Thiêm một cách hợp tình, hợp lý. Luồng ý kiến còn lại tỏ ra chưa thật sự đồng ý với nội dung Thông báo 1483 của TTCP vì cho rằng nhiều vấn đề mà họ khiếu nại, kiến nghị chưa được làm rõ nên kiến nghị Chính phủ lập đoàn thanh tra liên ngành.