Clip đoàn công tác Bộ GTVT và Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai tại hiện trường sà lan tông sập cầu Ghềnh:
Chiều tối ngày 20/3, lãnh đạo Bộ GTVT do thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường (phụ trách Bộ GTVT) và thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông dẫn đầu đoàn công tác đặc biệt của Bộ GTVT cùng lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai, các đơn vị liên quan đã có mặt khảo sát hiện trường vụ tai nạn sà lan tông sập cầu Ghềnh (cầu đường sắt Bắc Nam vượt sông Đồng Nai) nối giữa 2 phường Bửu Hoà và Hiệp Hoà, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai.
Đoàn công tác đặc biệt của Bộ GTVT đến ga Biên Hòa để chỉ đạo công tác vận chuyển hành khách trong thời gian tới sau sự cố sập cầu Ghềnh. |
Ngay sau đó, đoàn công tác đặc biệt đã đến ga Biên Hòa để chỉ đạo công tác tổ chức vận chuyển hành khách sau sự cố mà ga Biên Hòa sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong thời gian tới.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã khẳng định từ hôm nay cho đến khi khắc phục xong tai nạn cầu Ghềnh (dự kiến mất từ 3 đến 5 tháng), chặng cuối của tuyến đường sắt vận chuyển hành khách từ Bắc vào Nam sẽ là ga Biên Hoà; riêng hàng hoá sẽ là các ga ở Hố Nai, Trảng Bom (thuộc tỉnh Đồng Nai).
Rất đông hành khách đến và đi tại ga Biên Hòa khi hành trình đường sắt Bắc Nam gặp sự cố sập cầu Ghềnh, tàu không thể vào ga Sài Gòn. |
“Ga Biên Hòa có cơ sở hạ tầng còn hạn chế, những tuyến đường xung quanh nhà ga nhỏ hẹp nên chắc chắn sẽ cực kỳ khó khăn khi gánh lượng hành khách đi và đến thay ga Sài Gòn trong những ngày tời. Tuy nhiên chúng tôi cam kết sẽ phối hợp cùng các ngành liên quan của thành phố Biên Hòa và tỉnh Đồng Nai để làm tốt nhiệm vụ của mình trong việc vận chuyển cũng như bảo đảm an toàn cho hành khách”, đại diện ga Biên Hòa cam kết với Lãnh đạo Bộ GTVT.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông (người đứng) đang phát biểu chỉ đạo các ngành liên quan trong công tác khắc phục, xử lý sự cố sập cầu Ghềnh. |
Trong diễn biến khác, tại buổi họp với các thứ trưởng và Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, Phó Giám đốc Sở cảnh sát PCCC tỉnh Đồng Nai đề nghị các đơn vị liên quan nhanh chóng lai dắt chiếc sà lan gây tai nạn khỏi hiện trường vì phương tiện này đang trôi về phía hạ nguồn cầu Đồng Nai, có nguy cơ tiếp tục gây nạn. Đồng thời xác định chiếc tàu lai dắt đã bị chìm có dấu hiệu tràn dầu (ước tính có hàng nghìn lít) gây nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm môi trường.
Lãnh đạo Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan nhanh chóng lai dắt sà lan vào nơi an toàn vì hiện tại cơ quan điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã khám nghiệm xong phần nổi và trong quá trình trục vớt song song với công tác khám nghiệm phần chìm; đồng thời sớm trục vớt tàu lai dắt.
“Dù bước đầu xác định không có ai thương vong trong vụ tai nạn này. Tuy nhiên lực lượng cứu nạn tiếp tục tìm kiếm, xác định chính xác còn người trong tàu kéo hay không?”, thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, chỉ đạo.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng chỉ đạo thành lập đoàn khảo sát, xây dựng phương án trục vớt các dầm cầu và lên phương án khắc phục, giải toả xong sà lan… chậm nhất là trong 2 ngày tới. Sau đó các đơn vị liên quan tổng hợp báo cáo về tổ công tác đặc biệt của Bộ.
“Trong 1 tuần phải có phương án khảo sát, thiết kế để có kế hoạch khôi phục lại cầu Ghềnh. Tuy nhiên với tình hình thực tế ghi nhận tại hiện trường, việc khôi phục lại cầu để tuyến đường sắt từ Bắc vào Nam về ga Sài Gòn phải mất từ 3 đến 5 tháng”, thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, nhận định.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách UBATGT Quốc gia đề nghị các ngành liên quan như giao thông vận tải, đường sắt, Chính quyền, Công an thành phố Biên Hòa và tỉnh Đồng Nai làm hết mọi cách để phục vụ hành khách đi, đến tại ga Biên Hoà. Đồng thời ông Hùng cũng kiến nghị Bộ GTVT nên làm việc với doanh nghiệp vận tải Hàng không, đường bộ…để cùng tham gia giải quyết sự cố tai nạn giao thông này trong thời gian chờ khôi phục lại cầu đường sắt Bắc Nam.
Bộ GTVT, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và các ngành liên quan cho rằng vụ tai nạn dù không gây thiệt hại về người nhưng xác định gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế; trong đó thiệt hại nặng nhất là ngành vận tải đường sắt.
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Diệp, cục phó Cục CSGT (C67) đề nghị cơ quan điều tra Công an tỉnh Đồng Nai nhanh chóng truy bắt, thậm chí truy nã những người gây ra sự cố để xử lý nghiêm trước pháp luật.
Thượng tá Huỳnh Văn Nam, Trưởng phòng CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai cho biết hiện đã xác định danh tính 2 nghi can trên chiếc tàu kéo lai dắt sà lan gây tai nạn là tài công Trần Văn Giang (quê tỉnh Bạc Liêu) và người cháu là Nguyễn Văn Lẹ (quê Sóc Trăng). Theo CQĐT, sau khi bị rơi xuống sông và được ghe xuồng người dân ứng cứu đưa vào bờ, đến tối cùng ngày cả 2 vẫn chưa đến cơ quan Công an trình diện.
Hiện trường sà lan tông sập cầu Ghềnh gây tê liệt tuyến đường sắt từ Bắc vào TPHCM. |
Đến 21h ngày 20/3, 2 đường dẫn đầu cầu đang được lực lượng Công an, bảo vệ dân phố, dân phòng 2 địa phương Bửu Hòa và Hoà Hiệp phong toả nghiêm ngặt. Lực lượng tìm kiếm cứu hộ- cứu nạn Bộ Công an, Công an tỉnh Đồng Nai và lực lượng chi viện của Cảnh sát PCCC TPHCM vẫn đang làm việc tại khu vực cầu Ghềnh bị tông sập, sà lan và tàu lai dắt bị chìm dưới sông Đồng Nai.