Cần sự minh bạch từ cơ quan quản lý
Báo Tri thức và Cuộc sống đã có bài viết “Viện thẩm mỹ Janhee sử dụng mỹ phẩm chứa thành phần cấm?” phản ánh cơ sở này (102 đường số 6, Khu dân cư Cityland Park Hill, phường 10, quận Gò Vấp, TP HCM) quảng cáo, tư vấn thực hiện hoạt động dịch vụ vượt phạm vi cho phép như thu nhỏ âm đạo, tiêm chất làm đầy rãnh cười, căng chỉ da mặt, truyền trắng da... nguy cơ ảnh hưởng sức khoẻ, tính mạng khách hàng.
VTM Janhee tại địa chỉ 6B Cao Thắng, P.5, Q.3, TP HCM từng bị Thanh tra Sở y tế kiểm tra phát hiện thực hiện dịch vụ "chui" |
Đặc biệt, VTM Janhee tư vấn trực tiếp thực hiện truyền một loại mỹ phẩm mà có thành phần tế bào gốc “nhau thai người” dưới cái tên dịch vụ “truyền năng lượng tế bào gốc nhau thai”, giá 200 triệu đồng/buổi truyền, liệu trình 5 buổi với phí đóng là 1 tỷ đồng.
Theo thông tin từ Cục Quản lý dược Bộ Y tế, cho tới thời điểm hiện tại Cục này không cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm cho bất kỳ sản phẩm mỹ phẩm nào có chứa nhau thai và tế bào gốc có nguồn gốc từ con người.
Tuy nhiên, khi được hỏi về cơ sở pháp lý liên quan đến hoạt động của VTM Janhee trên địa bàn, UBND phường 10 (quận Gò Vấp) lại có báo cáo số 888/BC – UBND gửi Báo Tri thức và Cuộc sống, cho biết: Các sản phẩm mỹ phẩm, tinh chất liên quan đến làm đẹp của cơ sở Janhee (tức bao gồm mỹ phẩm tế bào gốc nhau thai người-PV) đã được công bố sản phẩm mỹ phẩm do Sở Y tế TP HCM cấp.
Đồng thời UBND phường 10 cũng cho biết, cơ sở Viện thẩm mỹ Janhee có cung cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo (số 91/2021/XNQC-SYT TP. HCM) do Sở Y tế TP HCM cấp ngày 12/5/2021.
Nhiều vụ việc thẩm mỹ hoạt động "chui" bị Thanh tra sở y tế cùng cơ quan chức năng phối hợp phát hiện trên địa bàn TPHCM |
Sáng 1/12, PV có trao đổi với bà Trương Thụy Bích Diễm, Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế (SYT) TPHCM xoay xung quanh những thắc mắc về hồ sơ giấy tờ hoạt động của Công ty cổ phần viện thẩm mỹ Janhee như: bản công bố sản phẩm mỹ phẩm do SYT TP HCM cấp, giấy xác nhận nội dung quảng cáo (số 91/2021/XNQC-SYT TPHCM) do SYT TPHCM cấp ngày 12/5/2021 cho cơ sở để quảng cáo.
Tuy nhiên, bà Diễm cho rằng, theo qui trình làm việc với báo chí, PV phải có văn bản của Báo cung cấp cho Sở Y tế TP HCM về những thông tin liên quan tới cơ sở Janhee được phản ánh. Văn bản này phải gửi tới Chánh văn phòng SYT TP HCM tiếp nhận. Sau đó Phòng Thanh tra Sở có cơ chế phối hợp, tiến hành xử lý theo qui định.
“Báo cứ gửi thông tin vụ việc về chánh văn phòng SYT. Nếu đã gửi rồi nhưng chúng tôi chưa triển khai, chưa làm việc với cơ sở thì chúng tôi cũng chưa thể trả lời. Nếu Chánh văn phòng Sở chưa phát ngôn thì chúng tôi cũng chưa thể nói gì”, bà Diễm nói.
Những cơ sở làm đẹp "chui" gây hậu quả kinh hoàng cho khách hàng làm đẹp, cơ quan chức năng chưa thể quản lý xuể |
Liên quan đến hoạt động của hệ thống VTM Janhee, đầu tháng 3/2021, Thanh tra sở đã phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra đột xuất cơ sở Viện thẩm mỹ Janhee và Nha khoa Janhee (tọa lạc trên cùng một địa chỉ 6B Cao Thắng, P.5, Q.3, TPHCM).
Tại hiện trường kiểm tra cho thấy, cơ sở cung cấp các dịch vụ chăm sóc da và phẫu thuật thẩm mỹ không phép, cùng các máy móc chăm sóc da nhưng cơ sở chưa xuất trình được hồ sơ nguồn gốc máy. Đoàn còn phát hiện các túi đựng các sản phẩm mỹ phẩm nhưng cơ sở chưa cung cấp được hồ sơ nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, còn phát hiện nhiều giấy tờ ghi nhận thực hiện cắt mí, nâng cung mày và các hợp đồng thỏa thuận trả góp của khách hàng đến làm thẩm mỹ.
