Hầu hết các bà nội trợ khi sử dụng các đồ dùng nhà bếp như nùi rửa bát, khăn lau bát, đũa, thớt... thường không chú ý đến hạn sử dụng. Liệu đồ dùng nhà bếp có cần thay thường xuyên, bao lâu thì nên thay?…
Vẫn dùng được thì sao phải bỏ!
Để tìm hiểu thói quen sử dụng các đồ dùng nhà bếp, phóng viên đã tiến hành một cuộc khảo sát nhanh với 15 bà nội trợ ở tổ 22 Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Với câu hỏi khi sử dụng các đồ dùng trong nhà bếp, các bà nội trợ có chú ý đến hạn sử dụng không, 95% câu trả lời là không; với câu hỏi các bà nội trợ sử dụng đũa, thớt trong thời gian bao lâu, 25% cho biết dùng trong khoảng 2 năm, số người còn lại cho rằng cứ dùng đến khi cũ, nát, mốc đen mới thay...
Ngoài việc khảo sát quy mô nhỏ, phóng viên còn tiến hành một cuộc phỏng vấn ngắn với bà Phan Thị Hanh (tổ 22 Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) để hiểu thêm về thói quen cũng như cách nghĩ trong việc sử dụng các đồ dùng nhà bếp.
- Thông thường đồ dùng nhà bếp như nùi rửa bát, khăn lau bát, khăn lau bàn bếp bà dùng bao lâu thì thay mới?
Rách thì thay cái mới chứ tôi cũng chả biết là dùng bao lâu, có khi vài tháng, có khi cả năm.
- Bà có nghĩ rằng, những chiếc khăn này dùng lâu, cáu bẩn là nơi trú ẩn của vi khuẩn, nấm mốc sẽ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ không?
Khi dùng xong nùi rửa bát, khăn lau bàn tôi đều giặt sạch sẽ ngay; còn khăn lau bát thì giặt hàng tuần. Vệ sinh kỹ như thế làm sao có vi khuẩn được...
- Còn về đũa ăn, bao lâu thì bà thay đũa cũ?
Khi sử dụng đũa thì đôi khi cũng gẫy hoặc đôi cọc cạch thì vứt chứ bảo cũ mà vứt thì không. Nếu vẫn dùng bình thường thì sao phải vứt, bỏ!?
- Nhưng đũa dùng lâu có thể bị mốc, hoặc những vết nứt nhỏ trên thân đũa sẽ là nơi ẩn chứa vi khuẩn mà khó có thể làm sạch được?
Vào những ngày ẩm ướt, ví dụ như mấy hôm nay trời mưa, nhiều khi rửa đũa không khô được thì tôi cũng đem luộc nước sôi, hoặc chờ ngày nắng to đem phơi. Như vậy làm sao mà có nấm mốc.
- Vậy còn thớt, bà có phân loại thớt dùng riêng cho thực phẩm chín và thực phẩm sống không?
Không, bày vẽ làm gì cho chật nhà. Sau mỗi lần dùng tôi đều cọ rửa sạch sẽ với nước rửa bát và xả sạch dưới vòi nước, tôi không nghĩ là có vấn đề gì khi thái đồ sống hay chín.
- Chiếc thớt đang dùng bà dùng bao lâu rồi?
Tôi không nhớ. Chắc cũng vài năm rồi.
Rất nhiều đồ dùng cũ vẫn được tận dụng trong căn bếp của bà Hanh. |
Đừng thấy còn dùng được thì cố
BS Hoàng Trung Bồng, nguyên chuyên viên Bộ Y tế cho hay, đúng là đối với các sản phẩm sử dụng trong nhà bếp như thớt, đũa, nùi rửa bát, khăn lau bàn... thường ít có hạn sử dụng, người dùng cũng ít để ý, thường dùng đến khi nào không thể dùng được mới thay chứ không thay thế theo một khoảng thời gian sử dụng nhất định. Thói quen này cần được thay đổi bởi thớt, đũa, khăn lau bàn... là các vật dụng rất dễ bị vi khuẩn, nấm mốc tấn công.
Vì vậy người sử dụng nên chú ý để thay. Ví dụ, khăn lau bát, khăn ăn dù dùng xong có giặt sạch ngay cũng nên định kỳ thay sau 3 – 4 tháng sử dụng. Nùi rửa bát cũng nên thay 6 tháng/lần. Với thớt, cũng nên định kỳ thay sau 3 - 6 tháng tùy vào nhu cầu sử dụng của mỗi gia đình, thậm chí không cần đợi đến hạn mà ngay khi thấy thớt có biểu hiện ngả màu đen, có mùi lạ, sờ tay thấy nhớt thì cần thay ngay...
Ngoài chú ý thay đồ mới, trong quá trình sử dụng, người dùng cũng cần chú ý vệ sinh các đồ nhà bếp. Khăn lau bàn, khăn lau bát, nùi rửa bát phải được giặt sạch hằng ngày và hong nơi khô ráo để tránh làm ổ cho vi khuẩn tấn công. Bát, đũa, dao thớt khi dùng xong nên rửa luôn sau đó để nơi khô, thoáng, nhất là với đũa, cần “tãi” ra chứ không nên dồn đống khiến rửa từ sáng mà đến chiều ăn vẫn còn ẩm, ướt. Mấy ngày nay trời mưa, tốt nhất, trước khi dùng nếu thấy thớt, đũa vẫn còn ẩm thì có thể hơ qua trên bếp lửa một chút hoặc luộc qua nước sôi, nhiệt độ cao sẽ giúp diệt vi khuẩn, nấm mốc.
Ông Nguyễn Thành Vinh (Công ty Dịch vụ vệ sinh Nhà sạch)