Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tiếp nhận và điều trị 1 bệnh nhi nhiễm trùng nặng do đắp thuốc lá trị gãy xương. Được bác sĩ tận tình điều trị song bệnh nhi có nguy cơ cứng khớp vai do nhiễm trùng từ việc đắp thuốc lá.
Thực tế, đây không phải lần đầu báo chí ghi nhận bệnh nhân đối diện biến chứng nguy hiểm khi đắp thuốc lá chữa gãy xương. Trước đó, Khoa Chấn thương - Chỉnh hình và Bỏng, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) từng tiếp nhận 2 bệnh nhân nhập viện do gãy chân, nhiễm trùng nặng do tự điều trị bằng cách đắp thuốc lá. Tình trạng bệnh nhân rất phức tạp, có thể có biến chứng nguy hiểm, thậm chí đối diện nguy cơ phải cắt bỏ chi.
Tiền mất tật mang vì đắp thuốc lá trị gãy xương
Theo chuyên gia, gãy xương làm xáo trộn cấu trúc và độ bền của xương, dẫn đến đau đớn, mất chức năng xương, đôi khi chảy máu và tổn thương vị trí xung quanh. Mục đích của điều trị gãy xương là phục hồi hình thái giải phẫu của xương bị gãy, từ đó phục hồi chức năng hoàn toàn cho xương gãy.
Điều trị gãy xương, cần phải hiểu được sự phân bố mạch máu, thần kinh. Đồng thời cần đến sự hỗ trợ của các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang nhằm đánh giá mức độ gãy trật và di lệch để có phương pháp điều trị phù hợp như bó bột, mổ kết hợp xương bằng đinh nội tủy, nẹp vít,... Vậy nhưng, nhiều thầy lang không có hoặc có rất ít kiến thức về giải phẫu cơ thể người nên không thể đảm bảo xương của người bệnh trở về đúng vị trí.
Bệnh nhi nhiễm trùng nặng do tự ý đắp thuốc lá trị gãy xương tại nhà. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn |
Với cách đánh giá tình trạng gãy trật bằng “niềm tin”, một số trường hợp gãy xương kín, rạn xương không nghiêm trọng, vết gãy có thể lành lại. Vậy nhưng, dù xương lành lại cũng không theo đúng hình dáng ban đầu, dẫn đến lệch, cong, vẹo ảnh hưởng đến chức năng và việc khắc phục càng khó khăn, phức tạp.
Trong khi đó, những trường hợp gãy xương lớn như xương đùi thì đắp thuốc nam không thể giúp liền xương. Công dụng của thuốc nam chủ yếu là tiêu sưng, giảm phù nề, hết ứ đọng khí huyết, giảm đau khiến nhiều người nhầm tưởng về hiệu quả của chúng. Lúc này, bệnh nhân buộc phải phẫu thuật mới có thể điều chỉnh phần gãy, cố định chúng đúng vị trí. Đắp thuốc lá trị gãy xương làm trì hoãn việc điều trị, khiến các phần gãy liền lại trong tình trạng lệch, vẹo. Không những vậy, các mảnh gãy còn có thể gây tổn thương dây thần kinh, mạch máu, đâm vào phần mềm gây đau đớn và nguy hiểm.
Đắp lá trị gãy xương còn làm tăng nguy cơ viêm nhiễm. Nguyên nhân bởi những loại thuốc không rõ nguồn gốc có thể gây viêm loét, nhiễm trùng da – mô mềm, thậm chí là nhiễm trùng huyết.
Chăm sóc khi bị gãy xương
Điều trị gãy xương bằng thuốc lá có thể khiến người bệnh rơi vào cảnh tiền mất tật mang. Để đảm bảo, tốt nhất không nên áp dụng phương pháp này. Khi có người bị gãy xương, cần sơ cứu đúng cách rồi đưa tới bệnh viện càng sớm càng tốt.
Bên cạnh việc tuân theo chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân nên chú ý chế độ ăn uống giúp xương mau lành. Cụ thể, người bệnh nên tăng cường thực phẩm giàu canxi, vitamin D, K, kẽm, magie, sắt, chất đạm,... Tránh thực phẩm chứa nhiều caffeine, thực phẩm nhiều dầu mỡ, rượu và một số đồ uống chứa cồn vì chúng có thể làm chậm quá trình liền xương.
>>> Mời độc giả xem thêm video: Hạt mắc ca hút khách vì công dụng tốt cho sức khỏe
Nguồn video: THDT