Điều đáng nói, vụ việc nói trên đến nay vẫn chưa có thêm thông tin về hình thức xử phạt đối với những sai phạm cũ, tuy nhiên hệ thống VTM Janhee tiếp tục mở thêm cơ sở chi nhánh tại quận Gò Vấp (TP HCM), với hoạt động quảng cáo rầm rộ hơn, dụ khách hàng thực hiện dịch vụ truyền vào cơ thể một loại mỹ phẩm “mập mờ” về giấy phép, về công dụng, nguy cơ rủi ro, tác hại về sức khoẻ là rất lớn.
“Thẩm mỹ "chui” vẫn lộng hành, rủi ro cho khách làm đẹp còn tiếp diễn
Cũng theo báo cáo số 888/BC-UBND phường 10, quận Gò Vấp ngày 14/11/2022 cho biết, bác sĩ Bùi Thị Cẩm Tú là người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật tại cơ sở. Có chứng chỉ hành nghề (CCHN) số 0000456/HCM-CCHN do sở y tế cấp ngày 17/8/2014. Tuy nhiên được biết, CCHN này của BS Cẩm Tú thuộc chuyên khoa Răng hàm mặt, không liên quan gì tới các hoạt động làm kỹ thuật thẩm mỹ như VTM Janhee đã quảng cáo trên các trang mạng.
Một ca nâng ngực tại cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ trá hình (Quận 7, TPHCM) bị quên miếng gạc trong khoang ngực. Các bác sĩ đang phải phẫu thuật gắp bỏ miếng gạc |
Theo PGS.TS.BS Đỗ Quang Hùng - Phó Chủ tịch hội Thẩm Mỹ TP HCM, Bác sĩ đứng tên một phòng khám PTTM, hành nghề thẩm mỹ buộc phải trải qua các bước theo quy định. Trong đó, các dịch vụ PTTM, làm đẹp da nhưng có xâm lấn, như tiêm, truyền chích, khi thực hiện đều phải tuân thủ những qui định nghiêm ngặt của Bộ y tế.
Theo qui định, sau khi có bằng bác sĩ (BS) đa khoa (tốt nghiệp ĐH Y khoa), muốn theo nghề PTTM, BS phải tham gia khoá học chuyên khoa 1 Tạo hình thẩm mỹ thời gian 24 tháng, 12 tháng học chuyên khoa định hướng PTTM, 18 tháng thực hành các ca thẩm mỹ, PTTM tại một cơ sở cấp bệnh viện có chuyên khoa PTTM, hay Phòng khám PTTM, đồng thời có những chứng nhận của cơ sở như: Đã mổ bao nhiêu ca thẩm mỹ mắt, bao nhiêu ca nâng mũi, nâng ngực… Tổng hợp hồ sơ bệnh án của các ca mổ này làm căn cứ xin mở phòng khám PTTM riêng cho bản thân mình hoặc đi kí kết hợp tác với nơi khác theo qui định. Như vậy, qui trình để được hành nghề hợp pháp của một BS PTTM theo từng bước, suốt 54 tháng sau khi có bằng BS đa khoa của trường ĐH Y khoa.
TPHCM hiện có 20 bệnh viện thẩm mỹ, 28 bệnh viện đa khoa có khoa/đơn vị thẩm mỹ, 5 phòng khám đa khoa có chuyên khoa thẩm mỹ, 226 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ. Nhưng, theo thống kê sơ bộ, lại có trên 5.000 cơ sở chỉ là Spa nhưng đều quảng cáo nhận PTTM. Vì vậy, trong vài năm trở lại đây cùng với việc nở rộ của các cơ sở thẩm mỹ kéo theo đó là số ca tai biến từ thẩm mỹ cũng gia tăng. Nhiều bệnh nhân đã mất mạng vì đi làm đẹp không đúng nơi chuyên khoa, đánh đổi cả tính mạng vì chạy theo cái đẹp dao kéo.
Mỹ phẩm “tế bào gốc nhau thai người” là lừa bịp!
BS Ngô Thị Thu Cúc, Chuyên khoa da liễu (Trường đại học Y Dược TP.HCM) khẳng định: Tôi làm nghề bao năm nhưng thực sự không nghe nói tới loại thuốc hay mỹ phẩm nào gọi là “tế bào gốc nhau thai người” và lại có giá tới cả tỉ bạc. Tôi cũng từng tham dự một Hội thảo về tế bào gốc tại Mỹ. Tại đây, các chuyên gia đưa ra một nghiên cứu là lấy tế bào gốc tại cuống rốn của em bé sơ sinh và lưu trữ, sau này nếu trong gia đình cùng huyết thống không may có ai bị bệnh cần tới để chữa trị, thì sẽ đưa mẫu lưu trữ này ra. Kỹ thuật này có thể tới tiền tỉ. Nhưng thực tế khoa học cũng còn đang nghiên cứu, chưa chứng minh hết được công dụng thực sự từ tế bào gốc cuống rốn. “Còn sản phẩm tế bào gốc nhau thai người đang rao bán ầm ầm trên mạng tại Việt Nam, với giá cả vài chục triệu hay cả tỉ đồng chỉ là trò lừa bịp”.